Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn hóa như thước đo chất lượng phát triển

Thứ Tư 15/03/2023 | 10:34 GMT+7

VHO -Chất lượng sự phát triển của một quốc gia không phải được đo bằng số lượng xe sang chạy trên phố hay số lượng hàng xa xỉ được tiêu thụ, mà bằng số lượng các nhà hát đỏ đèn, các triển lãm, bảo tàng, gallery đông khách, các công ty thiết kế, kiến trúc hoạt động tốt, số lượng các show diễn thời trang diễn ra hay lượng người đi du lịch trong nước.

 Học sinh trải nghiệm học lịch sử mỹ thuật Việt Nam tại bảo tàng

Con người là trung tâm sự phát triển của mỗi xã hội, mỗi quốc gia. Chính vì vậy nhiều quốc gia đã áp dụng chỉ số HDI, chỉ số phát triển con người như một chỉ dấu quan trọng về sự phát triển của quốc gia mình. Có nước như Bhutan lại đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” thay cho khái niệm tổng sản phẩm quốc nội trong đó có một số chỉ số quan trọng như: 1. Tiêu chuẩn sống; 2. Đời sống tâm lý; 3. Sức mạnh cộng đồng; 4) Tính đa dạng và cởi mở văn hóa; 5) Sử dụng thời gian.

Có thể thấy văn hóa và sản phẩm văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành hạnh phúc của con người. Con người có hạnh phúc thì chất lượng phát triển của quốc gia mới cao. Tiêu thụ các sản phẩm văn hóa là một chỉ dấu quan trọng cho sự phát triển. Khi được hỏi tại sao không giảm ngân sách dành cho văn học, nghệ thuật bởi nó không quan trọng với một quốc gia vừa bước khỏi cuộc chiến, cố Thủ tướng Anh Winson Churchill đã trả lời: Vậy thì chúng ta chiến đấu vì cái gì đây? Học giả Mỹ Joseph Nye đưa ra học thuyết về quyền lực mềm của các quốc gia. Theo ông, quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Một đặc điểm của quyền lực mềm là không cưỡng bức, ép buộc. Nước sử dụng quyền lực mềm đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn điều mà mình sắp đặt.

Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: Văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Như vậy văn hóa là một thành tố quan trọng trong việc tạo dựng sức mạnh của một quốc gia và đồng thời cũng là một chỉ dấu về chất lượng phát triển. Để tạo dựng ảnh hưởng của mình ra bên ngoài và phục vụ tốt nhu cầu nội địa, một quốc gia cần có một nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh. Khi nói đến công nghiệp tức là cần nói đến quy trình, các quy luật của thị trường, số lượng lớn và khả năng nhân bản dễ dàng, nói đến doanh thu lớn. Ngày nay người ta nói đến sản phẩm văn hóa số, sản phẩm văn hóa công nghiệp và sản phẩm văn hóa truyền thống. Mức tiêu thụ sản phẩm văn hóa chính là một chỉ dấu của sự phát triển. Không chỉ nói đến sự phong phú trong lựa chọn, nó còn cho thấy sức mua của người dân nước đó, nói đến nhu cầu sử dụng các sản phẩm ở phía trên của tháp nhu cầu Maslow, vượt qua các nhu cầu thể lý thông thường.

Trong những năm gần đây chúng ta nhìn thấy một sự tăng trưởng đáng kể của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam: Các phòng chiếu phim tấp nập. Các bộ phim Việt Nam có doanh thu hàng trăm tỉđồng không còn là một điều không tưởng. Các chương trình ca nhạc trong Nam ngoài Bắc liên tục phát triển. Các không gian sáng tạo và không gian nghệ thuật ngày càng nhiều. Tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vốn rất tốn kém và đòi hỏi sự sâu sắc, không còn là đặc quyền của các tổ chức văn hóa công lập. Tuy nhiên, sự phát triển này đòi hỏi phải đi vào chiều sâu và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các tác nhân Việt Nam nhiều hơn nữa.

Có 3 trục hoạt động cần được phát triển: Một là nâng cao nhận thức và nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, các chương trình đào tạo nghệ thuật đã được đưa vào nhiều trường cấp 2, cấp 3 thông qua các chuyến tham quan bảo tàng, đơn vị nghệ thuật thế nhưng như thế là chưa đủ để tạo ra một thói quen tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Cần có nhiều hoạt động truyền thông và mang tính lan tỏa xã hội nhiều hơn nữa. Ở Pháp, người ta tổ chức nhiều ngày hội mở cửa xưởng vẽ của họa sĩ để công chúng đến thăm. Qua đó tăng cường giao lưu giữa người sáng tác và người thưởng thức cũng như tăng cầu về sản phẩm mỹ thuật. Các thành phố lớn có cả các festival nghệ thuật để người hâm mộ tham gia với số lượng lớn như festival đêm trắng nghệ thuật đương đại ở Paris, festival ánh sáng ở Lyon, festival âm nhạc printemps des bourges hay ngày hội âm nhạc 21.6, festival kịch ở Avignon…tất cả các hoạt động này được tổ chức ở quy mô rất lớn, định kì, tạo nhu cầu lớn về sản phẩm văn hóa cho người dân. Đưa giáo dục nghệ thuật vào trường học sớm cũng là một giải pháp tốt để đưa nghệ thuật đến với các em nhỏ từ sớm.

Hai là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và biểu diễn, giới thiệu với công chúng. Sản xuất các tác phẩm nghệ thuật cũng là một công việc kinh doanh và nó cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để đưa ra các quy định pháp luật cần thiết, có những chính sách hỗ trợ thuế sản xuất cho nghệ sĩ và đơn vịnghệ thuật; cần các đơn đặt hàng của nhà nước hay các chính sách giảm thuế cho các nhà bảo trợ nghệ thuật, văn hóa. Các đơn đặt hàng lớn của Chính phủ, tỉnh thành, các cơ quan công quyền bao giờ cũng có tác động lớn đến các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp văn hóa... Các không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa nghệ thuật... nên được thừa nhận như là một phần của công nghiệp văn hóa để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Tạo điều kiện để tăng số lượng các nhà sản xuất sản phẩm văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh và thúc đẩy quá trình “chọn lọc tự nhiên” cần thiết để có những tác phẩm xuất sắc.

Ba là, đào sâu công tác đào tạo. Tất cả đều bắt đầu từ con người nên cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, đào tạo năng lực tư duy, thái độ, kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong một nền công nghiệp. Nghệ sĩ là nền tảng của công nghiệp văn hóa nhưng xung quanh nghệ sĩ còn có các nhân tố khác như nhà sản xuất, nhà đầu tư, đơn vị tiếp thị, đơn vị khai thác thương mại, người đại diện, chuyên gia, nhà quản lý, nhà môi giới, chuyên gia thẩm định, nhà phê bình, hiệp hội nghề… Cần chú trọng đào tạo chuyên nghiệp các mắt xích này trong nền công nghiệp văn hóa. 

Chuyên gia truyền thông NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top