Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hành động ngay để du lịch Việt Nam không “đi trước - về sau” (Bài cuối): Cần đột phá trong xây dựng sản phẩm và quảng bá du lịch

Thứ Sáu 10/03/2023 | 10:09 GMT+7

VHO- Sản phẩm du lịch và quảng bá, xúc tiến là những yếu tố sống còn để phát triển du lịch. Sau dịch Covid-19, xu hướng thay đổi, nhu cầu của khách du lịch thay đổi, cuộc sống cũng có những biến động đòi hỏi ngành Du lịch phải có những thay đổi cho phù hợp.

 Các doanh nghiệp hàng không, du lịch Việt Nam quảng bá điểm đến tại Trung Quốc năm 2023

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với văn hóa

Nhấn mạnh nguyên nhân Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế sớm nhưng về đích chậm hơn so với các nước trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng đặt câu hỏi: “Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các Bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành Du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?”.

Đại dịch Covid-19 “phủ bóng đen” lên ngành kinh tế xanh toàn cầu. Tất cả các doanh nghiệp du lịch phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Trong cơn sóng gió ấy, “con thuyền” càng lớn thì càng bị tác động mạnh, nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra vô số quyết định từ táo bạo, đau đớn đến mạo hiểm, được tính theo ngày, theo tuần.

Trở lại câu chuyện với ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, đơn vị kinh doanh dịch vụ tàu biển ở Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà… và có rất nhiều kinh nghiệm đón khách quốc tế. Ông Hà cho biết: “Trong những lúc khó khăn nhất, chúng tôi dựa vào thị trường trong nước để tồn tại nhưng vẫn làm hết sức có thể để giữ liên lạc, hợp tác với thị trường nước ngoài. Không những thế, phải tận dụng mọi cơ hội để có những sản phẩm phù hợp với tình hình mới, xu hướng mới; tiếp cận với thị trường mới”. Ông Hà cho rằng: “Chúng ta không thể “ăn mày” di sản mãi được. Cần phải có cách nào đó để kiếm tiền từ kinh tế sáng tạo, hình thành công nghiệp văn hóa. Khách lúc đó sẽ vui, ta khoe văn hóa mà thu được nhiều tiền. Muốn phát triển, không còn cách nào khác là luôn đổi mới sáng tạo, số hóa vị nhân sinh và tăng trải nghiệm khách du lịch. Công tác nghiên cứu, thống kê phải chính xác, sát với thực tế, chi tiết số lượng, chấm dứt “ước đạt”, “ước chừng”, “khoảng”…, từ đó đưa ra hoạch định chuẩn cho chiến lược, kế hoạch phát triển”.

Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh việc tự trọng nghề nghiệp, tự tôn dân tộc và nhắc nhở nhau phải làm du lịch tử tế, xuất phát từ tâm, từ sự hiếu khách và lấy khách hàng làm trung tâm để thỏa mãn họ. Chính thái độ chiều khách của người làm du lịch sẽ gây thương nhớ để du khách tiếp tục quay lại. Bàn về vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á cho rằng: “Trong tình hình mới, cần phát triển, định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Khẳng định di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam là khác biệt, độc đáo. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cần phát huy thế mạnh là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… phù hợp với xu hướng nghỉ dưỡng, tìm về với thiên nhiên. Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, lợi thế cạnh tranh. Phát triển điểm đến theo hướng bền vững, phát triển du lịch xanh, quản lý tốt điểm đến, đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực. Từ đó, đem lại nhiều cảm xúc, nhiều trải nghiệm để du khách tận hưởng từng khoảnh khắc và chỉ mang về những kỉ niệm đáng nhớ sau chuyến đi”.

Hiện nay, dịch vụ mua sắm và giải trí của Việt Nam còn thiếu. Dịch vụ, du lịch, kinh tế ban đêm gần như bỏ ngỏ, chưa quan tâm đầu tư, phát triển. Do đó cần làm phong phú, đa dạng những dịch vụ này để làm sao khách có cơ hội tiêu tiền. Thậm chí, khách mua cạn túi tiền vẫn muốn mua tiếp.

Bài học Thái Lan và hành động của chúng ta

Mở cửa du lịch sau dịch Covid-19, Chính phủ Thái Lan đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để kích cầu du lịch vượt qua đại dịch Covid-19. Nước này cũng đã công bố chiến lược có tên gọi là “SMILE” (Nụ cười) nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành Du lịch hậu đại dịch Covid-19. Trong đó, S (Bền vững về mọi khía cạnh), M (Nhân lực, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế), I (Nền kinh tế bao trùm: Đảm bảo tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành Du lịch), L (Bản địa hóa: Thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút du lịch), và E (Hệ sinh thái: Thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương).

Năm 2021, trong khi thế giới vẫn đang đảo điên bởi dịch bệnh, Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên mở cửa với Phuket Sandbox (Hộp cát Phuket) và đã rất nhiều lần từng bước nới lỏng các quy định, rào cản nhập cảnh, xét nghiệm Covid-19 qua phát động chương trình đón khách quốc tế tiếp theo như: Test&Go và Alternative Quarantine (Cách ly thay thế). Gần đây nhất, Thái Lan cũng rất uyển chuyển trong việc đón khách Trung Quốc khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa khách quốc tế từ 8.1.

Năm 2022, Thái Lan đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam không đạt được mục tiêu 5 triệu. Năm 2023, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, Thái Lan đặt mục tiêu đón ít nhất 25 triệu khách quốc tế và tới năm 2027 đạt 80 triệu khách quốc tế. Những con số này là minh chứng cho việc chúng ta thua Thái Lan một cách toàn diện trong việc thu hút khách quốc tế. Trước khi xảy ra đại dịch, năm 2019 là năm phát triển mạnh mẽ nhất của du lịch Việt Nam chúng ta cũng chỉ đón được 18 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 18,3 tỉ USD. Trong khi đó, Thái Lan đón gần 40 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 60 tỉ USD. Lúc đó chúng ta lý giải xuất phát điểm khác nhau, nên việc Thái Lan thu hút khách quốc tế nhiều hơn chúng ta là bình thường. Tuy nhiên, khi tới dịch Covid-19, tất cả đều từ con số 0 thì quả thực khó giải thích được.

Bà Phạm Hồng Thu, Giám đốc công ty CP đầu tư thương mại và du lịch Minh Đức, đơn vị chuyên đón khách từ thị trường Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu cho biết: “Từ sau dịch Covid-19, tôi và các đồng nghiệp của mình đã tham gia rất nhiều chương trình khảo sát do các nước tổ chức nhằm thu hút khách quốc tế đến điểm đến của họ. Nhiều quốc gia làm rất bài bản. Nhiều nước đầu tư hàng chục triệu, trăm triệu USD để quảng bá, xúc tiến du lịch; visa cũng mở hết cỡ, miễn cho rất nhiều nước từ 30 - 90 ngày. Để cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… chúng ta cần tăng nguồn lực đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến, cả về cách làm, kinh phí và con người”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sớm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở một số thị trường trọng điểm, hỗ trợ kế nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế là thị trường nguồn, thị trường truyền thống, thị trường mới nổi. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, nâng cao vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. 

 NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top