Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quảng Nam: Cần gỡ khó cho du lịch Tiên Phước

Thứ Ba 21/03/2023 | 10:48 GMT+7

VHO - Là địa phương nằm ở vùng trung du phía Tây tỉnh Quảng Nam, huyện Tiên Phước được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng cũng như sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan tự nhiên, các yếu tố văn hóa, lịch sử đã và đang được người dân cũng như chính quyền địa phương chung tay gìn giữ. Tuy nhiên, công tác phát triển du lịch địa phương tại đây vẫn còn nhiều khó khăn và cần có giải pháp gỡ khó để nâng tầm, phát triển những tiềm năng sẵn có.

Không thiếu những điểm đến

Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) những ngày trung tuần tháng 3.2022 đang rộn ràng trong không khí chuẩn bị cho Hội làng Lộc Yên lần thứ 2 - năm 2023 (từ ngày 24.3 – 26.3). Sẽ có nhiều hoạt động du lịch, văn hóa đặc sắc diễn ra trong dịp lễ hội này. Đặc biệt là dịp ra mắt sản phẩm du lịch Lộc Yên – Thạnh Bình nhằm nâng cao không gian trải nghiệm của du khách, trong đó có tham quan Di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. 

Một góc làng cổ Lộc Yên ở xã Tiên Cảnh

Được biết, vào dịp cao điểm trước dịch Covid-19, cụ thể là năm 2019, làng cổ này từng đón khoảng 15.000 du khách, tuy nhiên chủ yếu là khách vãng lai chứ không có sử dụng dịch vụ hay mang lại nguồn thu kinh tế cho người dân địa phương. Cũng vào thời điểm trước Covid-19, Lộc Yên được huyện Tiên Phước và Tập đoàn Thiên Minh (chủ đầu tư TUI Blue Nam Hội An Resort) thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên sự kết nối này có phần chững lại do những tác động từ đại dịch.

Bà Nguyễn Thị Sành – thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đình Mẫn (chủ nhà cổ Nguyễn Đình Mẫn) chia sẻ, trong dịp hội làng sắp đến, ngôi nhà của gia đình bà là một trong những nơi diễn ra hoạt động tái hiện các câu chuyện lịch sử - văn hóa về vùng đất Tiên Phước. Ngôi nhà cổ nổi tiếng này chưa từng làm rào ngõ, từng đón nhiều khách đến vãn cảnh, chụp ảnh. Tuy nhiên nguồn thu từ hoạt động du lịch của gia đình ông Mẫn và người dân Lộc Yên nói chung là chưa đáng kể.
Xã Tiên Châu là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn ở Tiên Phước. Ở đây có làng cổ Hội An nằm tại thôn Hội An là một điểm đến chưa được khai phá nhiều. Trung tâm là đình Hội An được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XIX là Di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh, đồng thời là ngôi đình còn lại duy nhất trên địa bàn huyện Tiên Phước. Ngoài ra, trên địa bàn thôn Hội An và các thôn lân cận của xã Tiên Châu như Hội Lâm, Thanh Bôi có khoảng 37 nhà cổ, mộ cổ. Những căn nhà gỗ có tuổi đời hơn thế kỷ được bàn tay người thợ mộc vùng Văn Hà (huyện Phú Ninh) dựng nên với dạng nhà 8 cái, 3 gian, 2 đoạn gần như nguyên vẹn theo năm tháng. Trên địa bàn xã Tiên Châu còn có danh thắng thác Ồ Ồ ở thôn Thanh Khê.

Di tích đình làng Hội An ở xã Tiên Châu

Trước thời điểm có dịch Covid-19, căn nhà cổ của gia đình anh Nguyễn Văn Danh tại thôn Hội An từng đón nhiều đoàn khách, sinh viên thực tập, đài truyền hình từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng đến tham quan, ghi hình. Tuy nhiên con số này cũng không quá lớn với hiện tại. Anh Danh cho biết: “Nhiều lúc e ngại nguy cơ nhà xuống cấp, cũng muốn nâng cấp sửa chữa nhưng kinh tế gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên bản thân người dân địa phương chúng tôi luôn tự hào về những ngôi nhà cổ và sẵn sàng đón tiếp, giới thiệu cho du khách gần xa tìm về giá trị xưa cũ cũng như tham quan các danh thắng ở quê mình”.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, toàn huyện có 4 di tích cấp Quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và hơn 60 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm. Đây là nền tảng cho công tác phát triển du lịch và thu hút du khách về với xứ Tiên. Hiện hệ thống các sản phẩm du lịch ở Tiên Phước dù chưa được hoàn chỉnh nhưng đã tạo được ấn tượng cho du khách. Những ngôi nhà cổ, không gian ngõ đá, vườn cổ, di tích và thắng cảnh được thực hiện liên kết, xâu chuỗi để hình thành sản phẩm du lịch mang thế mạnh của địa phương như du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, thăm quan di tích lịch sử… Tiên Phước cũng hình thành các điểm check-in, thiết kế một số sản phẩm phù hợp phục vụ khách như tour đạp xe, lớp nấu ăn, bữa ăn truyền thống. 
Cần sự liên kết
Có dịp tham gia đoàn famtrip về làng cổ Lộc Yên trong khuôn khổ Năm Du lịch xanh 2022, bà Nguyễn Thanh Tình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Sea Love (Sea Love Travel) đánh giá đây là điểm đến hấp dẫn và có thể đưa vào các chương trình tour trong thời gian tới. Tuy nhiên, du khách từ Đà Nẵng, Hội An hay thành phố Tam Kỳ lên Lộc Yên phải di chuyển quãng đường khá xa. Đây cũng là khó khăn của Tiên Phước khi phát triển du lịch. 

Ông Dương Đức Lin - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nhìn nhận, do các xã trên địa bàn huyện nằm cách xa các trung tâm du lịch khác, dẫn đến việc kết nối các tour, tuyến du lịch với Hội An hay Đà Nẵng hết sức khó khăn, dẫn đến lượng du khách về xứ Tiên còn hạn chế về số lượng, đặc biệt sau Covid-19. 
Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển các điểm đến thì hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng. Cụ thể như tuyến Quốc lộ 40B từ thành phố Tam Kỳ về Tiên Phước đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Nhiều tuyến đường nội thị trên địa bàn huyện được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Huyện có kiến nghị các cấp, ngành có cơ chế hỗ trợ kinh phí nâng cấp mặt đường các tuyến đạp xe nội bộ trong làng cổ Lộc Yên, xóm Bàu; hỗ trợ kinh phí giải tỏa, mở mới một tuyến đường bìa làng Lộc Yên khớp nối các tuyến nội bộ đã có, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông đi một chiều vào làng. 

Du khách tham quan làng cổ Lộc Yên

Một vấn đề khác là sản phẩm du lịch bổ trợ còn đơn điệu, người dân chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng nên doanh thu từ du lịch thấp, hoạt động du lịch chưa được bài bản. Theo bà Nguyễn Thanh Tình, do du khách đã di chuyển quãng đường dài lên điểm đến như Lộc Yên thì ngoài khám phá nhà cổ, thác suối, thưởng thức ẩm thực địa phương… thì địa phương cần làm mới các sản phẩm du lịch để tăng trải nghiệm, “níu” khách. “Có thể hình thành các homestay đủ điều kiện đón tiếp khách lưu trú, không ngừng nâng cao các sản phảm nông sản, cây trái đặc trưng. Mặt khác, khôi phục, bảo tồn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính người dân địa phương làm ra cũng như tái hiện lại các nghề truyền thống, các trò chơi dân gian”, bà Tình cho biết.

Tiên Phước có hơn 60 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm

 Với những lợi thế sẵn có, du lịch nông thôn ở Tiên Phước nói chung không chỉ dừng ở những sự kiện, lễ hội mà rất cần sự hỗ trợ, kết nối từ các cấp, ngành với nhà đầu tư để có giải pháp phát triển du lịch lâu dài. Từ đó có thể thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng, hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc để thích ứng với xu hướng du lịch xanh bền vững, giữ chân du khách và tạo thu nhập cho người dân. 

XUÂN SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top