Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Biểu diễn Tuồng, điểm hẹn văn hóa học đường

Thứ Sáu 24/03/2023 | 11:07 GMT+7

VHO- Nghệ thuật Tuồng đã và đang nỗ lực lan tỏa sức sống đến với đông đảo khán giả trẻ, thể hiện bằng việc “bước vào” trường học, từ đó khơi gợi, nuôi dưỡng tình yêu của lớp trẻ đối với loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc.

 Biểu diễn các trích đoạn Tuồng tại Trường Tiểu học Tây Hồ (Đà Nẵng)

Đến hẹn lại lên, trong dịp tháng 3 này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) tổ chức chương trình Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường. Tại đây, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã biểu diễn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến và tổ chức giao lưu giữa nghệ sĩ - học sinh, giải đáp thắc mắc cho các em về nghệ thuật Tuồng xứ Quảng. Cùng với đó, Nhà hát cũng đến với Trường Tiểu học Núi Thành, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường Tiểu học Tây Hồ... Chương trình diễn ra trong bầu không khí vui tươi và tràn đầy thích thú khi các em được xem giới thiệu mặt nạ Tuồng, trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân

Dù còn nhỏ nhưng Nguyễn Hoàng Kim Bảo (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP Đà Nẵng) khá am hiểu về cách hóa trang, lời thoại trên sân khấu Tuồng. Sự yêu thích, am hiểu đó là kết quả của những lần Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về diễn tại Nhà trường. “Em và bạn bè đam mê nhiều thể loại âm nhạc, múa hiện đại khác, nhưng với Tuồng chúng em cũng thấy rất hay và hào hứng, bởi nội dung các vở diễn đều gắn với các nhân vật lịch sử quen thuộc mà chúng em được học trong sách giáo khoa. Lê Lai cứu Chúa là một trong những trích đoạn ấn tượng nhất với em, em mong được xem biểu diễn Tuồng thường xuyên hơn”, Kim Bảo bày tỏ.

Với Hồ Nguyệt Anh (lớp 5 Trường Tiểu học Tây Hồ, TP Đà Nẵng), xem Tuồng cũng chính là tìm hiểu về lịch sử Việt Nam một cách dễ nhớ nhất: “Truyện Thạch Sanh cứu công chúa thì em được nghe bà với mẹ kể nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên em được xem qua Tuồng. Cả lớp em bạn nào cũng thấy hay, hấp dẫn và muốn được xem thêm”.

Cô Nguyễn Thị Hoài An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ cho biết: “Đây là năm thứ 4 nhà trường kết hợp với Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh mang Tuồng đến với học sinh. Nhận thấy học sinh Đà Nẵng ngày càng ít được tiếp cận và hiểu biết hạn chế về nghệ thuật truyền thống, các thầy cô rất trăn trở và mong muốn truyền giảng giá trị của nghệ thuật Tuồng tới thế hệ trẻ. Thông qua những trích đoạn nghệ thuật phù hợp, các nghệ sĩ đã đưa đến cho học sinh một chương trình nghệ thuật đặc sắc và phù hợp, khiến cho thầy và trò mê mẩn xem không muốn rời mắt. Mong rằng sau những chương trình này, các em sẽ yêu thích Tuồng nhiều hơn, góp phần giữ gìn bản sắc và luôn tự hào với nghệ thuật dân tộc Việt Nam”.

Từ năm 2016, chương trình Đưa Tuồng vào học đường liên tục được liên kết tổ chức ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngoài việc phối hợp với các trường học, biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ của thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng liên kết với ngành Giáo dục tổ chức đưa đoàn về diễn tại các vùng nông thôn ở Hòa Vang, các huyện của Quảng Nam để lan tỏa tình yêu Tuồng đến với người dân nói chung và lớp khán giả trẻ nói riêng. Qua đó phát hiện ra nhiều diễn viên tài năng bổ sung cho đội ngũ diễn viên kế cận của Nhà hát. “Những lớp diễn viên Tuồng có thể bắt nguồn từ những tài năng ca hát, đặc biệt là dân ca. Ví dụ tại Hòa Vang, trong nhiều năm qua, phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường được đẩy mạnh. Khi tiếp cận, các em đã hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, lựa chọn loại hình nghệ thuật mình yêu thích để thưởng thức, phát triển. Hy vọng với việc tăng cường đưa Tuồng biểu diễn tại các trường học, gắn với các tác phẩm trong chương trình văn học dân gian các cấp, các em học sinh sẽ dần hiểu về lịch sử và yêu thích nghệ thuật truyền thống”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kỳ vọng.

Ngoài việc đưa Tuồng vào học đường để học sinh tiếp cận, Đà Nẵng cũng đưa Tuồng xuống phố, những hoạt động văn hóa được nhân rộng thể hiện tâm huyết và nỗ lực của Sân khấu Đà Nẵng hướng đến công chúng trẻ tuổi, mong muốn họ sẽ bảo tồn di sản nghệ thuật Tuồng như gìn giữ một nét son đặc sắc trong đời sống hiện đại. 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top