Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thay đổi tư duy khi xây dựng chính sách phát triển du lịch

Thứ Năm 23/03/2023 | 20:56 GMT+7

VHO- Nhiều tiềm năng nhưng phát triển du lịch chưa tương xứng, đặc biệt là việc phục hồi thị trường quốc tế sau dịch Covid-19 của Việt Nam còn chậm so với các nước trong khu vực. Đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp đồng bộ để tạo đòn bẩy phục hồi khách quốc tế.

Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch thảo luận tại Toạ đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức

Trong Toạ đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22.3, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến hết sức cụ thể, thiết thực nhằm phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển.  

Định vị lại thương hiệu và sản phẩm để thu hút khách

Lấy ví dụ việc phát triển du lịch trước dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch của Thái Lan, bà Nguyễn Thị Lê Hương, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Vietravel đánh giá cao cách làm du lịch của nước này. Thái Lan nằm trong top 10 nước thu hút khách quốc tế lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, Thái Lan luôn đứng số 1 trong ASEAN về phát triển du lịch.

“Xứ sở chùa Vàng” luôn có những chiến lược rất hợp lý để thu hút khách quốc tế và phát triển du lịch nói chung. Mới đây, đất nước triệu voi này đã đưa ra chiến lược A-B-C. Trong đó A là Additional- kết nối các thành phố du lịch quan trọng với những điểm đến mới. B là Brand New- xúc tiến du lịch và C là Combined, kết nối các điểm đến mới và cũ thành một tour có định hướng bài bản.

"Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không kém Thái Lan, có nhiều di sản, có bãi biển dài. Vấn đề là cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút khách, cần định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, phù hợp xu hướng của khách”, Phó tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương nêu ý kiến.

Đơn cử như các tour Đông- Tây Bắc, trước đây khách chỉ đến Sa Pa (Lào Cai), nhưng hiện nay, Hà Giang đã trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách. Qua đó cho thấy rất cần phải đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng những tour hợp lý để khách có sự lựa chọn, nhất là trong xu hướng khách đi nhóm nhỏ, đi ngắn ngày, lựa chọn nghỉ dưỡng kết hợp với làm việc, trải nghiệm kết hợp giải trí.

Phó tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương

Liên quan đến chính sách thị thực, bà Nguyễn Thị Lê Hương cho rằng, chính sách visa của Việt Nam đang có tiến bộ với 80 nước được cấp visa điện tử, 25 nước được miễn visa song phương và đơn phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có rào cản là với những du khách tới từ các nước không có visa điện tử và không được miễn visa phải có người ở trong nước đưa đi, theo sát hành trình trong thời gian họ ở Việt Nam. Đó là một rào cản kỹ thuật có thể khiến du khách khách không muốn tới Việt Nam. Bà Lê Hương cho rằng, cần xem xét lại gỡ bỏ rào cản này bởi với những nhóm nhỏ du khách muốn đến Việt Nam nhưng không có ai quen ở Việt Nam họ sẽ chuyển sang điểm đến khác.

Tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành Du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động truyền thông quốc tế, quảng bá hiệu quả du lịch Việt Nam, các giải pháp thu hút vốn đầu tư tư nhân trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, các giải pháp liên kết tạo sức mạnh cộng hưởng trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm chi phí cho du khách,…

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Về công tác quảng bá, chúng ta đã đa dạng hóa nhiều kênh khác nhau, nhưng sự đầu tư của ngành Du lịch nói riêng, của nhà nước nói chung cho công tác này chưa tương xứng về mặt tài chính. Vì thế, chúng ta không thể tham gia hoặc có tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của khu vực và thế giới với quy mô nhỏ”

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào của Việt Nam ở nước ngoài. Trước dịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh do công ty PC Agency (Anh) vận hành. Tuy nhiên, có lẽ vì Covid-19 nên văn phòng này đã không còn hoạt động.

Việt Nam cần quan tâm đến những thị trường tiềm năng nhất để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến

Trong khi đó, “đối thủ” trực tiếp của chúng ta là Thái Lan hiện có tới 29 văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở nước ngoài gồm: 18 văn phòng đại diện ở châu Á; 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ, trong đó họ có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Về văn phòng du lịch đại diện ở nước ngoài, năm 2019, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng.

Ông Long cho rằng, mặc dù một số công ty du lịch lớn của Việt Nam cũng có văn phòng đại diện ở nước ngoài, nhưng cần phải có văn phòng đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam để tạo sự tin tưởng với các đối tác và du khách.

Mặt khác, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.

Việt Nam cần quan tâm đến những thị trường tiềm năng nhất để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến như: thị trường châu Âu, Đông Nam Á và Ấn Độ. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã đi vào hoạt động từ năm 2022 cũng cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Về phát triển kinh tế đêm, theo ông Long, đây là điều cần thiết để níu chân du khách và tăng mức chi tiêu của du khách. Thông thường, khách sẽ chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ ăn uống, giải trí và có xu hướng đi mua sắm nhiều hơn vào ban đêm. Sở dĩ lượng khách quốc tế trở lại Thái Lan nhiều lần hơn cũng nhờ kinh tế ban đêm của họ rất hấp dẫn, chứ không phải vì “xứ sở chùa vàng” có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hơn Việt Nam.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu

Cần phải thực thi đầy đủ, kịp thời, quyết liệt các giải pháp, chính sách phát triển du lịch

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: “Ngành du lịch và nông nghiệp được dự báo là những ngành có đóng góp quan trọng trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm 2023. Đối với tư duy chính sách để phát triển ngành Du lịch, chúng ta cần suy nghĩ rộng hơn không chỉ giới hạn ở sự thuận tiện và di chuyển của con người. Để thu hút khách du lịch, Việt Nam cần thay đổi chính sách cũng như các hạ tầng liên quan để khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn”.

“Việt Nam có rất nhiều chính sách để phát triển du lịch. Ví dụ như Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.... đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ rất cụ thể. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách, chiến lược này đến đâu thì phải đánh giá lại. Cần phải thực thi đầy đủ, kịp thời các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Hơn 2 năm chiến lược được phê duyệt, nếu chỉ cần thực hiện được 1/5 những giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược thôi ngành Du lịch đã có thể có rất nhiều thay đổi rồi”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, Thái Lan đã hành động rất mạnh mẽ và quyết liệt để mở cửa kinh tế trong vòng 125 ngày với dự án Phuket sandbox. Họ làm mọi cách để đạt được mục tiêu. Việt Nam cũng mở cửa khi đủ điều kiện về kiểm soát an toàn và dịch bệnh, tuy nhiên chúng ta chưa có đột phá. Do đó, chúng ta phải thay đổi tư duy thì hành động sẽ quyết liệt hơn.


Các đại biểu đã đưa ra ý kiến hết sức cụ thể, thiết thực nhằm phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển

Ông Dương Minh Đức, Phó Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng nhấn mạnh việc phải tăng cường công tác quảng bá và liên kết để hút khách. Năm 2022 đã định hình và gia cố một số xu hướng du lịch chính và nó sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ví dụ như xu hướng du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ và cá nhân hoá trải nghiệm, xu hướng du lịch giải trí và làm việc từ xa (hay còn gọi là bleisure), hoặc kết hợp công tác với nghỉ dưỡng. Từ những xu hướng này, Saigontourist cũng có những thích ứng về sản phẩm và dịch vụ đưa ra cho khách.

Hay như mới đây, tạp chí Travel Leisure đánh giá Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho du khách muốn có trải nghiệm ẩm thực và “Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2022” đã được giải thưởng ẩm thực thế giới (World Culinary Awards). Ẩm thực Việt Nam vì thế cần được quảng bá rộng rãi hơn tới du khách, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài.

Đối với Saigontourist, chúng tôi nhận thấy khách tàu biển và khách MICE phục hồi rất tốt, trong tháng 3 này chúng tôi đã đón 8 chuyến tàu biển quốc tế cao cấp cập bến tại Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, và đón 23 ngàn lượt khách quốc tế. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ đón tổng cộng 30 chuyến tàu biển, 72 lượt tàu cập cảng và trên 170 ngàn lượt khách quốc tế.

Để đưa ra giá tốt nhất cho khách hàng, Saigontourist Group đã ký hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines. TP.HCM cũng đã có các chương trình liên kết với đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương để hình thành nên các tour tuyến liên vùng. Ngoài ra sẽ còn có các chiến lược và định hướng để khai thác thế mạnh và đặc trưng về văn hoá của từng địa phương, từng vùng. Để các doanh nghiệp liên kết với nhau mạnh mẽ hiệu quả hơn nữa, chúng tôi cần chính sách hỗ trợ và nhà nước cần giữ vai trò là tổng đạo diễn.

Bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam

Bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam cho biết: “Đối với kinh tế Thái Lan, du lịch đóng vai trò then chốt với mức đóng góp lên tới 23% GDP. Từ năm 2019 đến 2020, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đã giảm mạnh từ 40 triệu (năm 2019) xuống còn 6,7 triệu (năm 2020). Các thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất là Phuket, Bangkok và Chonburi. Đây là những nơi mà du lịch đóng góp 65% thu nhập của người dân.

 Để phục hồi ngành du lịch, Thái Lan đã chuẩn bị cho cơ chế Hộp cát Phuket (Phuket Sandbox). Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với giới tư nhân, những người cung cấp dịch vụ du lịch, sử dụng đội tuyển bóng đá quốc gia làm đại sứ để đưa ra một mô hình mở cửa trở lại với vai trò của Chính phủ trong việc đảm bảo y tế công cộng.

“Chúng tôi đã thiết lập trung tâm phản ứng Covid-19 cấp quốc gia giống như Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng tìm cách phân cấp phân quyền cho các địa phương để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến chống dịch. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là mở cửa lại đất nước trong 180 ngày và trong quá trình đó thì tất cả các tổ chức và đơn vị liên quan đều đếm ngược, tất cả mọi người đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình mở cửa trở lại. Chúng tôi tìm cách để nâng mức du lịch trong nước trong khi đợi khách du lịch nước ngoài quay trở lại. Với việc giảm giá các dịch vụ bay, đi lại, lưu trú, để tạo ra nguồn thu cho ngành du lịch nếu không họ không sống nổi qua thời kỳ đại dịch”, bà Nareekarn cho biết.

Đó còn là hợp tác công tư giữa các bộ, ngành với các địa phương và khu vực tư nhân. Thái Lan áp dụng công nghệ thông tin và sử dụng số liệu thống kê để đưa ra các chính sách phù hợp. Một yếu tố nữa là hợp tác quốc tế như ký Ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Thái Lan và Ấn Độ để tạo ra bong bóng du lịch, với Ả rập xê út sau khi chúng tôi phục hồi quan hệ giao thương. Ngoài ra thu hút các loại khách du lịch đặc thù như khách đến chơi golf, chăm sóc sắc đẹp, giới LGBT.

Sau Covid nước này cũng nỗ lực đưa ra hình ảnh Thái Lan là một điểm đến rất đa dạng, phong phú với chiến dịch quảng bá “Amazing Thailand, from A to Z”. Họ tập trung vào thông điệp mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, đa phong cách cho nhiều đối tượng. Thái Lan đã có bước tăng trưởng từ sau Covid tuy nhiên vẫn chưa phục hồi được như khi chưa có dịch. Năm 2022 Thái Lan thu hút được 11 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Khách du lịch Việt Nam đến Thái Lan chiếm 4,4% năm 2022 và 3,3% tính đến thời điểm này trong năm nay.

Bài học thành công của Thái Lan trong phục hồi sau dịch Covid-19 cho thấy, các yếu tố đóng góp thành công cho việc mở cửa du lịch tại Thái Lan chính là tạo ra môi trường chính sách kiến tạo.

NGUYỄN ANH; ảnh: CHÍ CƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top