Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bằng cách nào đưa cổ vật Việt Nam về nước?(Bài 4): Cần những cái "bắt tay" thật chặt

Thứ Tư 15/03/2023 | 10:40 GMT+7

VHO- Được biết hiện nay Ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã thiết kế một điều để bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước gồm mua, hiến tặng, trao trả... Nhưng theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, điều ấy vẫn là chưa đủ. 

 Chiếc bàn gỗ sơn son thếp vàng mặt sứ. Đây là cổ vật cung đình thời Nguyễn được tặng cho Huế qua đàm phán ngoại giao

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, rõ ràng động thái trên là hết sức tích cực, chủ động của Bộ VHTTDL để giải quyết căn cơ những vấn đề liên quan đến hồi hương cổ vật. Chỉ khi chúng ta có văn bản luật phù hợp với thực tiễn sinh động, chúng ta mới có thể có những công cụ pháp lý và chính sách đủ mạnh để tạo thuận lợi cho việc hồi hương cổ vật nói riêng và bảo vệ di sản văn hóa nói chung. 
Luật pháp có hoàn thiện cũng cần có những hoạt động hỗ trợ khác 
Theo ông Sơn, dù vậy, luật pháp có hoàn thiện đến mấy cũng cần có những hoạt động hỗ trợ khác như ban hành nghị định để chi tiết hóa những vấn đề trong luật, sửa đổi các luật có liên quan để có sự đồng bộ trong luật pháp, chính sách để phát huy hơn nữa hiệu lực pháp lý của luật. Cùng với đó, chúng ta cũng cần có những ví dụ, bài học kinh nghiệm, làm gương để từ đó truyền cảm hứng, niềm tin cho việc hồi hương cổ vật. 
Chuyên gia cổ vật Phạm Quốc Quân lại nhìn nhận, dư luận cũng từng đặt ra, hồi hương cổ vật nên chăng cần vận dụng luật pháp và công ước quốc tế. Điều 5 của Luật Di sản văn hóa nêu rõ, “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật”. Về di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Khoản 2, Điều 8 chỉ rõ: “Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Việt Nam là một trong những nước tham gia “Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”. 
“Tất cả những điều luật và công ước, ngành Di sản văn hóa nói riêng, cộng đồng Việt Nam nói chung đã, đang thực hiện và ngày càng thực hiện nghiêm túc hơn cho một Việt Nam hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, bằng những con đường khác nhau, cổ vật Việt Nam đã ra đi từ lâu, không thể ngoại trừ thời gian đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh, để giờ đây, chúng nằm trong quyền sở hữu của các cá nhân và tổ chức nước ngoài, phù hợp với luật pháp sở tại. Những tập quán quốc tế và những quy định của điều ước quốc tế, không phải quốc gia nào cũng thực hiện như cam kết. Hơn thế, nó còn phụ thuộc và ràng buộc bởi những điều luật từ mỗi quốc gia, theo đó, những nỗ lực hồi hương cổ vật Việt Nam từ nước ngoài, qua con đường luật pháp và công ước còn vô cùng gian nan, cho dù, Nhà nước, Bộ VHTTDL, ngành Di sản văn hóa đều mong muốn điều này được thực hiện như một mẫu số chung trên toàn thế giới. Vậy nên, hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương. Thế nhưng, làm cách nào có hiệu quả là vấn đề cần được trao đổi, từ những kinh nghiệm của các quốc gia, đã ít nhiều thành công như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Quân chia sẻ. 
Chuyên gia Phạm Quốc Quân còn cho hay, “tôi đã có dịp làm việc với những nhà nghiên cứu nước ngoài, Á cũng như Âu, họ đều nói rằng, bất cứ quốc gia nào, dù giàu có đến mấy, cơ chế, chính sách đầy đủ đến mấy cũng không đủ khả năng sưu tầm bằng mua đấu giá như mong muốn, cần phải lực lượng tư nhân. Định hướng xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, ở lĩnh vực này đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, qua sự ra đời những sưu tập tư nhân, những bảo tàng ngoài công lập, để rồi, họ trở thành một lực lượng góp sức cho hồi hương. Thực tế, lực lượng ấy đã hoạt động, nhưng còn nặng về tự phát, thiếu chuyên môn, chạy theo thị hiếu đám đông, lẻ tẻ và du kích”. Cuối cùng ông Quân kiến nghị: “Đấu giá trực tiếp hay trực tuyến, vẫn là phương cách hữu hiệu và đơn giản nhất để hồi hương cổ vật. Và, ở một chừng mực nào đó, chúng ta đã tiếp cận được, sau sự ghi nhận đấu giá thành công hai cổ vật triều Nguyễn đưa về Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu giữ, phát huy... Hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương”. 

Kinh nghiệm từ Huế và những đề xuất… 
Từ các hoạt động thu hút sự hồi hương cả các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện trong thời gian qua, có thể nhận thấy, công tác vận động, tạo điều kiện một cách hợp lý, hay nói đúng hơn, chính lòng yêu quê hương, đất nước đã đưa hai nhà họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị quyết định về Việt Nam và trao tặng lại các tác phẩm nghệ thuật mà mình đã tạo ra cho quê hương, đất nước để hiện nay, tại thành phố Huế có hai thiết chế văn hóa trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của nền hội họa và điêu khắc, để công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng và nghiên cứu. 
Việc đấu giá thành công chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh với giá 55.800 euro. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công, đưa được cổ vật đã từng là của đất nước Việt Nam về lại quê hương. Tuy nhiên, để đưa được cổ vật về nước đã có sự đóng góp và công sức không nhỏ của nhiều phía. Cụ thể UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp 42.800 euro, tương đương với khoảng 1 tỉ đồng (trước đây tỉnh chỉ duyệt chi 33.000 euro), còn lại 13.000 euro do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vận động bà con kiều bào và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vận động các tổ chức, cá nhân trong nước. Đây được xem là bài học trong việc nhà nước giao quyền chủ động để một đơn vị, địa phương bằng khả năng của mình đưa cổ vật về nước. Sự kiện hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn (mũ quan đại thần triều Nguyễn và chiếc áo Nhật bình của cung tần triều Nguyễn) trở về với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam thông qua hình thức xã hội hóa. Hành động quyết liệt tham gia đấu giá cổ vật của Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine và sau đó hiến tặng cho Thừa Thiên Huế rất cần được Nhà nước biểu dương, nhưng còn hơn thế, thông qua sự kiện này, chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính sách thỏa đáng để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào công tác tìm kiếm, đấu giá và hiến tặng cổ vật cho Nhà nước. 
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cách đây hàng chục năm, có cả thất bại và thành công (ví dụ điển hình là thất bại trong đợt đấu giá bức tranh “Chiều tà” của Vua Hàm Nghi vào năm 2010; thành công trong đợt đấu giá chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh vào năm 2014), nhưng đã “mở đường” cho công cuộc hồi hương cổ vật, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho cả nước. Việc Thừa Thiên Huế một lần nữa đóng vai trò tiên phong cho một hướng đi mới trong việc đấu giá và hồi hương cổ vật Việt Nam, đó là việc huy động thành công nguồn lực ngoài ngân sách cho sự nghiệp đầy ý nghĩa này. 
Có thể thấy, từ những thực tế và kinh nghiệm trên chúng tôi nhận thấy, bên cạnh bổ sung quy định, các Bộ, ngành có liên quan cần xây dựng các cơ chế, chính sách về việc đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua cổ vật Việt Nam đang thất lạc ở nước ngoài. Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc hồi hương cổ vật chưa được chú trọng, quan tâm, vì vậy cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để nhập khẩu cổ vật, miễn toàn bộ thuế nhập khẩu cổ vật (áp dụng thuế xuất nhập khẩu 0% và đơn giản thủ tục nhập khẩu với tất cả cổ vật có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử, mỹ thuật…). Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia mua, đấu giá cổ vật nước ngoài về trao tặng lại đất nước thì ưu tiên hỗ trợ về thuế phù hợp với nguồn kinh phí đã bỏ ra, có thể là hỗ trợ đất đai hoặc các chính sách ưu đãi khác phù hợp với các quy định của pháp luật để các nhà đầu tư tham gia vào việc đấu giá cổ vật. 
Các Bộ, ngành cần có sự phối hợp tích cực với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại kết nối trong việc sưu tầm các cổ vật Việt Nam ở nước ngoài. Để triển khai công việc này, cần nghiên cứu, thành lập Tổ công tác gồm những nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật, các chuyên gia bảo tàng để tiến hành rà soát những nơi còn lưu giữ các cổ vật Việt Nam để lập danh sách, xây dựng kế hoạch và có hướng sưu tầm, hồi hương các cổ vật theo từng giai đoạn phù hợp. Ban hành các chính sách khen thưởng nhằm kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân trong việc đưa cổ vật về Việt Nam. Bên cạnh chính sách khen thưởng thông thường, cần nghiên cứu chính sách khen thưởng bằng vật chất với mức khen thưởng hợp lý để động viên các cá nhân, tổ chức. 

Bài cuối: Những kinh nghiệm quý về hồi hương cổ vật 

TS PHAN THANH HẢI - NGUYỄN HÒA 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top