Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hương ước, quy ước phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cộng đồng

Thứ Tư 22/03/2023 | 12:20 GMT+7

VHO- Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ -TTg ngày 8.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước, số lượng hương ước, quy ước ngày càng tăng trên tổng số xã, phường, thôn, bản, ấp trên cả nước. Điều này khẳng định hương ước, quy ước đóng vai trò quan trọng trong xã hội từ nông thôn đến thành thị, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, văn minh.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà văn hoá, nhà khoa học gồm: PGS. TS Vương Xuân Tình (nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); PGS. TS Vũ Duy Mền (Viện sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), PGS.TS Trần Hữu Sơn (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng); TS. Hoàng Minh Thái (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL); TS Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Phạm Thị Hồng, Phó Ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng đại diện một số lãnh đạo các đơn vị của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL các địa phương. Các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị định, đặc biệt thống nhất quan điểm HƯQƯ là của dân, của cộng đồng, có vai trò cực kỳ quan trọng, đề cập đến những điều pháp luật chưa quy định.  Không nên có một mẫu chung cố định cho hương ước, quy ước mà tùy từng vùng, từng khu vực sẽ có cách thể hiện khác nhau. Để xây dựng HƯQƯ cần lấy ý kiến của nhân dân bằng các cuộc họp, trao đổi. HƯQƯ cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, không nên "ôm đồm" những điều pháp luật đã quy định, mà chỉ quy định những vấn đề pháp luật chưa vươn tới, những vấn đề tế nhị, nhạy cảm…

Hiện Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến các chuyên gia, nhà văn hoá và nhân dân để xây dựng báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 22, tiến tới hoàn thiện dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng dân cư.

Ông Phạm Cao Thái Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) phát biểu tại hội thảo

Tại cuộc toạ đàm về lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22 và dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư do Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) tổ chức tại Ninh Bình mới đây, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 và nhận bàn giao từ Bộ Tư pháp, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021 với mục tiêu tổng quát nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao hiệu lực, hiểu quả trong công tác thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, cuộc sống văn minh. Bên cạnh đó, năm 2020 Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện HƯQƯ. Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22, đến nay, Bộ VHTTDL lấy ý kiến từ các địa phương, chuyên gia, nhà văn hoá nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 tới.

Thực tế cho thấy, xuất hiện từ thời kỳ phong kiến, sau nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc phát triển mạnh mẽ, có lúc âm thầm nhưng hương ước, quy ước luôn khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống cư dân, làng xã, thôn bản. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nội dung chính của hương ước, quy ước chủ yếu đề cập đến vấn đề thờ cúng, an ninh trật tự, các quan hệ về ứng xử, công ích - công lợi, khuyến học - khuyến nông, môi trường, thưởng phạt. Mỗi làng có thể có hình thức khác nhau, thể hiện, dài ngắn khác nhau, ngắn nhất có khoảng 12 - 15 điều, dài nhất khoảng 100 điều cá biệt như hương ước làng Giáp Nhất của huyện Duy Tiên (Hà Nam) có 264 điều. “Đặc điểm cơ bản và những nguyên tắc của hương ước, quy ước là phải là phản ánh bằng văn bản, là quy phạm xã hội và tự nguyện thực hiện, cộng đồng cùng thực hiện. Trong đời sống xã hội, hương ước, quy ước quy định các vấn đề liên quan đến sản xuất, học hành, giải quyết tranh chấp nhưng phạm vi nhỏ trong nhân dân, duy trì thuần phong - mỹ tục, các chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc, góp phần thực hiện chính sách nhà nước và xây dựng nếp sống văn minh”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

PGS. TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo

Theo dự thảo báo cáo, hiện nay toàn quốc có khoảng 98. 455 xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố (số liệu của Bộ Nội vụ năm 2020) và theo số liệu thống kê đến 31.12.2022, số tổ dân phố, thôn, làng, bản, ấp có hương ước, quy ước là 75.468, chiếm tỉ lệ 76,6% trên tổng số thôn, tổ dân phố; trong đó tỉ lệ này năm 2018 là 76,2%. Đặc biệt, có 27/63 tỉnh, thành phố có 100% các thôn tổ phân số có hương ước, quy ước được công nhận. Đồng thời, có 10 tỉnh, thành có 2.000 – 4.000 HƯQƯ như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn La, Phú Thọ, Đắk Lắk…

Một số tỉnh có cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phổ biến, thực hiện như Đắk Lắk, các bản hương ước, quy ước được quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thông qua việc in ấn, gửi thông qua mạng xã hội zalo, thông qua hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật hay ở các hội nghị và dán tại các UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hoá cộng đồng, thôn, buôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện. Tại Quảng Nam, các bản hương ước, quy ước được các thôn, tổ dân phố trên địa bàn phổ biến tại hội nghị Đại đoàn kết các dân tộc ngày 18.11 hằng năm để người dân nắm và thực hiện. Đặc biệt, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh  Thái Bình có 95% đám cưới, 97% đám tang hoặc 95% lễ hội đã thực hiện tốt nếp sống văn minh. Điều này cho thấy, hương ước, quy ước đã cùng với các phong trào thi đua thấm dần vào đời sống của người dân.

Quang cảnh hội thảo

Dù vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thực hiện hương ước, quy ước mang tính hành chính hóa, áp đặt, chưa thực hiện dân chủ. Nhiều hương ước, quy ước chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cộng đồng mà dập khuôn máy móc, có nơi lập để cho đủ. Từ thực tế đó cần đặt ra 5 yêu cầu cho việc xây dựng dự thảo Nghị định về hương ước, quy ước là phải thực hiện dân chủ cơ sở và các quy định pháp luật liên quan; kế thừa tối đa các quy định của Quyết định 22; khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; giải quyết được những mối quan hệ pháp luật hóa quy phạm xã hội.

"Dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng dân cư gồm 4 chương, 24 điều, với cấu trúc khác so với Quyết định số 22. Cụ thể, Quyết định  số 22 có hẳn một chương cho nội dung xử lý vi phạm nhưng chúng tôi thiết kế ở dự thảo Nghị định không đặt nặng vấn đề xử lý vi phạm. Vì hương ước, quy ước là cả một quá trình cộng đồng thỏa thuận với nhau với nhau, lúc có thể thế này, lúc có thể thay đổi thế kia nên không phải cái gì cũng là vi phạm. Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định có 11 điểm mới so với Quyết định số 22, trong đó chúng tôi bổ sung thêm hai nguyên tắc là bảo vệ lợi ích nhà nước và chỉ thực hiện trong phạm vi thôn, ấp, xã, thôn. Trước đây chỉ có trưởng thôn, tổ trưởng dân phố mới được đề xuất soạn thảo hương ước, quy ước nhưng dự thảo cho phép các công dân ở sống trên địa bàn cũng có quyền đề xuất trong việc xây dựng hương ước, quy ước. Bổ sung các hình thức lấy ý kiến, như thực hiện qua mạng trực tuyến (thay vì qua các cuộc hội họp, lấy ý kiến trực tiếp) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trước kia ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo cho việc thực hiện quản lý hương ước, quy ước, còn cộng đồng dân cư tự huy động để triển khai nên nhiều nơi gặp khó khăn trong kinh phí dẫn đến việc không khả thi trong thực hiện hương ước, quy ước. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định đã bổ sung hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho cộng đồng thực hiện HƯQƯ”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho hay.

QUỲNH HOA; ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top