Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chuyến hành hương về nguồn đặc biệt của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh

Thứ Ba 14/03/2023 | 18:29 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15.3.1953-15.3.2023), ngày 14.3.2023, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) phối hợp cùng Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức chương trình hành hương về nguồn tại khu ATK (Định Hoá, Thái Nguyên). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự chương trình.

Các nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh hành hương về nguồn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh- Nhiếp ảnh cách mạng

70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đoàn nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh hành hương về nguồn đã trang trọng dâng hương tại di tích lịch sử Nhà bia, nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam ở Đồi Cọ (Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên). Cùng ngày, đoàn đã tham dự lễ khánh thành Nhà văn hoá thôn Bản Bắc và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử- sinh thái ATK Định Hoá; tham quan khu di tích Tân Trào, Tuyên Quang.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đoàn nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh hành hương về nguồn đã trang trọng dâng hương tại di tích lịch sử Nhà bia, nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam ở Đồi Cọ (Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên)

Cách đây tròn 70 năm, ngày 15.3.1953, tại Bản Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Trước đó, từ năm 1947, trong hoàn cảnh giặc Pháp vây hãm, truy lùng, các nhà điện ảnh đã có những hoạt động tác nghiệp tại khu 8 Bưng biền - Nam Bộ; năm 1948 cho ra đời bộ phim tài liệu đầu tiên “Trận Mộc Hóa“ do nhà điện ảnh Mai Lộc đạo diễn. Năm 1951, đạo diễn Mai Lộc và một nhóm các nhà quay phim đã từ Nam Bộ ra Việt Bắc để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng điện ảnh mà Sắc lệnh 147/SL của Bác ký 2 năm sau (1953) đã hiện thực hóa khát vọng của các nhà điện ảnh cách mạng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh ý nghĩa của hoạt động tri ân, hành hương về nguồn nhân dịp kỷ niệm này. Đến nay, nền điện ảnh, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã đi qua chặng đường 70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ điện ảnh- nhiếp ảnh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, để lại hình ảnh sáng ngời về người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng. 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, nhìn lại dấu mốc 70 năm trước, trong dịp này, Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động nhằm ôn nhắc lịch sử vẻ vang của điện ảnh cách mạng, khích lệ người làm công tác điện ảnh vững bước vào thời kỳ phát triển mới. 70 năm qua, điện ảnh Việt Nam không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng và có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà; từng bước xác lập được vị thế trong đời sống văn học - nghệ thuật đất nước; tạo nên vị thế của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Các nghệ sĩ dâng hương tưởng niệm

Trước đó, tháng 2.2023, Cục Điện ảnh đã tổ chức Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có nhiều phim truyện, phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu dự và cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Bản Bắc

Đặc biệt, sáng 15.3.2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, với sự tham dự của các nhà điện ảnh lão thành từng làm phóng viên chiến trường và công tác chiếu bóng thuộc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Xưởng phim Thời sự - Tài liệu, Điện ảnh Giải phóng, Điện ảnh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn Y4, Điện ảnh khu V… và đại diện các thế hệ người làm công tác điện ảnh.
Bộ phim tài liệu đặc biệt “Bác Hồ với điện ảnh”
Phim tài liệu “Bác Hồ với Điện ảnh” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất vừa kịp hoàn thiện nhân kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam; phát sóng tối 13.3 trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Bộ phim giới thiệu hình ảnh Bác Hồ trong những thước phim tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và những bộ phim truyện do các nghệ sĩ điện ảnh đóng vai Bác. Những thước phim cảm động, thể hiện tình cảm sâu sắc của Người  đối với các nghệ sĩ điện ảnh và của các nghệ sĩ điện ảnh với Bác- người đã khai sinh ra ngành điện ảnh. 

Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử- sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên

Phim do đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng thực hiện từ kịch bản "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh cách mạng Việt Nam" của đạo diễn, nhà biên kịch, NSƯT Nguyễn Sĩ Chung. NSƯT Nguyễn Sĩ Chung đã từng làm hai bộ phim “Một nét danh nhân” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan”. Ông đã dành nhiều thời gian thu thập tư liệu để viết kịch bản “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh cách mạng Việt Nam”; xem những phim truyện, phim tài liệu và phim thời sự về Bác, cùng những bài báo viết về Người.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử- sinh thái ATK Định Hoá

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chia sẻ: “Trong quá trình tìm và khai thác tư liệu làm phim, chúng tôi vừa có thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần hình ảnh tư liệu về Bác Hồ đều có trong các cuốn phim nhựa 35mm lưu giữ trong kho của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để phục vụ sản xuất. Bên cạnh hàng chục tác phẩm phim tài liệu thì hàng nghìn mét phim về Bác là những tài sản hình ảnh vô giá mà chúng ta đã có được trong suốt hơn 70 năm qua". Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn khi làm phim bởi những nhà Điện ảnh từ khu 8, Đồi Cọ đã mất, nếu còn thì cũng già yếu, phần nào hạn chế sự sinh động cho phim.

Quá trình thực hiện bộ phim tài liệu "Bác Hồ với điện ảnh"

“Tuy nhiên với trách nhiệm của mình, một người sinh ra trong hòa bình, tôi đã cố gắng đưa đến cho khán giả một bộ phim với mong muốn tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của các thế hệ làm Điện ảnh Việt Nam”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ. Theo anh, một bộ phim khó có thể nói hết được tất cả, với 70 năm ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam, một quãng thời gian dài với sứ mệnh lịch sử to lớn. "Tôi khai thác khía cạnh Bác Hồ với Điện ảnh. Một lần nữa, hình ảnh Bác Hồ được hiện hữu trong những thước phim tài liệu đầy chân thực, hấp dẫn trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy được tình cảm, sự quan tâm của Bác giành cho ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam, để từ đó những nghệ sĩ không quản khó khăn, gian khổ và đồng hành cùng lịch sử dân tộc", đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và NSND Trà Giang trong hành trình về nguồn

NSND Trà Giang chia sẻ sự xúc động khi tham gia chuyến hành hương về nguồn của các nghệ sĩ điện ảnh sau 70 năm ra đời nền điện ảnh cách mạng. Thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên là lực lượng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc trong những năm tháng đó, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam những giai đoạn sau này.  "Hôm nay, ở nơi khởi nguồn này, gặp lại những gương mặt thân thương của các nghệ sĩ điện ảnh trong những năm tháng cũ cùng với những gương mặt của các nghệ sĩ trẻ hôm nay, tôi vô cùng cảm động. Đây là chuyến hành hương đặc biệt ý nghĩa, mang lại cảm xúc, niềm tin về sự phát triển của điện ảnh nước nhà, từ dòng chảy xuyên suốt 70 năm qua cho đến hôm nay”, NSND Trà Giang bộc bạch.

 

NSƯT Đức Lưu chia sẻ cảm xúc khi tham gia chuyến hành hương về nguồn,

"Ở tuổi 85, tôi có những cảm xúc thật đặc biệt khi được bước trong dòng hành hương về nguồn, cùng với các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của nền điện ảnh cách mạng. Không gian Đồi Cọ này, bia di tích kia là những dấu tích vô giá, khơi gợi trong thế hệ các nghệ sĩ điện ảnh gạo cội Việt Nam ký ức của một thời kỳ không thể nào quên, với hình ảnh đẹp của những nghệ sĩ- chiến sĩ luôn hết mình cống hiến trên mặt văn hoá văn nghệ của dân tộc. Sau 70 năm, được trở về đây, đối với các nghệ sĩ điện ảnh là một niềm tự hào. Chúng tôi về nguồn để nhìn lại nền tảng mà các nghệ sĩ điện ảnh cách mạng thế hệ đầu tiên đã dầy công vun đắp, xây dựng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn; cũng là để thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay cùng nhau trân trọng và tiếp nối…"

BẢO ANH; ảnh: NAM NGUYỄN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top