Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Choáng” với văn hóa tham gia giao thông (Bài 3): Vì sao hiệu quả xây dựng văn hóa giao thông chẳng được bao nhiêu

Thứ Tư 08/03/2023 | 10:40 GMT+7

VHO- Việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, để làm thay đổi thái độ, hành vi, tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được coi là mục tiêu quan trọng. Làm thế nào để đạt được điều này?

 Văn hóa giao thông không chỉ phụ thuộc vào người tham gia giao thông mà còn là quy hoạch cũng như tổ chức giao thông

 Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cần song hành cả việc giáo huấn và trừng phạt. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp về quy hoạch, tổ chức giao thông.

Cần song hành giáo huấn và trừng phạt

TS Tạo cho biết, ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới đều đã triển khai văn hóa giao thông. Đối với các nước phát triển, việc quản lý giao thông phải bằng luật pháp, quy định những hành vi mà con người phải tuân thủ. Trong quá trình người dân chấp hành quy định pháp luật, tai nạn giao thông sẽ giảm đi và số người tuân thủ pháp luật tăng lên. Nhưng đến một chừng mực nào đó, khi đa số người dân đã tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, các nhà quản lý nhận ra rằng tai nạn giao thông đang có xu thế bão hòa, giảm đến ngưỡng nào đó là chững lại.

Như vậy, việc điều chỉnh hành vi con người chủ yếu trông chờ vào pháp luật là rất quan trọng nhưng chưa đủ, vì thế các nhà quản lý chuyển sang điều chỉnh hành vi con người bằng văn hóa. Văn hóa sẽ điều chỉnh tất cả hành vi của con người mà pháp luật không thể điều chỉnh hết được. Bởi pháp luật chỉ là khung hành lang lớn, còn văn hóa có thể len lỏi vào những chỗ mà khe hở pháp luật không tự điều chỉnh được. Đó là yếu tố tình người, là sự nhường nhịn và là sự tự giác. Khi người ta điều chỉnh và phát triển về văn hóa giao thông thì tai nạn giao thông tiếp tục giảm. Người ta thấy rằng văn hóa giao thông như là một loại “vắc xin” để có thể hỗ trợ trị “căn bệnh” về tai nạn giao thông gia tăng. Với ý nghĩa như thế, cần thiết phải triển khai mạnh mẽ văn hóa giao thông.

Cũng theo TS Khương Kim Tạo, để xây dựng và thúc đẩy nhanh hơn nữa văn hóa giao thông thì chúng ta cần phải giáo huấn và trừng phạt. Hai điều này luôn song hành, hỗ trợ với nhau. Giáo huấn bao gồm cả giáo dục đào tạo, cả khía cạnh hỗ trợ, khuyến cáo, khuyến khích để biến con người chưa chuẩn mực thành chuẩn mực khi tham gia giao thông. Còn về trừng phạt là khi giáo huấn mãi không chịu thay đổi, vẫn vi phạm thì phải có giải pháp trừng phạt. Trừng phạt để nâng cao hiệu quả giáo huấn. Tại Nhật Bản đã triển khai những vấn đề giao thông ví như họ luôn áp dụng song song với chiến dịch tuyên truyền phải có một chiến dịch cưỡng chế. Khi đó, chương trình giáo dục mới hiệu quả.

Chúng ta đã phát động phong trào xây dựng văn hóa giao thông từ 2010, đến nay đã hơn chục năm mà hiệu quả chưa được bao nhiêu. Công tác tuyên truyền đến toàn dân chấp hành và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông là rộng khắp. Còn những cái liên quan đến pháp luật, có thể chúng ta chỉ tuyên truyền trong phạm vi nhất định. Hệ thống làm luật cũng phải góp ý để khi làm luật cần cân nhắc yếu tố văn hóa, tức là tính phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình xây dựng luật, có thể học hỏi ở những quốc gia khác, nhưng khi đưa vào Việt Nam cũng phải tính đến yếu tố lịch sử, văn hóa mỗi nước khác nhau, có đời sống kinh tế, đời sống chính trị và tinh thần khác nhau. Nghĩa là cũng phải tuyên truyền văn hóa giao thông cho những người làm luật.

Cái gốc để triển khai văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông, bộ mặt giao thông thể hiện sự văn minh của một xã hội. Khi chúng ta ra đường, mọi người có văn hóa nhường nhịn nhau là thể hiện của một xã hội phát triển. Ý thức đó thấm đẫm từ nếp nhà đến nếp trường và đến xã hội, cơ quan mới tạo được văn hóa. Văn hóa ở đây đơn giản không chỉ là những thói quen nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau mà còn đi lại có trật tự, tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy chế, nội quy.

Đồng thời, phải hài hòa giữa giáo huấn và trừng phạt. Giáo huấn là phải làm cho người dân hiểu vấn đề. Trừng phạt thế nào để cho công tác giáo dục hiệu quả nhất. Ví dụ ở một số nước, bên cạnh việc xử phạt tiền thì còn tính điểm giấy phép lái xe. Mỗi một giấy phép lái xe có một cơ số điểm nào đó. Khi mắc lỗi vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm. Bị trừ hết số điểm thì phải học lại, thi lại để lấy giấy phép lái xe. Một thời gian nào đó, ví dụ trong vòng 6 tháng, lái xe không vi phạm thì họ được hoàn trả số điểm bị trừ. Như vậy, người dân phải có ý thức tự giác khi tham gia giao thông. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng xe máy rất lớn và họ có “điều kiện”, cơ hội dễ hơn để không tuân thủ luật là khá phổ biến. Xe máy có thể lấn làn, đi ngược chiều, trèo lên vỉa hè…, còn ô tô mấy ai dám như vậy. Để giải quyết vấn đề đó, trước tiên vẫn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần tạo điều kiện cho phương tiện đi đúng hơn như tổ chức giao thông, phân làn giao thông. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hạ tầng giao thông không đủ khả năng, điều kiện để phân làn, nhiều tuyến đường, nhất là những ngõ nhỏ ô tô và xe máy phải đi chung nhau. Do đó, vẫn phải đẩy mạnh văn hóa giao thông, vừa mang tính giáo dục và cưỡng chế để người dân tự giác tuân thủ pháp luật về giao thông, góp phần giải quyết tình trạng này, bao gồm người đi ô tô, xe gắn máy hay xe đạp, kể cả người đi bộ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng giao thông toàn cầu tổ chức tại Thụy Điển năm 2019, người ta đã chốt lại: Trong kỷ nguyên chúng ta, nếu không tập trung vào nhân tố con người và nhân tố công nghệ thì rất khó giải quyết những vấn đề giao thông. Con người quản lý đến con người chấp hành phải có tâm có tầm, phải có văn hóa thì mới giải quyết được vấn đề. Còn về công nghệ thì phải hiểu theo nhiều khía cạnh. Đó là công nghệ mới về quản lý và tổ chức giao thông, về tạo dựng hệ thống hạ tầng và phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, việc quy hoạch giao thông là một phần quan trọng của văn hóa giao thông. Đây là cái gốc để triển khai văn hóa giao thông. Quy hoạch giao thông là nghiên cứu xu hướng phát triển giao thông. Quy hoạch về giao thông không nên chỉ dừng ở việc sử dụng các nhà quản lý giao thông, kỹ sư giao thông, kiến trúc sư… mà phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu về xã hội học, dân số học, kinh tế học, công nghệ… Quy hoạch phải điều tiết, điều chỉnh dân số hợp lý, làm sao để người dân đi lại đến cơ quan, bệnh viện, trường học ngắn nhất, thuận tiện nhất.

“Văn hóa giao thông gồm quy hoạch; hạ tầng, trang thiết bị tổ chức giao thông; ban hành luật, thực thi luật và chấp hành luật đều gắn liền với nhau. Luật thì chuẩn mực, thực thi nghiêm minh, chấp hành cũng phải nghiêm chỉnh. Chấp hành nghiêm chỉ là phải tuân thủ pháp luật, ứng xử với người thực thi pháp luật phải chuẩn mực, ứng xử với hạ tầng giao thông chuẩn mực”, TS Tạo cho biết thêm. 

HOÀNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top