Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm “Hào khí Thăng Long”

Thứ Ba 14/03/2023 | 22:49 GMT+7

VHO - “Hào khí Thăng Long” là chủ đề triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu đến công chúng 23 tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn cùng tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và nữ hoạ sĩ Vũ Hồng Ngọc, được lựa chọn trong bộ sưu tập tư nhân Phan Minh Hà.

Tranh sơn mài Huyền thoại sức mạnh dân tộc – tinh thần Thánh Gióng được vẽ năm 2011 từ Sự tích Thánh Gióng

Hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường (Nguyên Vũ) sinh năm 1930 tại Hưng Yên, học khóa Tô Ngọc Vân thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông thuộc thế hệ hoạ sĩ thứ ba, sau lớp hoạ sĩ Đông Dương và lớp hoạ sĩ kháng chiến, có đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Xuyên suốt hoạt động mỹ thuật của họa sĩ là những tác phẩm hội họa mang tính biểu tượng, âm hưởng lạc quan, ghi dấu ấn lịch sử và xã hội Việt Nam với những biến động thời cuộc to lớn trong thế kỷ 20. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

PGS. TS Đinh Hồng Hà, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Ký hiệu học châu Á cho biết: “Trong các thế hệ hoạ sĩ “đầu đàn”, vô cùng hiếm hoi để chúng ta bắt gặp những người dám dấn thân đi tìm vẻ đẹp của nghệ thuật bằng các tác phẩm trừu tượng. Hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường đã sáng tác và tạo nên các tác phẩm sơn mài khổ lớn mang dấu ấn của riêng mình. Ông đã gọi các tác phẩm này là “những kiệt tác của riêng tôi”. Với tính cách bình dị, lại muốn tạo ra các tác phẩm rất khác biệt, vượt trên giới hạn nghệ thuật thông thường , hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường đã miệt mài sáng tác các tác phẩm sơn mài khổ lớn với nhiều cung bậc cảm xúc và ý nghĩa khác nhau”.

Bức tranh “Ô Quan Chưởng” được hai họa sĩ vẽ trên chất liệu sơn mài.

Nổi bật trong số những tác phẩm trừu tượng của Nguyễn Anh Thường là tác phẩm Huyền thoại sức mạnh dân tộc – tinh thần Thánh Gióng (sơn mài 154x300cm), được vẽ năm 2011 từ Sự tích Thánh Gióng. Đây là câu chuyện kể về người anh hùng làng Gióng, một thiên anh hùng ca đánh giặc giữ nước của người Việt được hun đúc bởi tinh thần bất khuất. Tranh gồm những mảng màu đậm và nhạt có hiệu ứng bề mặt, những đường nét từ mảnh đến dày… tất cả tạo nên một bố cục cân bằng chắc chắn. Thể hiện trong tranh với 2 gam màu chủ đạo: vàng và đỏ ẩn trong hình bóng của Thánh Gióng, cưỡi ngựa sắt, nhổ tre quật vào quân thù tan nát, tạo thành hình tượng một cơn lốc cuốn bay đi tất cả cái xấu, cái ác, và mang lại chiến thắng cho đất nước và người dân.

Lịch sử huy hoàng của cha ông ta qua tác phẩm Bạch Đằng (sơn mài 154x300cm) ngổn ngang những cọc gỗ và xác tàu địch tan nát như một lời nhắc nhở chúng ta về những chiến thắng hào hùng một thuở. Bạch Đằng dưới bút pháp và sự sáng tạo của hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường đã thể hiện lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Tác phẩm “Đền Phù Đổng” được nữ họa sĩ Vũ Thị Hồng Ngọc sáng tác vào năm 2020.

Cùng với Bạch Đằng, tác phẩm Điện Biên Phủ trên không (sơn mài 154x300cm) của ông lại cho chúng ta thấy sự hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Trận đánh 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) bảo vệ bầu trời Hà Nội. Sự khốc liệt của trận đánh, sự vinh quang của chiến thắng đã được ông diễn tả rất khác biệt trong tranh Điện Biên Phủ trên không bằng các mảng vàng rực rỡ với các vệt cắt dài màu đen. Chỉ những người lính đã cầm súng, đã kinh qua chiến tranh và vẫn sống sót một cách kỳ diệu mới có thể sáng tác và tạo nên những tác phẩm để đời như vậy.

Tác phẩm Hào khí Thăng Long (sơn mài 154x300cm) được sáng tác nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tác giả phải mất 3 năm để hoàn thiện bức tranh sơn mài khổ lớn này. Những mốc son chói lọi được thể hiện qua hai màu vàng và đỏ, hai màu sắc mang tính biểu tượng và sự phát triển thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam. Sự phân bổ độ mau thưa của nét, hướng của nét, vị trí và kích thước các mảng màu tạo nên những tổ hợp chuyển động trong tác phẩm. Chính sự chuyển động làm nên “khí” của bức tranh hay chính là Hào khí Thăng Long mà tác giả muốn nói tới.

Tác phẩm Hào khí Thăng Long 

Với cùng một bố cục, và 4 bức tranh trừu tượng của hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường là ngôn ngữ có chiều sâu, lột tả được lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Nếu coi Huyền thoại sức mạnh dân tộc, Bạch Đằng và Điện Biên Phủ trên không là tấm “da ngựa bọc thây" nơi sa trường thì Hào khí Thăng Long chính là sự hội tụ để phát triển, là bản thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam.

Hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường còn có một loạt những tác phẩm sơn mài khổ lớn khác về Hạ Long như: “Đêm Tuần Châu”, “Hạ Long nghìn đảo”, “Bái Tử Long”, “Bên trong Vịnh Hạ Long”, hay tranh về Hà Nội như "Chùa Thầy", "Văn Miếu Quốc Tử Giám”, “Hồ Hoàn Kiếm đỏ”, hay “Ô Quan Chưởng” (vẽ chung với hoạ sỹ Vũ Hồng Ngọc), hoặc “Thiếu nữ đất thép” vẽ sơn dầu khoảng năm 1970 về đề tài chiến tranh... Đây là những bức tranh kể về thủ đô, về danh lam thắng cảnh của đất nước, về con người và cuộc sống giản dị. Với hàm ý sâu xa ẩn trong bút pháp, màu sắc và chất liệu, hoạ sĩ đã cho thấy một góc nhìn “mới” và “lạ” về những gì rất thân thuộc quanh chúng ta nhưng cũng đầy sức sống với vẻ đẹp rất lãng mạn.

“Hà Nội đỏ” của họa sĩ Nguyễn Anh Thường được đan xen giữa quá khứ và thực tại.

Còn với nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1945), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978. Hội họa của họa sĩ hướng tới sự giản dị, chân phương với bút pháp gần gũi hội họa Ấn tượng. Loạt tranh sơn dầu của Hồng Ngọc trong triển lãm như những khoảng lặng cần thiết, êm đềm. Màu sắc nền nã, mối quan tâm của nữ họa sĩ là phong cảnh góc phố, thôn quê được tái hiện qua hội họa như những ký ức đẹp, kỷ niệm bình dị về quê hương, đất nước. Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu yêu thiên nhiên, sự tinh tế và đằm thắm tình người. Và trong  Hào khí Thăng Long, người xem bắt gặp một khuynh hướng nghệ thuật mới tìm lại ký ức di sản của một thời dựng nước giữ nước trong lịch sử Việt Nam trên những chất liệu bền vững, sơn mài sơn khắc, sơn dầu hoành tráng, công phu.

Tác phẩm Tre xanh của họa sĩ Vũ Thị Hồng Ngọc 

Có thể thấy, một Yên Tử trường tồn theo năm tháng lịch sử trong tác phẩm của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc. Hoạ sĩ Hồng Ngọc cho ta thấy sự tỉ mỉ, tính hiện thực và sự dứt khoát trong từng nét khắc, trổ. Hay trong tác phẩm Tre xanh, cũng gam màu xanh, thế nhưng tre lại mang màu xanh của bầu trời, của biển, của sự mênh mông nhung nhớ và của một nỗi buồn dịu êm. Với hoạ sĩ Hồng Ngọc, tre không chỉ có một màu xanh lá, nó có thể được biểu hiện đa dạng theo các góc nhìn khác nhau, tạo thành những sắc thái khác nhau, khi thì mềm mại, khi thì cứng cáp, thế nhưng điều quan trọng nhất xuyên suốt trong các tác phẩm chính là sự rung cảm của người nghệ sĩ.

Các bạn trẻ bị cuốn hút bởi những tác phẩm tại triển lãm

Nhà Nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng: “Với mạch nguồn sáng tạo về duy mỹ, mẫu mực của nghệ thuật tạo hình hiện đại, hạo sĩ Vũ Hồng Ngọc đã vượt qua cảm hứng ánh sáng sơn dầu phương Tây. Qua bảng màu, đồng sắc trên những tranh phong cảnh tre làng đến từng nét khắc tinh xảo nhưng mềm mại trong những đường cong tìm kiếm trên chất liệu sơn mài sơn khắc. Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc vẫn chiêm nghiệm giữa khung trời hoài cổ cùng những nhận thức mới mẻ về nhịp điệu nghệ thuật đương đại. Không có ngập ngừng trong phong cách hội họa dù là hiện thực thoảng qua hay cảm xúc những điều không thể nhìn thấy, họa sĩ Vũ Hồng Ngọc đã tạo một nét riêng độc đáo nhưng vẫn nằm trong dòng chảy chung của hội họa Việt Nam hiện đại”.

Trải qua những khắc nghiệt của lịch sử, đất nước và con người Việt Nam vẫn vượt lên, trường tồn, tươi đẹp, rực rỡ tráng lệ, tỏa sáng “Hào khí Thăng Long” trong những tác phẩm sơn mài khổ lớn, khúc triết mạnh mẽ và giàu tính hiện đại.

Khách tham quan triển lãm

Nhà phê bình Mỹ thuật Phạm Quốc Trung cho biết: “Đến với triển lãm “Hào khí Thăng Long”, công chúng có dịp tiếp xúc với một số tác phẩm hội họa từ những năm 1970 cho đến sáng tác mới nhất của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Thị Hồng Ngọc được nhà sưu tập Phan Minh Hà sưu tầm trong gần 20 năm, với mong muốn đem lại cho người xem những cung bậc cảm xúc ngỡ ngàng, thú vị trước sự phát triển bút pháp nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ cũng như thẩm mỹ của xã hội qua từng năm tháng. Triển lãm “Hào khí Thăng Long”, như một lời tri ân tôn vinh sự nghiệp làm nghệ thuật và các tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Thị Hồng Ngọc. Qua đó, chia sẻ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của hội họa Nguyễn Anh Thường và đồng nghiệp Vũ Thị Hồng Ngọc tới cộng đồng”.

THƠM NGUYỄN; ảnh: MINH HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top