Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hành động ngay để du lịch Việt Nam không “đi trước - về sau” (bài 3): Đâu là rào cản?

Thứ Tư 08/03/2023 | 10:45 GMT+7

VHO- Gần 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam vào ngày 21.12.2022, dường như tình hình khách quốc tế đến nước ta chưa có nhiều chuyển biến. Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế thậm chí còn nhận định, đón khách quốc tế trước dịch đã khó, giờ còn khó khăn hơn.

 Đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB Đức từ ngày 7-9.3 Ảnh: TIẾN LINH

 Nhiều vướng mắc

Có thể nói, ngày 15.3.2022, thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa đã đánh một dấu mốc quan trọng, là cơ hội “mở toang cánh cửa” hồi sinh cho ngành du lịch Việt Nam. “Tiếng trống” từ Chính phủ đã “đánh thức” toàn bộ hệ sinh thái của ngành Du lịch sau “kỳ ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử. Các doanh nghiệp du lịch háo hức bật dậy nhanh chóng với rất nhiều kế hoạch cho ngày trở lại. Địa phương triển khai loạt tour, tuyến mới. Hệ thống lưu trú kêu gọi nhân viên bỏ ngành quay lại, huấn luyện nhân viên, tu bổ cơ sở hạ tầng. Lữ hành quốc tế rục rịch kết nối lại với các đối tác nước ngoài... Lượng khách quốc tế đã dần quay trở lại đến Việt Nam. Kết quả trong năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,66 triệu lượt, gấp 23,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Con số thống kê khách du lịch này vẫn còn thấp rất nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19, tuy nhiên đã phần nào đánh dấu sự khởi sắc tuyệt vời của Du lịch Việt Nam năm 2022.

“Chúng tôi đã từng vô cùng kỳ vọng khi Thủ tướng chủ trì Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam diễn ra ngày 21.12.2022 với các Bộ, ngành và 20 địa phương. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có giải pháp nào đột phá để thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch vẫn là “ngôi sao cô đơn” vì những nỗ lực mới chỉ ở ngành Du lịch. Trong khi những vướng mắc lớn nhất khiến không thu hút được khách quốc tế như mục tiêu đặt ra không phải đến từ ngành này”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group than thở.

Ông Hà cũng rất mong muốn các Bộ, ngành, địa phương sẽ ngồi lại với nhau, cùng hợp tác, trao đổi để tháo gỡ những vướng mắc, yếu kém, hạn chế còn tồn tại đang cản trở phát triển của ngành. Quan trọng là phải đưa ra những giải pháp đột phá, phát huy hết những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Nói đi đôi với làm, quyết liệt hành động để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế đất nước. “Đây cũng là thời điểm, theo tôi là thích hợp để đánh giá lại kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Phạm Hà nói.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, mong muốn có thể chế, chính sách rõ ràng để phát triển du lịch. Trong đó, chính sách miễn visa là rất cần thiết, nâng thời gian tạm trú cho khách được miễn visa lên 30 ngày, được phép vào ra nhiều lần, tăng số thị trường được xét cấp visa điện tử bằng nhiều ngôn ngữ; lấy và trả tiền thuận tiện; visa on arrival nhanh chóng. Phân tích kỹ yếu tố này, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đầu tư và du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) cho rằng, kể từ Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam đến nay, tình hình không chuyển biến. Lý do là khi các nước đang rất linh hoạt trong các chính sách visa thì chúng ta lại chưa tạo hành lang thông thoáng, kết nối từ trung ương tới địa phương để thu hút khách quốc tế. Tất cả các doanh nghiệp du lịch đều đề xuất là chính sách visa được áp dụng lại như cũ. Nhưng vào việc thật mới thấy rất khó khăn, các doanh nghiệp phá sản rất nhiều, quay lại hoạt động phải đăng ký lại mã số doanh nghiệp, bảo lãnh visa cũng khó.

Tuyên bố của chúng ta là mở cửa lại visa như cũ (trước khi xảy ra dịch Covid-19) nhưng thực chất lại khó khăn hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch. Có những nước hiện nay chưa mở cửa. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ chưa mở cho Việt Nam, Việt Nam cũng chưa mở cho Thổ Nhĩ Kỳ dù 2 nước có đường bay thẳng hằng ngày.

Quảng bá du lịch tầm quốc gia còn yếu

Các doanh nghiệp cho rằng, cần phải đối diện với thực tế là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ra các thị trường quốc tế của chúng ta còn kém. Trong khi các nước đã đi rất xa, thì Việt Nam vẫn bổn cũ soạn lại, quy mô nhỏ lẻ, đầu tư ít, làm gì cũng phải “co kéo”, “nâng lên, đặt xuống”. Rất sốt ruột vì chỉ cần nhìn sang những “người bạn” của chúng ta như: Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản... mới thấy họ quyết liệt như thế nào. Họ đưa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sang tận Việt Nam giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và chính sách mới. Đồng thời, mời rất nhiều doanh nghiệp, nhà báo, KOL Việt Nam sang quảng bá cho nước họ. Họ cũng rất biết cách sử dụng các sự kiện chính trị, văn hóa để quảng bá cho điểm đến của họ và thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác với Việt Nam. Chúng ta chưa làm được như thế. Chúng ta cứ loay hoay với việc không có tiền, không có người làm, kế hoạch muộn... thành ra cái gì cũng vội, cũng lỡ. Cố gắng lắm cũng chỉ tham gia được mấy hội chợ, diễn đàn du lịch ở nước ngoài, còn thì doanh nghiệp tự kết nối, tự quảng bá.

Lấy ví dụ về việc Hàn Quốc quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm du lịch sau dịch, ông Phạm Duy Nghĩa cho biết: “Hàn Quốc xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Ngay lập tức họ lên kế hoạch và đẩy mạnh truyền thông với khẩu hiệu “Việt Nam là những người bạn thân thiết”. Cách họ truyền thông rất tốt, rất hiệu quả. Bên cạnh đó, họ tổ chức nhiều chuyến famtrip, famtour dành cho các doanh nghiệp du lịch, các nhà báo, các KOL Việt Nam đến Hàn Quốc trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm, cảm nhận điểm đến... để phục vụ chiến dịch này”.

Mới đây nhất, ông Kim Yung- Rok, tỉnh trưởng Jeollanam-do (Hàn Quốc) cam kết khách Việt được miễn visa trong 15 ngày khi du lịch tỉnh Jeollanam-do và sẽ được hỗ trợ về phương tiện đi lại, chi phí chỗ ở từ 15.3. Chương trình hợp tác này được các công ty lữ hành của Việt Nam và Hàn Quốc đồng tổ chức, nằm trong kế hoạch hợp tác, phát triển du lịch giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Qua đó, giúp giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai quốc gia nói chung và tỉnh Jeollanam-do với các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên (Việt Nam) nói riêng.

Không phải riêng Việt Nam, Hàn Quốc áp dụng chiến dịch này với nhiều thị trường quốc tế, quy mô toàn cầu.

Bài 4: Đột phá trong xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến

NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top