Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín (Bài 4): Lên án và xử nghiêm lợi dụng niềm tin mù quáng

Thứ Hai 20/03/2023 | 10:45 GMT+7

VHO- Loạt bài Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín đăng tải trên Văn Hóa đã nhận được hiệu ứng tích cực từ các nhà quản lý, chuyên gia, chức sắc GHPGVN…

Các ý kiến khẳng định, để niềm tin tín ngưỡng không bị mù quáng, trục lợi, cần có giải pháp đồng bộ và tiếng nói mạnh mẽ từ xã hội, trong đó có báo chí truyền thông.

GHPGVN lên án việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi…

Trong niềm tin tín ngưỡng có chính tín và mê tín. Mỗi người khi hiểu rõ lợi ích của niềm tin đưa tới kết quả tốt đẹp, điều thiện, niềm vui an lạc, trong Phật giáo gọi đó là chính tín. Ngược lại, tin theo điều mù quáng, chưa được kiểm chứng, hậu quả là ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế, tài chính, mất đoàn kết, trái ngược văn hóa truyền thống…, trong giáo lý Phật giáo gọi là niềm tin mù quáng.

Con người cần có niềm tin, nếu không sẽ dẫn đến sự vô định. Tuy nhiên, niềm tin phải đặt trên nền tảng chính tín. Niềm tin tốt lành cần cổ súy. Ngược lại, nếu cứ mãi chạy theo và thực hành theo những niềm tin mù quáng, vốn dĩ không phải là truyền thống của một dân tộc hay của một cộng đồng tôn giáo thì rất nguy hại cho xã hội và chính bản thân. Một số người đang lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi, đây là điều xã hội cần lên án. Đức Phật dạy chúng ta phải tin vào những điều mà bản thân đã kiểm chứng. Giáo lý Phật giáo mong muốn tất cả Phật tử, tín đồ và mọi người hãy thực hành chính tín, đấy là con đường mang đến điều tốt đẹp. Từ quan điểm đó, GHPGVN luôn cổ súy, có đường hướng hành đạo lợi đạo, ích đời. Xã hội hiện nay thường có biểu hiện theo hiệu ứng đám đông mà không có kiểm chứng; nhiều khi dẫn đến sự đồn thổi rằng chỗ này có Phật sống, chỗ kia Thánh phán… Giáo hội luôn truyền bá chính pháp để Phật tử tín đồ tin tưởng theo chính tín của mình, lên án việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi, bài trừ mê tín dị đoan.

Tôi nghĩ, làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa tâm linh, đời sống tinh thần của xã hội là điều rất quan trọng và cần phải có giải pháp đồng bộ. Trước hết, công tác quản lý, thể chế pháp luật phải đồng bộ. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các tín đồ, đội ngũ tu sĩ của các tôn giáo phải nhìn nhận đúng đắn để hướng dẫn Phật tử, người dân theo chính đạo, đúng quy định pháp luật. Thứ ba, dư luận xã hội rất quan trọng trong việc cảnh báo, định hướng về niềm tin và thực hành văn hóa tâm linh. Chỉ có thực hiện đồng bộ như vậy mới có thể xây dựng được đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cho nhân dân tốt đẹp hơn, đúng hướng hơn.

(Thượng tọa THÍCH ĐẠO HIỂN, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN)

Xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để truyền bá mê tín dị đoan

Liên quan đến những hành vi bói toán, mê tín dị đoan trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm. Bộ cũng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.

Cụ thể, đã chủ động đàm phán với những nền tảng mạng có số lượng người dùng lớn tại Việt Nam như Facebook, YouTube và các kho ứng dụng như Apple Store, Google Play. Khi quét phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, nội dung xấu độc, nhảm nhí, sai trái, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu gỡ, ngăn chặn. Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành một số Nghị định để bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn, chế tài răn đe mạnh hơn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với lực lượng công an rà quét, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng các nền tảng mạng để truyền bá mê tín dị đoan, chống phá Nhà nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội.

(Ông LÊ QUANG TỰ DO, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT)

Nhận thức đủ, đúng để đẩy lùi, xóa bỏ mê tín dị đoan…

Nhiều người nghĩ rằng, cùng với sự phát triển của khoa học, các hiện tượng mê tín dị đoan sẽ dần mất đi, tuy nhiên thực tế lại không như vậy. Bối cảnh xã hội hiện nay có nhiều phức tạp, những bất thường của cuộc sống khiến con người hay đổ lỗi cho may rủi. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội đã khiến cho những thông tin bói toán, cầu cúng trở nên dễ tiếp cận hơn. Cùng với đó là nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân.

Mạng xã hội là một môi trường mới, vì thế có rất ít, thậm chí không có kinh nghiệm để xử lý một số vấn đề mới ở trên mạng. Sự lúng túng này là nguyên nhân của nhiều vấn đề, trong đó có mê tín dị đoan. Để xử lý hiệu quả, phải nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng, của cơ quan quản lý và toàn xã hội về hậu quả của mê tín dị đoan nói chung, trên không gian mạng nói riêng. Khi nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chúng ta sẽ hình thành kế hoạch, hành động phù hợp để đẩy lùi, xóa bỏ vấn nạn này. Ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cũng là một giải pháp hữu ích. Cần tăng cường nguồn lực để quản lý văn hóa tốt hơn trên không gian mạng, có thêm công cụ kỹ thuật để xử lý những phát sinh; xử lý làm gương những trường hợp được dư luận quan tâm, từ đó làm trong sạch môi trường mạng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho toàn xã hội. Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, lành mạnh và an toàn thì các hiện tượng tiêu cực, trong đó có mê tín dị đoan sẽ giảm.

(PGS. TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Gặp bất trắc, nhiều người tìm đến thầy bói thay vì đến với chuyên gia tâm lý

Khoảng cách giữa niềm tin tôn giáo và mê tín dị đoan rất gần. Khi niềm tin mù quáng, không xuất phát từ chiêm nghiệm thực tế với những gì đã và đang diễn ra với bản thân, mà chỉ dựa trên cảm giác khiến họ rơi vào tình trạng mê tín dị đoan. Đây chính là cơ hội để thầy bói, cô đồng trục lợi, dẫn dắt con nhang đệ tử phục tùng. Cùng chạm vào tâm lý của đối phương, nhưng một nhà tâm lý không bao giờ thao túng mà giúp họ hiểu ra những vấn đề hoang mang, lo lắng của họ. Còn thầy bói lại khẳng định vấn đề, nguy cơ rủi ro với người xem bói.

Vấn đề hiện nay là khi gặp chuyện bất trắc, nhiều người đã tìm đến thầy bói thay vì gặp các chuyên gia tâm lý. Thực tế cho thấy, chỉ có bản thân biết vấn đề của mình mà người khác không thể biết được. Do đó, để không bị thao túng tâm lý, mỗi người phải tin tưởng bản thân, tinh thần cứng rắn, vượt qua sự căng thẳng; đồng thời tìm sự hỗ trợ của người có chuyên môn. Nếu tự xử lý hoặc bị lạm dụng niềm tin thì sẽ không giải quyết được vấn đề của chính họ.

PGS.TS TRẦN THU HƯƠNG (Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Không ít đối tượng bói toán, đồng cốt, lợi dụng tôn giáo để chiếm đoạt tài sản

Niềm tin vào đấng siêu nhiên không xấu, tuy nhiên nếu tin quá mức, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với quy luật khách quan, suy nghĩ và hành động bất thường đến mức gọi là mù quáng, bị lợi dụng thì sẽ gọi là “mê tín dị đoan”.

Điểm đ điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Người hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt hành chính rồi còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người đã bị xử phạt hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Nếu đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật có tính chất mê tín dị đoan để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý theo quy định tại bộ luật hình sự.

Việc chứng minh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hành nghề mê tín dị đoan không khó. Chỉ cần cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy nội dung mà đối tượng đưa ra không có cơ sở khoa học, không theo giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, khiến nạn nhân tin tưởng đưa tiền rồi chiếm đoạt thì có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không ít đối tượng bói toán, đồng cốt, lợi dụng tôn giáo chiếm đoạt tài sản đã bị xử lý hình sự. Mặc dù vậy, hành vi này vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc xử lý vi phạm có nơi còn e ngại, thiếu kiên quyết, chưa hiệu quả. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo. Đồng thời, phải kiểm tra, rà soát và kịp thời phát hiện đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động mê tín, bói toán.

(TS Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội)

Bài cuối: Đồng bộ từ nhận thức đến hành động

 THU TRANG - QUỲNH HOA - NGỌC NHIÊN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top