Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đừng lấy sự phản cảm để mua vui

Thứ Sáu 10/03/2023 | 10:00 GMT+7

VHO- “Không thể coi những phân cảnh phản cảm là sự vui vẻ, càng không nên lấy vấn đề thể xác làm trò câu view cho một chương trình truyền hình. Dù là ở thể loại nào, ê kíp sản xuất cũng cần xác định khi phát sóng phải phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của quốc gia”…

 Phân cảnh cởi trang phục gây tranh cãi của Hieuthuhai trong 2 ngày 1 đêm (Ảnh chụp màn hình)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã khẳng định như vậy, khi mới đây, trong một tập phát sóng của chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế 2 ngày 1 đêm, cảnh quay rapper Hieuthuhai bị lột đồ đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Đa phần khán giả cho rằng, không nên để những cảnh quay nhạy cảm như vậy xuất hiện trên sóng truyền hình.

Vô tư… lột

2 ngày 1 đêm hiện là một trong những game show thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả khi tập 30 nhanh chóng đạt top 1 thịnh hành YouTube Việt Nam. Tuy nhiên, tập này lại đang gây tranh cãi bởi thử thách nhân vật phải cởi từng món đồ nếu đồng đội không đoán đúng tên bài hát. Hieuthuhai là người được các thành viên khác trong đoàn lựa chọn để chịu phạt. Khi các đồng đội không đoán đúng tên bài hát, rapper sinh năm 1999 phải lần lượt cởi mũ, áo khoác, áo len, bao tay, giày... Khi kết thúc trò chơi, Hieuthihai gần như bị lột trụi và phải dùng thùng carton để che phần nhạy cảm trên cơ thể. Trong lúc che chắn, Hieuthuhai còn bị đồng nghiệp kéo tấm carton xuống. Chưa dừng lại ở đó, kết thúc cảnh này, nghệ sĩ hài Trường Giang còn nói: “Em tôi (Hieuthuhai) đã chịu quá nhiều đau khổ. Nhưng không có một chương nào anh em được vui vẻ như vậy. Đây là trò chơi vất vả nhưng mang lại nhiều tiếng cười”. Các thành viên khác như Kiều Minh Tuấn, Lê Dương Bảo Lâm, Ngô Kiến Huy... reo hò hưởng ứng. Nhưng trái ngược với cảm xúc của người chơi, khán giả lại tỏ ra không mấy hài lòng.

Trên mạng xã hội, đa phần các ý kiến đều không ủng hộ cách làm này. Khán giả bày tỏ, ban đầu thấy vui vì tưởng chỉ lột vài món, sau đó đổi người khác chịu phạt, nhưng đến khi lột sạch và mọi chuyện đã đi quá xa thì thấy thử thách trở nên “kém duyên”. Càng không dám nghĩ đến chuyện nếu Hieuthuhai là con gái thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đồng thời, khán giả cũng yêu cầu ê kíp chương trình cần biết cách tiết chế trong thiết kế thử thách, loại bỏ toàn bộ những cảnh quay phản cảm như vậy trước khi cho lên sóng bởi chương trình gần như không giới hạn về độ tuổi người xem.

Trước phản ứng từ dư luận, đại diện đơn vị sản xuất đã lên tiếng và khẳng định, không có chuyện ê kíp cố tình dùng hình ảnh nhạy cảm để câu view, mà thử thách được lấy ý tưởng từ bản format gốc của Hàn Quốc. “Mục tiêu của BTC là muốn cho khán giả thấy rõ sự thay đổi về sức bền, sức chịu đựng cũng như sự ăn ý của dàn cast (người tham gia - PV) sau hành trình kéo dài 10 tháng qua. Trước khi chốt kịch bản, BTC đã xem, chọn lọc, thử nghiệm các trò chơi trong show gốc; tham khảo ý kiến của các chuyên gia tại Hàn để biến tấu phù hợp với địa điểm, sức khỏe của cast để việc quay diễn ra thuận lợi”, đại diện chương trình cho biết, đồng thời khẳng định luôn đề cao sứ mệnh mang đến niềm vui, sự thư giãn sau giờ làm việc mệt mỏi cho khán giả. Vì thế, họ mong muốn công chúng hạn chế những lời bình luận khiếm nhã không đáng có khiến sự việc bị đẩy lên chiều hướng tiêu cực.

Không thể gọi đây là “cảnh quay vui vẻ”

Thể hiện sự bất bình trước sự việc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội khẳng định, không thể coi những phân cảnh phản cảm như vậy là sự vui vẻ, càng không nên lấy vấn đề thể xác làm trò câu view cho một chương trình truyền hình. Dù là ở thể loại nào, ê kíp sản xuất cũng cần xác định khi phát sóng phải phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của quốc gia.

“Không hiểu vì lý do gì, chương trình lại cho lên sóng thử thách phản cảm như vậy. Chính những nghệ sĩ tham gia cũng chưa ý thức hết được tác hại khi thực hiện cảnh quay này. Tôi đánh giá cao ý nghĩa của 2 ngày 1 đêm khi là game show trải nghiệm thực tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Thế nhưng, hãy để khán giả nhớ mãi ý nghĩa tốt đẹp của chương trình thay vì câu chuyện đáng buồn như thế này. Thực tế, 2 ngày 1 đêm được khán giả yêu mến không phải vì những phân cảnh gây sốc, khán giả sẽ càng mến mộ hơn nếu khi xem họ thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam. Đáng tiếc, ê kíp lại để xảy ra sự cố trên. Dù vô tình hay cố ý, những gì đã diễn ra không khỏi khiến người xem có suy nghĩ: Lại đang có một chương trình muốn dùng chiêu trò để câu view”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Cũng theo PGS Bùi Hoài Sơn, ê kíp sản xuất cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa của một game show truyền hình. Không chỉ là mục đích giải trí, game show khi ra mắt phải chuyên chở nhiều ý nghĩa nhân văn khác. “Một chương trình chỉ biết câu khách bằng ngôn từ, hình ảnh, hành động phản cảm sẽ luôn nhận về sự chê trách từ dư luận. Đặc biệt là nghệ sĩ, tôi mong muốn họ hãy tỉnh táo, phân định rõ ràng những gì nên hay không nên làm. Nếu Hieuthuhai biết dùng “văn hoá từ chối”, chắc hẳn đã không có cảnh quay bị phản ứng như vậy”, ông Sơn nhận định.

Ở góc độ khác, trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Phương Mai, người thường lên tiếng trước các vấn đề về giới, kịch liệt phản đối phân cảnh trên. Chị cho rằng, điều này sẽ mở đường cho vô số các bình luận thô tục, quấy rối nhắm vào nhân vật. Nữ chuyên gia cũng lấy giả thuyết, nếu hoán đổi giới tính, người bị thử thách không phải là Hieuthuhai mà là một nghệ sĩ nữ, liệu khán giả có cảm thấy vui? “Một số khán giả cảm thấy buồn cười xem một gã đàn ông bị lột đồ, nhưng điều đó sẽ thành phản cảm nếu nhân vật là một cô gái...”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai viết. Chị cũng cho rằng, sự riêng tư của cơ thể đàn ông đang bị xem nhẹ trên sóng truyền hình, và hệ lụy là tạo nên những cảnh quay khiến khán giả khó chịu. “Đài truyền hình có lẽ cần cân nhắc ranh giới giữa “riêng tư” và “công cộng” trong việc dùng yếu tố “nhục dục” để tạo nội dung chương trình...”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai nêu. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top