Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Họa sĩ trẻ tạo diện mạo mới cho tranh thờ người Dao

Thứ Hai 20/03/2023 | 10:43 GMT+7

VHO- Với mong muốn tranh thờ của người Dao không chỉ được biết đến là phương tiện trong thực hành nghi lễ, tín ngưỡng, mà còn là mảnh ghép trong dòng chảy mỹ thuật dân gian Việt Nam, chàng họa sĩ trẻ 9X đã biến đổi để thu hút, hấp dẫn những người chưa dành sự quan tâm tới dòng tranh này, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, đồng thời chinh phục thị giác những người yêu mỹ thuật.

 Nam Chi vẽ tranh Hàng Trống

Từ chính sự sáng tạo và niềm say mê với mỹ thuật truyền thống, họa sĩ Nam Chi đã mạnh dạn kết hợp 2 dòng tranh, vốn không có mối liên hệ với nhau, để tạo nên những tác phẩm mỹ thuật dân gian của người Dao nhưng mang “hơi thở” tranh Hàng Trống.

Đam mê từ thuở niên thiếu

Ngay từ khi còn học phổ thông, Nguyễn Văn Bắc (sinh năm 1996), nghệ danh Nam Chi đã dành nhiều thời gian tự mày mò, tìm kiếm tư liệu về các kỹ thuật bồi giấy, pha màu, vẽ tranh Hàng Trống rồi ghi chép lại cẩn thận từng công đoạn thực hiện, bởi với anh, giấy và màu vẽ chính là xương sống và linh hồn của bức tranh. Nếu nét vẽ có đẹp đến mấy, mà bồi giấy hay màu sắc không được chú trọng cũng sẽ làm cho bức tranh mất đi giá trị. Giấy dó được anh bồi từ 4-6 lớp, tạo độ bền, độ dày cho tranh. Keo bồi giấy được tinh chế từ bột nếp, rút hết chất glucôzơ để ngăn mối mọt, côn trùng. Với một số bức tranh, Nam Chi sử dụng màu khoáng thay vì màu công nghiệp để tranh bền màu hơn với thời gian. Thậm chí, có những bức tranh sử dụng kỹ thuật nghiền vàng để vẽ lên tranh - một kỹ thuật khó, hiện còn rất ít nghệ nhân có thể làm được.

Lên đại học, Nam Chi bắt đầu tìm hiểu các dòng dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, trong đó tranh của người Dao gây cho anh ấn tượng sâu sắc nhất. Sau chuyến điền dã ở Lào Cai, tận mắt chiêm ngưỡng và hiểu được ý nghĩa của những bức tranh thờ của đồng bào Dao, anh đã thử sức với dòng tranh này. Nhưng các bức tranh khi ấy vẫn còn giữ nguyên nghệ thuật tạo hình, họa tiết, tông màu như của các nghệ nhân người Dao, chưa tạo được dấu ấn riêng.

Dần dà, anh tiếp tục tìm đến các tài liệu nghiên cứu từ thời Pháp thuộc, tài liệu ngoại ngữ về tranh dân gian Việt Nam, như Folk Peintures (Maurice Durand). Khi đã tích lũy được một lượng kiến thức nhất định về các dòng tranh của cả miền xuôi lẫn miền ngược, Nam Chi đã táo bạo “tiếp biến” những yếu tố mỹ thuật trong tranh Hàng Trống để tạo nên diện mạo mới cho tranh người Dao.

 Nhân vật Dương Tiễn trong tranh của Nam Chi

“Tiếp biến” để dễ dàng tiếp cận

Hướng tới tiếp cận những người yêu mỹ thuật ở miền xuôi, Nam Chi đã tiên phong thể hiện những yếu tố mỹ thuật trong tranh Hàng Trống trên chất liệu tranh người Dao. Quy chuẩn tạo hình các vị Thần, Phật trong tranh dân gian đất Kinh kỳ như mặt trái xoan, lông mày lá liễu, cổ cườm ba ngấn, biểu cảm khuôn mặt cũng có phần thuần hậu hơn… được Nam Chi áp dụng vào trong những sáng tạo của mình, để dung mạo các vị thần có vẻ gần gũi, thân thuộc hơn với công chúng.

Song vì là các nhân vật thần thoại trong Đạo giáo của Trung Hoa, nên tạo hình vẫn phải được xây dựng dựa trên những tích cổ. Cụ thể, khi tạo hình cho nhân vật Dương Tiễn, anh đã thể hiện vẻ mặt nghiêm nghị, song cũng tươi tắn tựa nguyên mẫu trong Đức ngung trai họa phẩm thời Tống, đầu đội mũ sa như trong Cù Đường thần quân ca thời Tống, tay cầm cây giáo dài giống mô tả trong Phong thần diễn nghĩa thời Minh, trên trán có một con mắt thứ ba mà trong Nhị Lang bảo quyển viết: “Thiên nhãn mở, nhìn mười phương, như nắm trong lòng bàn tay”…

Từng cử chỉ, điệu bộ trong tranh vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn, thể hiện vẻ uy nghiêm, oai phong của những vị thần thượng cấp. Từng nếp xiêm áo, đồ án trang trí trên phục trang cũng được khắc họa rất khéo léo, tinh tế. Dẫu vậy, các chi tiết trong tranh vẫn hài hòa với nhau, mà không gây rối mắt cho người xem.

Bên cạnh những nét vẽ tài tình, Nam Chi dùng màu cũng khéo léo không kém. Những màu sắc tươi sáng, sự tương phản mạnh mẽ giữa gam màu nóng và lạnh như nói lên sự trẻ trung, phá cách và đam mê cháy bỏng với văn hóa truyền thống đang hừng hực trong anh. Và để mãn nhãn hơn khi thưởng tranh, kỹ thuật “vờn màu” đặc trưng của tranh Hàng Trống cũng được anh áp dụng để tạo cho làn da của nhân vật vẻ hồng hào, chân thật, tạo cho đám mây ngũ sắc hiệu ứng chuyển động…

Nhưng không vì thế mà Nam Chi “lạm dụng” các yếu tố trong tranh dân gian của người miền xuôi, bởi nếu làm vậy sẽ vô tình tạo cảm giác xa lạ với chính những “chủ sở hữu đích thực” của dòng tranh thờ này. Yếu tố chủ đạo trong tranh gốc của dân tộc Dao vẫn được Nam Chi giữ lại, chẳng hạn như, bố cục tạo hình các nhân vật trong tranh, nhân vật chính được vẽ to, gương mặt tả kỹ, trang phục cầu kỳ, những nhân vật phụ, những vị tiên chầu hai bên vẽ nhỏ hơn, trang phục đơn giản, nhằm làm nổi bật cho nhân vật chính; hay những họa tiết trang trí đặc trưng của tranh người Dao so với các dân tộc thiểu số ở phía Bắc khác như 3 dải mây xoáy ở đầu bức tranh, dải hoa văn sóng nước ở hai bên…

Đồng hành và hỗ trợ Nam Chi trong các dự án về tranh dân gian, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt nhận xét: “Nam Chi được đào tạo bài bản về mỹ thuật, mà cụ thể là nghệ thuật đồ họa tại trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, nên trình độ và kiến thức chuyên môn rất tốt. Có thể nói, điều Nam Chi được trời phú, mà không phải họa sĩ nào cũng có, đó là năng khiếu cảm thụ về nghệ thuật, tư duy tạo hình trong tranh dân gian rất xuất sắc. Vì lẽ đó, những sáng tạo của anh với các dòng tranh như tranh Hàng Trống, Kim Hoàng,… và mới nhất là tranh thờ của người Dao đều có tính đột phá, nhưng không bị xa rời tính mỹ thuật truyền thống, đồng thời, nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn”. 

NAM SƠN; ảnh: THANH TÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top