Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Cất cánh”  từ văn hóa dân tộc

Thứ Sáu 17/03/2023 | 09:47 GMT+7

VHO- Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, anh Viên Đăng Phú (36 tuổi), người con của dân tộc Tà Ôi đang hiện thực hóa ước mơ làm du lịch trên chính quê hương mình.

 

 Anh Viên Đăng Phú (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng du khách bên các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tà Ôi

Ngày đêm nỗ lực vượt khó, Viên Đăng Phú đang tạo nên nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc từ “chất liệu” văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trân trọng bản sắc văn hóa quê hương

Homestay Hương Danh tại thung lũng A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) do anh Viên Đăng Phú quản lý lúc nào cũng tấp nập khách du lịch ghé thăm. Nâng niu tấm vải thổ cẩm của người Tà Ôi trên tay, anh Phú say sưa giới thiệu với khách du lịch về nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào mình. “Dệt zèng còn hơn cả một nghệ thuật. Đó là di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ bởi những phụ nữ dân tộc Tà Ôi ở vùng núi A Roàng, A Lưới ở miền Trung. Zèng không chỉ cầu kỳ mà còn biểu đạt một cách sống động các giá trị trong đời sống của người Tà Ôi nơi đây”, anh Phú chia sẻ.

Nhớ lại cách đây 10 năm, khi chưa xây dựng homestay Hương Danh, anh Phú cho biết từng phải lăn lộn nhiều nơi làm việc, tìm kiếm đam mê của bản thân. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phú luôn trăn trở giữa việc ở lại thành phố sinh sống hay trở về quê hương gây dựng sự nghiệp. “A Roàng là xã giáp ranh của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), phần lớn là người Tà Ôi. Nơi đây có nhiều nét văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đẹp mà chưa được nhiều người biết đến. Sau này, lượng khách du lịch tham quan bản làng của tôi ngày càng tăng. Khách đến càng đông, ngoài tín hiệu vui về du lịch thì đó còn là nỗi lo về bản sắc văn hóa dân tộc mình dễ bị thay đổi. Bởi vậy, tôi quyết tâm trở về quê hương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn văn hóa địa phương”, anh Phú nói.

Quá trình khởi nghiệp, làm du lịch của chàng trai Viên Đăng Phú gặp không ít khó khăn. Nhưng có khó khăn, anh vẫn quyết tâm “đánh liều” vay mượn để làm. Thêm nữa, anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Chính quyền thường xuyên tuyên truyền, giúp bà con nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch; phát triển du lịch không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là cách bà con thể hiện sự tự hào về văn hóa của dân tộc mình.

Văn hóa trở thành kế sinh nhai cho bà con

Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, anh Phú luôn cố gắng tìm những vật dụng mang đậm bản sắc của dân tộc Tà Ôi để trang trí cho ngôi nhà, tăng cường quảng bá homestay của mình trên mạng xã hội. Anh thường xuyên lên mạng học hỏi, giao lưu, đúc kết kinh nghiệm qua Facebook để quảng bá homestay. Anh còn theo học lớp hướng dẫn viên du lịch nội địa, lớp truyền dạy văn nghệ dân gian dân tộc Tà Ôi. Anh cho biết, trước đây khi phục vụ du khách, thường tổ chức các hoạt động văn nghệ nhưng tất cả chỉ dựa trên sự hiểu biết của mình. Sau khi được học bài bản các điệu múa, bài hát, anh áp dụng vào làm du lịch nhằm tái hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa của đồng bào mình.

Sau hơn 10 năm thành lập, mô hình homestay Hương Danh thành công ngoài mong đợi. Hiện nay, mô hình do Viên Đăng Phú làm chủ đang có định hướng phát triển du lịch trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Anh Phú chia sẻ phát triển du lịch trải nghiệm tại các làng nghề sẽ giúp quảng bá văn hóa, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, giải quyết việc làm cho đồng bào, thu nhập ổn định. Hiện nay, homestay của gia đình anh có 20 lao động cùng làm. Ngoài nương rẫy, việc làm từ phát triển du lịch cộng đồng mang đến cho mỗi thành viên trong homestay khoản thu trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp người dân nâng cao đời sống, đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.

Tự mày mò, Viên Đăng Phú đã trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, tự tin giới thiệu cho du khách những điều thú vị về văn hóa dân tộc Tà Ôi, cảnh đẹp quê hương mình. Điều đáng quý ở chàng trai này là anh sẵn sàng giúp đỡ bà con địa phương làm du lịch với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chính quyền địa phương đánh giá cao và mong muốn nhân rộng mô hình homestay này.

Nhiệt huyết, sáng tạo, đam mê, anh Viên Đăng Phú đã mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương. “Nếu biết cách làm, đưa văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số vào các sản phẩm du lịch, du khách chắc chắn sẽ rất ưa thích và tìm đến trải nghiệm. Thông qua đó, chúng tôi tạo được việc làm, góp phần ổn định đời sống của người dân địa phương. Quan trọng hơn cả thông qua làm du lịch, bà con được trực tiếp tham gia vào công cuộc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, anh Phú chia sẻ. 

BẢO NAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top