Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm “Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri”

Thứ Tư 22/03/2023 | 22:41 GMT+7

VHO - Tối 22.3, Hội Mỹ thuật TP.HCM khai mạc Triển lãm “Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri”. Tham dự có Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên, đông đảo văn nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng cả nước và công chúng yêu mỹ thuật đã đến thưởng lãm và chúc mừng người họa sĩ tài hoa.

Họa sĩ Đào Minh Tri bày tỏ xúc động tại triển lãm

Triển lãm trưng bày gần 60 tác phẩm chọn lọc từ 50 năm sáng tạo nghệ thuật trên các chất liệu bột màu, sơn dầu và sơn mài. Đặc biệt là những tác phẩm bột màu trên giấy, sáng tác chủ yếu trong những năm 1970, 1980 - đây là những tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ Đào Minh Tri. Theo Hội Mỹ thuật TP, sự kiện nhằm tôn vinh nghệ thuật, ghi nhận những đóng góp của họa sĩ Đào Minh Tri đối với mỹ thuật TP.HCM nói riêng và mỹ thuật trong nước nói chung.

Họa sĩ Đào Minh Tri sinh năm 1950, ông tốt nghiệp hệ sơ trung (7 năm) và hệ đại học (5 năm) Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 1976. Sau thống nhất, ông từng tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và nguyên là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM (2005-2008).

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên cho biết, từ những năm 1970, khi còn là sinh viên, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những tác phẩm mỹ thuật rất ấn tượng, làm cho các thầy trò Trường Mỹ thuật Việt Nam lấy đó là tấm gương để học tập. Chính những tác động trong sáng tác của ông, mà nhà trường đã có những thay đổi trong tư duy cũng như mô hình đào tạo, bắt đầu cho sinh viên hoặc khuyến khích sinh viên thể hiện cá tính của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Ông đã tiếp cận rất sớm với các nền hội họa hiện đại của thế giới. Khi mỹ thuật miền Bắc còn tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh thống nhất, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những sáng tạo hội họa đậm tinh thần cá nhân độc đáo và hoàn toàn khác với đặc trưng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đang là tiếng nói đại diện chính thống duy nhất. Rất nhiều tác phẩm tranh bột màu của ông giai đoạn này cho thấy mối quan tâm tới nghệ thuật hiện đại quốc tế, tới những tên tuổi lớn như P.Picasso, H.Matisse, M.Chagall, J.Miró..., đồng thời chúng cũng bộc lộ ý thức coi đời sống tinh thần cá nhân mang bản sắc độc sáng là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo nghệ thuật. 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, hoạ sĩ Đào Minh Tri “nhô” ra như hình ảnh đầu tiên về thế hệ thứ nhất của Đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn bày tỏ, “Ngay từ giữa những năm 1970, Đào Minh Tri đã “nhô” ra như hình ảnh đầu tiên về thế hệ thứ nhất của Đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam, cứng cỏi làm “thế hệ tiền trạm” khi quả quyết xoay chuyển nhanh trong thập kỷ 1980 về ý thức thẩm mỹ và ngôn ngữ hội họa. Đào Minh Tri như một loại cây gai bẩm sinh tự xòe nhọn, tự xoay mở để phá vỡ không gian kinh viện khi kín đáo gây sốc thị giác trong hình sắc như bùa chú của bức họa.

Cùng những nét ngẫu hứng trên giấy và buông nhẹ mực tàu trên mặt lụa trong, tranh sơn mài của họa sĩ Đào Minh Tri có sức quyến rũ thầm lặng và khó cũ với các thế hệ đến sau. Ông để ngỏ mọi cửa vào, lối ra nơi bức họa như một thách thức vừa ngạo nghễ, vừa dịu dàng. Lẳng lặng một ngôi vị đương nhiên, chẳng cần phải chiếm chỗ của bất kỳ ai, họa sĩ Đào Minh Tri là một dung nhan đáng yêu, khó bỏ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”.

Các đồng nghiệp đánh giá rất cao tài hoa và phong cách sáng tác của họa sĩ Đào Minh Tri 

Triển lãm “Ngược dòng” đánh dấu và trưng bày sự đa dạng trong thực hành nghệ thuật của danh họa Đào Minh Tri. Họa sĩ Nguyễn Xuân Thiệp nhấn mạnh, “Nghệ thuật của họa sĩ Đào Minh Tri là khác biệt trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông là một trong những đại diện lớn của mỹ thuật nói riêng và văn hóa người Việt nói chung”. 

Theo họa sĩ Ca Lê Thắng, “Đã xem nhiều tác phẩm của anh, có những điều mà tôi đã tưởng hiểu anh ấy sau hàng chục năm sống và làm việc bên cạnh nhau, nhưng loạt tranh giấy này cho tôi nhiều sự ngạc nhiên, hiểu anh hơn. Ngạc nhiên về cách trình bày cảm xúc qua rất nhiều cung bậc trên hàng trăm tranh giấy, tranh nhỏ nhưng chứa đựng nhiều suy tư về cuộc sống, cảm nhận về con người và xã hội, đó là những trang nhật ký sống động của một tâm hồn nhạy cảm”. Theo họa sĩ, những bức sơn mài của Đào Minh Tri là kết quả của sự liền mạch, không đứt đoạn trong cảm xúc và trong thao tác, còn những bức tranh giấy, mặc dù kích thước nhỏ nhưng chứng tỏ nội lực sáng taọ mạnh mẽ, bề dày tri thức, chiều sâu của nghề, một vỉa quặng vô tận chỉ mới được khai thác một phần nhỏ. Xem các bức tranh giấy nhỏ này ta cảm thấy có một cơ thể sống, một hạt mầm đang sinh sôi và tiếp tục đâm chồi. 

Triển lãm lần này trưng bày những tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ Đào Minh Tri

Nửa thế kỷ hoạt động sáng tác nghệ thuật của Đào Minh Tri ghi dấu qua các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân và tập thể liên tục ở trong và ngoài nước. Đặc biệt với thể loại tranh sơn mài, ông đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền kỹ thuật thẩm mỹ, văn hóa truyền thống. Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập trong nước và quốc tế.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22-28.3, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top