Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

"Choáng" với văn hóa tham gia giao thông (Bài 1): Nhan nhản cảnh tượng "chướng tai gai mắt"

Thứ Sáu 03/03/2023 | 10:55 GMT+7

VHO-  Văn hóa tham gia giao thông chẳng có gì cao siêu và bí hiểm cả. Nó rất đơn giản là khi tham gia giao thông cần chấp hành đúng quy định; nhường nhịn khi bị ùn, tắc hoặc hành xử văn minh khi có va chạm… Thế nhưng “văn hóa tham gia giao thông” dường như vẫn là câu chuyện "biết rồi khổ lắm" nhưng sẽ còn "nói mãi". Và trong chừng mực nào đó còn gây “choáng” cho nhiều người. Hình thành “văn hóa tham gia giao thông” khó đến vậy sao?

 

 Cảnh tham gia giao thông theo kiểu “mạnh ai nấy đi” vẫn diễn ra hằng ngày

Không phải bây giờ mà đã từ lâu, nhiều du khách nước ngoài cảm thấy ngao ngán và vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy cảnh tượng giao thông ở Việt Nam, nó lộn xộn như một mớ bòng bong. Có những du khách đứng hàng chục phút không thể qua đường… vì xe cộ cứ lao vun vút, bất chấp quy định.

Có một con số khiến ai cũng phải tiếp tục giật mình. Theo Tổng cục Thống kê, so với năm trước (2021), số vụ tai nạn giao thông trong năm nay giảm nhưng số người chết và bị thương tăng. Bình quân 1 ngày trong năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm 17 người chết, 12 người bị thương và 10 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân tai nạn giao thông sẽ có nhiều, nhưng chắc chắn việc không chấp hành quy định của pháp luật là chiếm phần lớn.

Va chạm là dùng nắm đấm, chửi tục...

Mỗi buổi sáng, chị Nguyễn Bích Hạnh, cư trú tại một chung cư trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) lại mở đầu một ngày đến cơ quan với hành trình gian nan khi tham gia giao thông. Đường phố đông đúc, chật chội và điều khiến chị thở phào khi đến cơ quan là thoát cảnh “bon chen” bởi cảnh các loại phương tiện vượt đèn đỏ, lấn làn, trèo lên vỉa hè. Nhưng chị sợ hãi nhất là cảnh va chạm một tí là nhảy xuống dùng nắm đấm hay dùng những từ ngữ nặng nề với nhau. Không chỉ chị Hạnh, nhiều người khác dù không muốn nhưng khi tham gia giao thông tại Hà Nội cũng bị cuốn vào dòng xe cộ hỗn loạn, bởi nếu đi đúng luật thì không chỉ muộn giờ mà còn nguy hiểm cho chính bản thân. Và một điều nhiều người e ngại khi ra đường là cách hành xử lỗ mảng với nhau trên đường khi xảy ra sự cố. Dùng nắm đấm, chửi mắng nhau, chèn ép trên đường ngày càng trở nên phổ biến. Có thể nói không ngoa rằng, những cảnh tượng ấy cứ lặp đi lặp lại không thôi.

Mới đây một đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh tài xế điều khiển ô tô nhãn hiệu Porsche chặn đầu xe đang di chuyển cùng chiều để chửi bới và nhổ nước bọt được chia sẻ trên mạng xã hội. Theo hình ảnh trong clip, tài xế ô tô Porsche mang biển kiểm soát Hà Nội đã chặn xe ngang đường vành đai 3 trên cao (đoạn qua Mễ Trì, Nam Từ Liêm) để chắn đường một chiếc ô tô Hyundai. Sau khi hai xe dừng lại, tài xế ô tô Porsche liên tục đòi tài xế xe Hyundai mở cửa và chửi bới. Khi đối phương hạ cửa kính xuống, nam tài xế ô tô Porsche nhổ nước bọt vào bên trong xe này. Nguyên nhân của vụ việc là do ô tô Porsche đi trong làn khẩn cấp của đường vành đai 3 trên cao. Đến đoạn tắc, xe Porsche tạt vào làn trong nhưng tài xế xe Hyundai không cho vào nên nảy sinh xích mích.

Sau khi clip lan truyền trên mạng xã hội, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã xác minh sự việc và sẽ có những quyết định xử phạt đối với tài xế vi phạm. Hay một vụ việc cũng được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người bất bình. Đó là một người phụ nữ đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, điều khiển xe máy dừng đỗ tại đèn đỏ khu vực ngã tư Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) bị một chiếc ô tô chạm nhẹ vào đuôi xe máy. Ngay sau khi xảy ra va chạm nhẹ, người phụ nữ này mất bình tĩnh, hét lớn và dùng tay tát liên tục vào mặt nam tài xế mặc cho người dân đã khuyên ngăn và người tài xế ô tô đã có những hành vi đúng mực khi xuống giải quyết vụ việc. Bên cạnh những vụ việc như thế này, hàng trăm, hàng ngàn vụ chống đối lực lượng chức năng khi tham gia giao thông vẫn diễn ra hằng ngày và trở thành những con sâu nhờn luật.

Những ngày qua, clip ghi lại cảnh một người phụ nữ lăng mạ, chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang gây xôn xao trên mạng xã hội. Theo đó, khoảng 11h20 ngày 16.2, tại Km95+100, Quốc lộ 217, đoạn qua thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tổ công tác của Đội CSGT, Công an huyện Bá Thước đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn thì phát hiện Nguyễn Thị N.L. (26 tuổi, trú thị trấn Cành Nàng) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Sau đó, lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe, thông báo cho chị L. biết lỗi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Khi lực lượng CSGT đang lập biên bản, bà Nguyễn Thị Ngân (44 tuổi, ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa)) đến “xin” cho con dâu nhưng không được chấp thuận. Lúc này bà Ngân bắt đầu có các hành vi giật, vò nát biên bản và và liên tục văng tục, lăng mạ, thậm chí còn đòi hôn chiến sĩ CSGT khiến một chiến sĩ CSGT phải né tránh.

Bà Nguyễn Thị Ngân đã bị lập biên bản về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, bàn giao hồ sơ, tài liệu, đối tượng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bá Thước. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bá Thước đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ngân để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

 Đi ngược chiều là “chuyện như cơm bữa” ở Hà Nội

Một sự hỗn độn

Có thể thấy, không cần biết đúng sai, không cần biết đến những người xung quanh, không cần quan tâm đến an toàn của người cùng tham gia giao thông, chỉ cần biết đến mình cho dù hành vi lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, lấn làn có gây ra tắc đường hay nguy hiểm cho người khác, đã trở thành một “nếp sống lâu ngày khó bỏ”. Đường Nguyễn Trãi hay nút giao Ngã Tư Sở từ trước đến nay luôn làm “đau đầu” các cơ quan quản lý giao thông của Hà Nội. Phân làn, phân luồng đủ kiểu mà giờ cao điểm luôn là một mớ hỗn độn. Tách làn riêng xe ô tô và xe máy, nhưng cũng chỉ được mấy hôm đầu rồi đâu lại vào đấy. Phân luồng xe thì để tiện cho mình và rút ngắn được vài trăm mét đường, nhiều phương tiện sẵn sàng đi ngược chiều. Ý thức tham gia giao thông yếu kém không còn là của số ít, mà đã trở thành việc hiển nhiên của đa số.

Ông Nguyễn Văn Long (70 tuổi), sống tại khu vực Ngã Tư Sở cho biết, mỗi lần qua đường là một lần tim đập chân run. Ông cho biết, càng ngày ý thức của người đi đường dường như càng kém đi theo thời gian và theo tốc độ phát triển của xã hội. Việc tham gia giao thông đúng luật, đặc biệt là phương tiện ô tô dường như cũng chỉ là để tránh bị phạt chứ không phải xuất phát từ ý thức. Ý thức, sự tự giác, hình thành một nếp sinh hoạt thường ngày, hay trở thành một nét văn hóa khi tham gia giao thông ngày càng trở nên xa lạ với nhiều người. Những khẩu hiệu, những biện pháp được đưa ra, những chế tài xử phạt dường như cũng không thể làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông. Đã đến lúc, cần một sự thay đổi mạnh mẽ, những hành động quyết liệt và hiệu quả. Để văn hóa khi tham gia giao thông không bị một số người làm cho méo mó và khiến cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài thấy phản cảm và e ngại khi đến Việt Nam. 

 HOÀNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top