Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng không gian văn hóa biển

Thứ Hai 13/03/2023 | 11:17 GMT+7

VHO- Văn hóa biển được đặt thành một động lực cho mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với việc gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa biển, việc hình thành văn hóa sinh thái biển được nêu ra và có quan hệ hữu cơ với chủ trương tăng trưởng xanh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, chủ quyền an ninh của đất nước.

 Lễ hội Cầu ngư ở Phú Yên

 Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, nơi có những con sông lớn chảy qua rồi ra biển, nông nghiệp Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, thấm đẫm những đặc trưng văn hóa làng quê, và đặc biệt là của nền văn hóa lúa nước truyền thống…

Tuy nhiên, trong quá khứ cũng như hiện tại, những tranh chấp trên biển, những bất đồng, thậm chí cả xung đột về lãnh thổ và tài nguyên, những vụ xâm phạm về an ninh, chủ quyền lãnh thổ nước ta cũng thường xảy ra. Hòa hiếu, hợp tác và xung đột quyền lợi trên biển luôn song hành từ ngàn xưa. Tới nay, thành quả hội nhập và hợp tác là lớn, nhưng thực trạng cạnh tranh chiến lược cũng đang đặt khu vực vào những toan tính địa chính trị với khả năng thách thức khó lường. Trong hoàn cảnh đó, cần nhất là những hướng đi chiến lược phù hợp cho mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Văn hóa biển được đặt thành một động lực cho mục tiêu chiến lược. Cùng với việc gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa biển, việc hình thành văn hóa sinh thái biển được nêu ra và có quan hệ hữu cơ với chủ trương tăng trưởng xanh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, và chủ quyền an ninh của đất nước. Thực tế ngày càng sáng tỏ: Con người trông cậy văn hóa để giúp cho mình sống, và bản thân văn hóa mặc dù có vẻ như thuộc phạm trù tinh thần, thì thực tế lại là dấu hiệu hiện thực duy nhất nhận thấy trên trái đất được để lại bởi các thế hệ đi trước. Trong các ngành nghề kinh tế biển thì nghề cá đã định hình và phát triển lâu nhất, và trong các giai đoạn phát triển nghề cá thì đến nay văn hóa nghề cá chủ yếu hình thành và tồn tại trước khi có nghề cá công nghiệp (hay còn gọi là nghề cá thương mại) hơn trăm năm gần đây. Vì vậy văn hóa nghề cá có tính truyền thống thật đậm nét. Thực chất, nghề cá là nơi hoạt động của con người gắn với các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên tái tạo. Vì vậy, điều cần nhấn mạnh ở đây là, nghề cá là một hiện tượng của con người, thực sự là một loại hình hoạt động văn hóa. Ngành đánh cá mà gốc rễ của nó có từ khởi thuỷ của nền văn minh chúng ta là một trong những thành phần tạo nên văn hóa vật chất và tinh thần của xã hội loài người.

Nghề cá truyền thống xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước khi nhân loại có sử thành văn, rất lâu trước khi ra đời những Viện bảo tàng đầu tiên trên thế giới. Những di sản văn hóa của nghề cá truyền thống vẫn tồn tại từ bấy đến nay. Trên thế giới là vậy, ở Việt Nam cũng vậy, rất dễ nhận dạng văn hóa nghề cá, cả văn hóa phi vật thể lẫn văn hóa vật thể, nơi các cộng đồng cư dân dọc theo bờ biển đất nước ta sinh sống.

Những lễ hội dân gian mà tiêu biểu là các lễ Cầu ngư, những làn điệu dân ca đặc trưng vùng biển từng địa phương, những vở diễn không biết có từ thời nào, những phong tục, ứng xử thường ngày trong các cộng đồng làng biển tạo bức tranh đa dạng về xã hội biển đảo. Nghi thức thờ cúng, màu sắc tín ngưỡng và văn hóa tâm linh các vùng biển đảo đi cùng với nhiều truyền thuyết cũng tạo màu sắc huyền bí, có khi hoang đường nhưng không thể thiếu được trong sản xuất và đời sống. Thực tế sản xuất trên biển trong những điều kiện thiên nhiên khó khăn, những tấm gương bảo vệ bờ cõi trong lịch sử Việt Nam được in bóng hình đậm nét nhiều nơi ven biển như những tượng đài văn hóa thực thụ.

Sự kết nối và giao thoa giữa văn hóa truyền thống biển với văn hóa các vùng nông thôn xa biển, theo các triền sông tỏa ra khắp nông thôn, thị thành, hòa chung trong một nền văn hóa truyền thống đặc sắc Việt Nam. Đó là một nền văn hóa phong phú về truyền thống, thống nhất trong sự đa dạng, thấm đẫm tình yêu nước, được hình thành và tôi luyện trong nhiều giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và giữ gìn nền độc lập nước nhà. Tới đây, từ lòng yêu nước đó, trên nền tảng thống nhất và đa dạng đó, điều cần thiết là phải xây dựng một không gian văn hóa biển phù hợp với sự thống nhất về kinh tế, xã hội vùng biển, phục vụ cho cuộc sống dân cư, cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo và các nhiệm vụ chính trị của đất nước, mà thiêng liêng nhất là giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Một không gian văn hóa, nơi đó cùng với sự giữ gìn các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cần góp phần quan trọng tạo dựng và phát huy tinh thần gắn kết và thân thiện hơn với biển, thôi thúc chúng ta hướng ra biển lớn, nguồn dự trữ và không gian sinh tồn của nhân loại.

Không chỉ có quan hệ hữu cơ với văn hóa truyền thống của nghề biển, văn hóa sinh thái biển còn là tiền đề cần thiết để thích ứng với những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và đáp ứng các điều kiện của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Các ngành kinh tế biển với quy mô công nghiệp cao hơn như công nghiệp dầu khí và tàu biển, sinh lời nhiều hơn như du lịch và kinh tế đô thị sẽ cùng với nghề cá đã có từ ngàn xưa tạo ra một cơ cấu kinh tế biển phù hợp hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…

Với mục tiêu chung, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi đất nước đã qua chặng đường dài đổi mới và hội nhập, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi sự kết hợp đúng đắn những nhân tố truyền thống quý báu và những nét thời đại mà văn hóa sinh thái như nêu trên là một nội dung lớn. Xây dựng không gian văn hóa biển thực sự có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho phát triển bền vững kinh tế biển, cho tiến bộ xã hội và an ninh chủ quyền vùng biển đảo của đất nước. 

TS TẠ QUANG NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top