Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Không được áp dụng hình phạt phản cảm đối với học sinh

Thứ Sáu 24/03/2023 | 10:36 GMT+7

VHO- Mới đây, hai clip chia sẻ nội dung về một nữ sinh đứng ở bục giảng bị giáo viên cầm kéo cắt tóc gây xôn xao dư luận. Theo đó, nữ sinh này mặc đồng phục, có bộ tóc khá dài và bị cô giáo bắt đứng trước lớp. Cô giáo liên tiếp đưa ra lời khiển trách nữ sinh. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi nữ giáo viên tầm trung tuổi cầm kéo cắt tóc nữ sinh. Sự việc diễn ra cách đây vài ngày tại lớp 10A10, Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). 

 Ngay sau khi clip được chia sẻ đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Có ý kiến cho rằng, học sinh vi phạm nội quy nhà trường thì trước hết phải nhắc nhở, nếu vẫn không nghe có thể đình chỉ học. Dù cho có là giáo viên hay là gì đi chăng nữa thì cũng không có quyền xâm phạm đến thân thể của người khác. Có người phản ứng gay gắt rằng, đây là hành vi rất phản cảm của giáo viên, là một hình thức lạm dụng các hình thức xử phạt đối với học sinh, cần phải được lên án và xử lý nghiêm để răn đe. Không chỉ vụ việc nêu trên mà thời gian qua, tình trạng giáo viên lạm dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh diễn ra phổ biến. Khi học sinh mắc lỗi thì bị giáo viên áp dụng các hình phạt như quỳ, úp mặt vào tường, cho nghỉ học, “bêu tên”, uống nước giẻ lau bảng hoặc có hành vi đánh đập gây thương tích cho học sinh…
Những hình thức kỷ luật, xử phạt như vậy xảy ra khá thường xuyên nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, khiến cho tình trạng này ngày càng biến tướng, khắc nghiệt, làm giảm đi sự tôn nghiêm, kính trọng của học sinh đối với người thầy. Khi nhìn thấy những hình phạt như vậy, nhiều học sinh không khỏi hoang mang, lo lắng; học sinh bị phạt thì lo sợ, bỏ học, trầm cảm, năng lực học tập thì ngày càng sa sút. Một số em bất mãn về mách với phụ huynh, sau đó phụ huynh làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi; nhiều em học sinh nhờ người quen vào trường đánh giáo viên để trả thù hoặc có trường hợp chính học sinh phản kháng lại hình thức kỷ luật, xử phạt đó như bóp cổ cô giáo, đâm trọng thương thầy giáo…
Thực trạng nêu trên cho thấy, hiện nay nhà trường chưa có chuẩn mực trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Nhiều giáo viên áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh một cách tùy tiện, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của học sinh; nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng khó có thể khắc phục.
Khi các hình thức kỷ luật, xử phạt phản giáo dục đối với học sinh bị phát hiện thì nhiều giáo viên bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc, có trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động… Đây là điều rất đáng tiếc, bởi giáo viên áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, phản cảm là do nóng nảy, thiếu kiềm chế, chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống trong việc quản lý và giáo dục học sinh.
Ở lứa tuổi học sinh, do tính hiếu động, muốn thể hiện mình hoặc chưa quen với ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành nội quy, quy chế của lớp, của nhà trường còn hạn chế hoặc học sinh còn ham chơi, không nghe lời cô giáo… là chuyện thường tình. Đối với những trường hợp này, giáo viên cần phải nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý tình huống; đối với học sinh bướng bỉnh, cá biệt trong lớp thì nên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh để có hướng xử lý, giáo dục. Khi quyết định các hình thức kỷ luật, xử phạt nặng đối với học sinh thì cần phải thống nhất với phụ huynh và các hình phạt đó phải nằm trong phạm vi cho phép.
Để hạn chế tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức kỷ luật, xử phạt đối với học sinh, ngành Giáo dục cần có quy định cụ thể về các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Các hình thức kỷ luật, xử phạt này phải mang tính giáo dục, không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của học sinh. Khi giáo viên áp dụng sai các hình thức kỷ luật, xử phạt thì phải bị xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, học sinh, phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền giám sát, phản biện và tham gia ý kiến đối với các hình thức kỷ luật, xử phạt mà giáo viên đã áp dụng. Có như vậy, mới hạn chế tình trạng lạm dụng các hình thức kỷ luật,  xử phạt của các giáo viên đối với học sinh hiện nay. 

ĐỖ VĂN NHÂN 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top