Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lên “cổng trời” làm luận án tiến sĩ

Thứ Tư 22/03/2023 | 09:12 GMT+7

VHO- “Đã hơn 20 năm, tôi gắn bó “gieo chữ” cho nhiều thế hệ con em người Mông. Lên “cắm bản” gần gũi với các em học sinh nơi đây, tôi càng thấy công việc của mình thêm nhiều ý nghĩa hơn”. Đó là lời tâm sự của cô Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn, nữ giáo viên đầu tiên ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Tuổi xuân nơi vùng “đất cao, trời thấp”.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I năm 2001, sinh viên trẻ Lã Thị Thanh Huyền, từ thành phố Vinh xung phong đăng ký nguyện vọng lên công tác ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn, cách nhà 250 km. Thương con gái sẽ khổ khi đi “cắm” bản, gia đình hết sức can ngăn, tuy nhiên với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Huyền đã quyết định gác lại niềm riêng lên đường nhận công tác. 

Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn tiếp nhận và phân công về dạy tại Trường THCS Mường Lồng, nữ giáo viên trẻ dù có tưởng tượng nhưng cũng không nghĩ thực tế lại khó khăn đến như vậy. Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền nhớ lại: “Cầm tờ quyết định công tác, ba lô trĩu nặng trên vai. Những năm 2002, từ thị trấn Mường Xén, xuyên rừng theo con đường độc đạo dài 50 cây số, trời mưa leo qua dốc, vật vã khóc đứng khóc ngồi, mất cả một ngày trời mới đến nơi. Khi cực nhọc vượt qua những đèo dốc, leo lên đến “cổng trời”, sương mù bao phủ, toàn thân lấm lem bùn đất như người dân bản mới đi rẫy về, mới hiểu được hết nghĩa thế nào là nơi được mệnh danh đặc biệt khó khăn. Điện, nước sạch, điều kiện chăm sóc sức khỏe và mọi tiện nghi đều thiếu thốn. Gian ký túc xá cho giáo viên được lợp tạm bằng tranh tre.  Xa xôi cách trở là thế nên mỗi lần về Tết, nghỉ hè về xuôi nghĩ đến cảnh vượt rừng dốc núi cheo leo mà ớn. Khi đã ở trên nơi “đất cao trời thấp” này rồi lại không muốn tụt xuống nữa.” 

Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền chụp ảnh cùng các em học sinh người Mông, huyện rẻo cao Kỳ Sơn

“Khó khăn nhất chưa phải là điều kiện sống thiếu thốn mà đó là việc làm quen và dạy các em học sinh người Mông. Những đứa trẻ người Mông còn biết rất ít tiếng phổ thông. Giáo viên miền xuôi mới lên không biết tiếng Mông nên không thể dạy theo đúng giáo trình. Vượt nghịch cảnh này, tôi đã tích cực học tiếng Mông bản địa, từ những giáo viên lâu năm của trường, học từ các em học sinh của mình. Đồng thời làm quen với người dân để hiểu phong tục, văn hóa người bản địa. Vậy là tôi đã nhập bản Mông, trở thành người con nơi này. Cô và trò đã xích lại gần nhau, các em học sinh cô dạy dần tốt lên, vậy nên lượng tri trức được truyền tải nhiều hơn”, cô Huyền chia sẻ. 
Trong những năm dạy ở Trường THCS Mường Lống, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, là tổ trưởng chuyên môn và đạt chiến sĩ thi đua cấp huyện và năm 2008 cô Huyền đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng từ việc học tiếng Mông, cô giáo Huyền đã “bén duyên” rồi nên duyên cùng chồng vào năm 2004. Chồng cô là giáo viên cùng trường. Anh là người Mông ở xã Mường Lống. 
Cô giáo nặng lòng với con em người Mông
Nhiều năm là giáo viên môn Ngữ văn tại các trường THCS ở xã Mường Lống có đại đa số học sinh là người Mông. Cô Huyền rất trăn trở việc học sinh dù đã lên THCS nhưng tiếng Việt chưa thành thạo, kỹ năng giao tiếp kém do quen sống trong bản làng và nói tiếng Mông. Trong khi đó, phong tục cũ chỉ có đàn ông được đi học còn hầu hết các bà, các mẹ đều chỉ lo rãy nương không được đi học, không biết nói tiếng Kinh. Cô Huyền cho biết: “Trở ngại lớn đối với việc dạy học môn Ngữ văn, bởi học sinh dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng, việc tiếp cận văn bản đã như học ngoại ngữ. Đọc viết chưa thành thạo thì việc cảm thụ, hiểu được nội hàm văn chương là một điều khó khăn. Tuy nhiên không phải không có cách giải quyết bài toán này. Để có thể dạy học hiệu quả, tôi tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để học tiếng Mông. Nhờ nỗ lực đó, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống có học sinh giỏi Văn”. 

Cô Huyền là nữ giáo viên đầu tiên ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ

Cuộc sống không êm đềm qua đi, gia đình của cô giáo miền xuôi gặp biến cố, để vơi nỗi buồn, cô Huyền chuyển công tác từ xã Mường Lống sang xã Na Ngoi nằm phía Tây Nam dưới chân Pu xai lai leng có độ cao hơn 2.700 mét so với mặt biển, nơi có đại đa số học sinh người Mông và một số bản làng người Thái, Khơ Mú. Ngoài dạy học, cô còn có nhiệm vụ chăm sóc, quản lý học trò bán trú… Lúc này, cô lại dồn tâm trí vào con cái, học trò và công việc. “Trước đây mình cứ nghĩ có bằng đại học là không phải học thêm nữa. Nhưng đến khi đi dạy học, càng dạy thì lại thấy không đủ, nếu cứ dạy và áp theo các quy định chuyên môn thì rất khó. Mình muốn tìm tòi thêm về phương pháp dạy học, nên năm 2011 đăng ký thi, học thạc sĩ tại khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh, chuyên ngành lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt”, cô Huyền chia sẻ. Đề tài Phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông đã được cô Huyền đưa vào luận văn bảo vệ thạc sĩ thành công năm 2013. 
Việc dạy và học ở Na Ngoi cũng có những khó khăn tương tự như Mường Lống, đó là sự thiếu quan tâm của phụ huynh với con em trong việc học. Cơ sở vất chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Ý thức học tập của các học sinh chưa cao, nhiều em bỏ học. Môi trường mới, thêm những khó khăn mới lại một lần nữa làm động lực “thúc đẩy” sự ham học hỏi của cô giáo Huyền. Cũng trong thời gian này, những giảng viên trường Đại học Vinh động viên cô nên tiếp tục phát triển luận văn về đề tài phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông trở thành luận án. Được sự ủng hộ của ban giám hiệu và các giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Na Ngoi, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, năm 2014, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền lại quyết tâm tiếp tục học lên cao.

Từ miền xuôi lên "cắm bản" cô đã gắn bó với các em học sinh miền núi

Trường Đại học Vinh không đào tạo tiến sĩ chuyên ngành cô Huyền theo đuổi, nên cô phải dự tuyển làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian này, cô vừa đi học vừa đi dạy nên di chuyển liên tục từ Kỳ Sơn – Vinh – Hà Nội. Có thời điểm, cô phải xin tạm nghỉ công tác để tập trung nghiên cứu. Đến năm 2019, cô đã bảo vệ thành công và quay trở lại dạy học tại huyện biên giới. “Luận án của tôi tập trung nội dung phương pháp dạy môn Văn – tiếng Việt cho học sinh người Mông. Học sinh người Mông học Văn giống như phải qua một bước phiên dịch. Vì vậy, hướng các em đến năng lực giao tiếp nghe – nói – đọc tiếng Việt, yêu tiếng Việt thì sẽ hiểu và yêu môn học. Một đặc điểm nữa là người Mông có tính tự hào, tự tôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói dân tộc rất cao. Vì vậy, khi được học tài liệu song ngữ Việt – Mông, các em rất hào hứng, tỏ ra yêu thích, chăm chỉ”, cô Huyền chia sẻ.
Thấy mây kéo phủ đen trên đỉnh Pu xai lai leng, chúng tôi vội xin phép các thầy cô Trường Phổ thông bán trú Tiểu học và THCS Na Ngoi xuống núi. Đi được vài kilomet, cơn mưa rừng đã ào xuống. Chúng tôi biết, phía sau lưng mình, mùa nắng hay mưa, vẫn luôn có những thầy giáo, cô giáo nối tiếp ở lại với miền rẻo cao, nơi biên cương miền Tây xứ Nghệ, tạo một thế hệ mới luôn nặng lòng và miệt mài “gieo chữ” cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Tiến sĩ Lã Thị Thanh Huyền.

                                                                                                                                                                                                           PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top