Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Phát huy hơn nữa vai trò của tuổi trẻ để phát triển văn hóa

Thứ Tư 22/03/2023 | 12:00 GMT+7

VHO-Sáng 22.3, tại Trụ sở Chính phủ, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc đối thoại cuộc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian trực tiếp đối thoại với thanh niên. Đây là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ để xây dựng đất nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.Đồng thời sự kiện thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ với thanh niên vì sự phát triển thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

“Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương, chính sách pháp luật về thanh niên vào cuộc sống; có tác động sâu sắc, tích cực, hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số”, Bộ trưởng Phạm Thanh Trà nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị hơn nữa phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản

Với ý nghĩa đó, buổi đối thoại hôm nay được đặt ra với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", tôi đề nghị các bạn đoàn viên, thanh niên hãy hăng hái bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình để hiến kế với Chính phủ, các bộ ngành giải đáp những băn khoăn, trăn trở cũng như mong muốn của các bạn; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thanh niên, hiện thực hóa mục tiêu chăm lo, phát triển toàn diện, xây dựng thế hệ thanh niên xứng đáng là "rường cột" của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Tại buổi đối thoại, nhiều các đoàn viên thanh niên trên khắp cả nước đã đặt nhiều câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành về nhiều vấn đề đang được thanh niên hết sức quan tâm hiện nay.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, trong không khí phấn khởi của cuộc đối thoại khiến mỗi người tham dự đều muốn "ngày nào cũng là ngày thanh niên, tháng nào cũng là tháng thanh niên, năm nào cũng là năm thanh niên". Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các đại biểu tại các điểm cầu.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao đổi, chia sẻ với thanh niên tại buổi đối thoại 

Tại buổi đối thoại, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đặt câu hỏi: Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ thông tin trong thời đại số, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã lấy yếu tố dân gian, dân tộc để làm chất liệu chính trên các sản phẩm công nghiệp văn hoá, mang lại những giá trị tích cực cũng như góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-văn hoá, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên những sản phẩm văn hoá của Việt Nam vẫn chưa có đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế, chúng ta cũng đang chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia. Kính mong Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo có sự quan tâm kịp thời cũng như có những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Triển khai Nghị quyết của Đảng về công nghiệp văn hoá, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện Chiến lược này, Chính phủ xác định có 12 nhóm ngành thuộc về công nghiệp văn hoá và chúng ta phải nỗ lực để xây dựng. Với cách tiếp cận, tổ chức thực hiện việc phát triển công nghiệp văn hoá, dựa trên các trụ cột là tài nguyên văn hoá của Việt Nam, bước đầu chúng ta đã thu được kết quả. Như trước đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 3,61% GDP cả nước. Kết quả đó thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp, những người làm văn hoá đã nỗ lực đưa nền công nghiệp văn hoá Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển.

Tuy vậy, công nghiệp văn hoá của chúng ta đang đi sau, đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội hàm về công nghiệp văn hoá cũng được Trung ương quan tâm, xem xét để đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL đang cơ cấu lại ngành công nghiệp văn hoá có lợi thế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm

Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đang tham mưu cho Chính phủ trong việc tổng kết Quyết định 1755 về chiến lược văn hóa và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hoá.

"Nếu chúng ta không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển. Các quốc gia phát triển theo hướng bền vững cũng dựa trên điều này. Hàn Quốc, một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hoá, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hoá, như chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy", Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Chúng tôi cũng đang cơ cấu lại ngành công nghiệp văn hoá có lợi thế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chúng ta phải tăng cường hơn cho lĩnh vực du lịch văn hoá bởi sản phẩm du lịch bắt đầu từ sản phẩm của văn hoá. Trong thực tiễn, du lịch đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, và từng bước tiến gần các chính sách của nó là ngành kinh tế tổng hợp. Đó là lĩnh vực của nghệ thuật biểu diễn, là nhóm ngành cần được quan tâm. Đó là lĩnh vực điện ảnh, chúng ta có trường quay tự nhiên đẹp, không gian tốt cũng như nhiều đại diện tài năng. Vấn đề là liên kết để có nhiều bộ phim. Trong thực tiễn chúng ta cũng đã có nhiều bộ phim mang lại doanh thu lớn”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, muốn làm như vậy phải có 4 giải pháp, hay nói cách khác là dựa trên 4 trụ cột. Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, trong đó tập trung để hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những người thực hành văn hoá ở lĩnh vực này phải bám sát trụ cột tài nguyên văn hoá, bởi tài nguyên văn hoá của chúng ta hết sức phong phú, đa dạng.

Thứ hai, phải dựa trên khoa học công nghệ. Muốn công nghiệp văn hoá phát triển, yếu tố cơ bản vẫn phải là khoa học công nghệ.

Thứ ba là truyền thông. Cuối cùng là vấn đề bảo hộ. Cần ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để đánh cắp bản quyền, gây thiệt hại cho nền công nghiệp văn hoá vốn đang non trẻ của chúng ta.

Trao đổi thêm về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nếu phát triển được công nghiệp văn hóa thì sẽ mang lại lợi ích rất to lớn. Gần đây, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc và vừa kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với tinh thần "dân tộc – khoa học – đại chúng". Các nhiệm kỳ gần đây, chúng ta cũng chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa và cần quan tâm nhiều hơn nữa để thực hiện chủ trương của Đảng là đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn hóa còn thì dân tộc còn.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, hào hùng. Theo Thủ tướng, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa, vừa kế thừa truyền thống, vừa vận dụng sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

Thủ tướng cho rằng, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có những chuyển động lớn cả về mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành để phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, Thủ tướng đề nghị hơn nữa phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản.  Thủ tướng đề nghị các bạn trẻ tham dự đối thoại mạnh dạn phát biểu thêm những suy nghĩ, ý tưởng về vấn đề hết sức hệ trọng này.

Cũng tại buổi đối thoại, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành trao đổi, chia sẻ với thanh niên về vấn đề giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0; giải pháp  để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới; lao động trẻ cần có trang bị thêm kỹ năng, đào tạo lại kỹ năng cần thiết; giải  pháp để chăm lo sức khỏe, nâng cao thể chất cho thanh niên…

TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top