Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thẳng tay “trị” web drama phản cảm

Thứ Tư 15/03/2023 | 10:19 GMT+7

vho- Trước thực trạng những web drama “bẩn” mang nội dung xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL triển khai các giải pháp kiểm tra, rà soát, xử lý các sản phẩm có nội dung vi phạm trên không gian mạng.

 Sự lan tràn của các web drama phản cảm được báo chí phản ánh trong những ngày qua Ảnh: minh họa

 Các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL nhìn nhận, các Bộ, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, nhằm thẳng tay “trị” những nội dung phim, web drama phản cảm đang hằng ngày, hằng giờ sinh sôi nảy nở, tiếp cận hàng triệu người dùng mạng xã hội, trong đó đáng lo ngại là giới trẻ.

Báo động nội dung “sốc, sex, sến…”

Khó thống kê đầy đủ về những nội dung “rác”, “bẩn” đang xuất hiện lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội, dưới hình thức clip, video hay còn gọi là web drama. Với tính tương tác cao, những web drama có nội dung tích cực, chất lượng sẽ tác động tốt với người xem và ngược lại, những nội dung phản cảm sẽ vô hình trung đưa công chúng lạc lối vào không gian lệch chuẩn, cổ suý cho lối sống thiếu lành mạnh. Thuật toán đeo đuổi người dùng của các nền tảng mạng khiến người sử dụng tiếp cận ngày càng nhiều hơn với những phim, clip, video câu view lệch lạc đó, chỉ sau một vài lần click để xem.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cho rằng: “Web drama không xấu, đó là sản phẩm nội dung số cho phép người dùng xem những gì mà họ thích; cho phép diễn viên, quay phim, sản xuất, hậu cần, hậu kỳ được tập luyện, làm việc; các nhãn hàng quảng bá; xã hội có thêm các sản phẩm giải trí… Thế nhưng, thước đo quan trọng trên thế giới số thường xuyên lại là lượng view. Vì thế, việc xin view, mua view, kéo view trở thành sức ép lớn, thậm chí một số người làm việc đó bằng mọi giá”.

Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao những nội dung “rác” như vậy lại được sản xuất với tần suất ngày càng nhiều? Lúc đầu, chúng khiến nhiều người chỉ nghe thôi cũng đỏ mặt, lâu dần, quen dần họ xem như… chuyện bình thường. Ông Thành khẳng định, là sản phẩm nội dung của thời đại số, web drama phát triển là lẽ đương nhiên, tuy nhiên phải có giới hạn về pháp luật, luân lý, thuần phong mỹ tục để không dẫn đến tác động tiêu cực với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, câu chuyện nhận thức ở đây vô cùng quan trọng. Mỗi người có thể lựa chọn việc không xem hoặc tắt đi, tua qua nội dung nếu thấy không ổn. “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái trên không gian mạng”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh.

Thống nhất đối tượng quản lý nội dung trên không gian mạng

Trao đổi với Văn Hóa, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin nhanh đa nền tảng, các nền tảng chia sẻ video trực tuyến thường xuyên đăng tải các clip có nội dung được dàn dựng hoặc biên tập một cách cẩu thả, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa Bộ TT&TT, Bộ Công an và Bộ VHTTDL. Vấn đề này trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh đã được Ban soạn thảo cân nhắc kỹ và đưa ra định nghĩa thế nào là phim, thế nào không xác định là phim.

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, những quy định tại Luật Điện ảnh 2022, các phương tiện như TikTok, YouTube, Instagram, Facebook, Zalo... liên quan đến nội dung “Phim ngắn phản cảm” mà báo chí đề cập những ngày qua không được coi là phim mà là “sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế”, chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng. Đối với trường hợp này, Luật Điện ảnh quy định, trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải đảm bảo điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. “Trường hợp các sản phẩm ghi hình là những web drama được coi là phim thì chủ thể đăng tải các nội dung đó trên không gian mạng đã vi phạm Luật Điện ảnh. Nhưng thực tế hiện nay, các nội dung này đang thuộc phạm vi quản lý của Bộ TTTT và Bộ Công an…”, ông Thành nói.

Nhằm khắc phục thực tế đang tạo nên nhiều tác động tiêu cực khi các sản phẩm văn hóa phát tán rầm rộ trên mạng xã hội như hiện nay, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, Cục Điện ảnh đã đề xuất với lãnh đạo Bộ một số nội dung như: Thống nhất với lãnh đạo Bộ TT&TT về phạm vi, đối tượng quản lý các nội dung trên không gian mạng; đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị hướng dẫn các nhà cung cấp nội dung trên không gian mạng thực hiện nghiêm túc Luật Điện ảnh… “Trong quá trình thực hiện Luật, trường hợp các nhà cung cấp nội dung chưa thể tự phân loại phim, có thể gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý về điện ảnh xin thẩm định và phân loại. Cục Điện ảnh cũng sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ cho thành lập Phòng quản lý phim trên không gian mạng thuộc Cục để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mới này…”, ông Vi Kiến Thành nêu.

Loại bỏ những nội dung thiếu lành mạnh

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, theo quy định mới tại Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định quy định chi tiết thi hành luật, các phim phổ biến trên không gian mạng được quản lý theo hình thức hậu kiểm. Doanh nghiệp phổ biến phim phải tự phân loại theo tiêu chí đã được quy định trong Luật, đồng thời phải cung cấp danh sách phim phổ biến về Cục Điện ảnh.

“Vừa qua, Cục Điện ảnh đã thành lập Tổ công tác về nội dung này để rà soát một số nền tảng phổ biến phim và các doanh nghiệp thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, từ đó yêu cầu thực thi tốt Luật Điện ảnh, góp phần làm trong sạch môi trường mạng...”, Chánh Thanh tra Lê Thanh Liêm cho biết. Cùng với đó, Thanh tra Bộ ngoài việc chủ động tiếp nhận thông tin, phát hiện để xử lý vi phạm còn phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh, trong quá trình kiểm tra, rà soát nội dung phim, việc hiển thị cảnh báo, phân loại phim nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, xử phạt hành chính theo quy định.

Liên quan đến sự lan tràn của các web drama phản cảm được báo chí phản ánh trong những ngày qua, ông Lê Thanh Liêm cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT để nâng cao hiệu quả quản lý. “Trước vấn đề đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm này, Cục Điện ảnh đã tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTTDL để có văn bản gửi Bộ TT&TT. Trước mắt, hai bên phối hợp để từ danh sách chính thức, các đơn vị phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng tiến hành rà soát, xử lý những nội dung vi phạm. Trong quá trình này, nếu phát hiện những web drama, clip ngắn không phải là phim thì Bộ VHTTDL cũng sẽ có thông báo đến Bộ TT&TT để xử lý theo quy định pháp luật…”, ông Liêm cho biết.

Cũng theo Chánh thanh tra Bộ, Luật Điện ảnh 2022 đã có bước tiến lớn trong việc xác định đâu là phim, đâu không phải là phim. “Tôi cho rằng các cơ quan cần có sự phối hợp và phân định trách nhiệm càng rõ càng tốt. Tất cả vì một mục tiêu chung là làm trong sạch môi trường văn hóa trên không gian mạng”, Chánh Thanh tra Lê Thanh Liêm khẳng định đồng thời nhấn mạnh, hệ thống thể chế, quy định pháp lý liên quan đến quản lý phim trên không gian mạng cơ bản đã đầy đủ, vấn đề còn lại là tổ chức triển khai trong thực tiễn. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động rà soát, kiểm tra từ Bộ VHTTDL thì cũng cần chú trọng các giải pháp kỹ thuật đã được quy định rõ trong Luật Điện ảnh. Trách nhiệm của các doanh nghiệp trung gian có nền tảng mạng là phải triển khai các giải pháp kỹ thuật, gỡ bỏ và ngăn chặn các nội dung vi phạm. Doanh nghiệp có mạng viễn thông cũng phải ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. 

 

Vừa qua, Cục Điện ảnh đã thành lập Tổ công tác để rà soát một số nền tảng phổ biến phim và các doanh nghiệp thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, từ đó yêu cầu thực thi tốt Luật Điện ảnh, góp phần làm trong sạch môi trường mạng… Cục Điện ảnh đã tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTTDL để có văn bản gửi Bộ TT&TT.

Trước mắt, hai bên phối hợp để từ danh sách chính thức, các đơn vị phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng tiến hành rà soát, xử lý những nội dung vi phạm. Trong quá trình này, nếu phát hiện những web drama, clip ngắn không phải là phim thì Bộ VHTTDL cũng sẽ có thông báo đến Bộ TT&TT để xử lý theo quy định pháp luật…

(Ông LÊ THANH LIÊM, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL)

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top