Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hướng đến Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”

Thứ Bảy 18/03/2023 | 13:50 GMT+7

VHO- Tháng ba - đường đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc ở thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang nhộn nhịp và đông đúc hơn bao giờ hết. Người người về đây đều trong tâm trạng xúc động. Có lẽ, chưa bao giờ và ở đâu, những đòn đánh đập, tra tấn, hành hạ lại độc ác, rùng rợn như những ngón đòn mà bọn cai tù đã trút lên mình các tù binh Cộng sản.

 Khách tham quan mô hình “chuồng cọp kẽm gai” tại Trại giam Phú Quốc

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc, do Mỹ-ngụy xây dựng tại thung lũng An Thới, trước là ấp 5 xã Dương Tơ, nay là khu phố 6, phường An Thới, TP. Phú Quốc. Trại giam bắt đầu hoạt động vào ngày 6.7.1967, và giải thể tháng 3 năm 1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, tù binh được trao trả. 

Toàn bộ khu di tích gồm 2 phần: phần trưng bày bổ sung di tích và phần phục dựng, tái hiện cảnh trí lịch sử một phân khu trong 44 phân khu thuộc trại giam cũ. Tại Phòng trưng bày di tích trại giam tù binh Phú Quốc, quý khách sẽ được xem sa bàn tổng thể của trại giam; một số hình ảnh liên quan đến quá trình hình thành và tồn tại của trại giam và kỷ vật của tù binh đã sử dụng trong trại giam…  

Toàn bộ khu vực này thể hiện qui mô của một phân khu giam. Nhìn vào toàn cảnh, quý khách thấy tất cả được bao quanh bởi nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai và bùng nhùng, đây cũng là nét đặc biệt khác với các trại giam khác. Xung quanh là 04 vọng gác, quân cảnh canh gác 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có 10 vọng gác lưu động và đội quân khuyển được thả vào ban đêm, cùng hệ thống đèn điện chiếu sáng toàn khu trại giam. Bên ngoài hàng rào là những bải mìn, trái sáng dày đặc. Còn xung quanh khu vực trại giam hoàn toàn trống trải, tạo thành một vành đai trắng bao bọc trại giam, cách ly hẵn trại giam với bên ngoài. 

Từ tháng 7.1967 đến tháng 3.1973, địch đã giam giữ hơn 40.000 lượt tù binh. Thành phần tù binh chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng thuộc lực lượng vũ trang: quân chủ lực, quân địa phương hoặc dân quân du kích và một số người có tình cảm cách mạng hoặc chỉ sinh sống trong vùng chiến sự bị địch càn quét, bắt đi, tra tấn dã man bắt phải khai nhận là du kích cộng sản…

Bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, trong trại giam, địch liên tục tổ chức phân loại, phân hóa tù binh thành nhiều nhóm: nhóm miền Nam - miền Bắc, chiến sĩ-hạ sĩ quan-sĩ quan, áp dụng nhiều biện pháp để đánh vào các tổ chức Đảng, đoàn trong trại giam, tổ chức chiến dịch đàn áp tù binh đưa vào trại Tân sinh hoạt. Đồng thời áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn, sát hại hơn 4000 tù binh. 

Nhiều học sinh tìm đến Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc để tìm hiểu lịch sử

Tại cổng phân khu giam, địch làm một số chuồng cọp để sử dụng giam giữ, tra tấn tù binh. Chuồng cọp ở đây không giống chuồng cọp Côn Đảo hay các nhà tù khác, mà toàn bộ là loại “chuồng cọp kẽm gai” của Mỹ. Đặc điểm nổi bật của chuồng cọp này là mỗi loại chuồng cọp đi kèm với nhiều cách hành hạ con người khác nhau. Chuồng cọp này được để ở ngoài trời trong phân khu. Mùa nắng, tù binh phải chịu đựng cái nắng chói chang bỏng da rát thịt từ sáng cho đến tối; còn mùa mưa, tù binh bị ngâm trong nước, nước mưa thấm vào người lạnh buốt đến tận xương tủy. Phân khu nào cũng có hai, ba chuồng cọp. Theo thống kê của các tù binh Phú Quốc, có nhiều loại chuồng cọp: chuồng cọp ngồi và nằm; chuồng cọp đứng; chuồng cọp nửa nằm, nửa đứng…  

Thông điệp cho mai sau

50 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông. Những người trở về từ “địa ngục trần gian”, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên thịt da đã lành. Những nỗi đau tinh thần cũng dần nguôi ngoai. 

Đồng chí Hồ Đắc Thuận – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Phú Quốc cho biết: Mỗi năm khu di tích đón trên 10 nghìn lượt khách. Có những tù nhân cũ trở về thăm lại nhà ngục xưa. Nhiều du khách trẻ tuổi ở mọi miền đất nước, khi đến Phú Quốc du lịch, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng, cũng không quên ghé thăm di tích này. Khách nước ngoài đến thăm di tích mỗi lúc một đông hơn. Còn học sinh trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Khách tham quan phân trại tra tấn tù Cộng sản tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc

Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Chính vì tầm qua trọng của Di tích mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Dự án nhằm khôi phục, tu bổ một số điểm di tích ghi dấu các sự kiện quan trọng, giữ gìn chứng tích lịch sử là nơi trưng bày hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, qua đó góp phần cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các hình ảnh, cùng các tài liệu có liên quan nhằm tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” sẽ được diễn ra từ ngày 25 đến 26.3.2023 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành đoàn thể và nhân dân trong công tác "Uống nước nhớ nguồn" đối với người có công với cách mạng. Qua đó giáo dục truyền thống cánh mạng “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

THẾ HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top