Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhìn thẳng vào vướng mắc, tháo gỡ tồn đọng kéo dài tại Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Sáu 24/03/2023 | 13:51 GMT+7

VHO- Đây là nội dung thông tin được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý I năm 2023 của Bộ VHTTDL, diễn ra sáng 24.3. Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, liên quan đến những sự việc kéo dài tại Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian qua, quan điểm và định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhìn thẳng những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp để từng bước tháo gỡ tồn đọng, bất cập kéo dài.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại họp báo

Khúc mắc tại Hãng phim

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi thông tin về quá trình Bộ VHTTDL tích cực triển khai kết luận sau thanh tra cùng những nội dung liên quan đến triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tại thời điểm năm 2019. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược. Từ thời điểm cuối tháng 11.2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các công văn gửi Tổng Công ty vận tải thủy đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho Bộ VHTTDL.

“Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là vì sao đến nay chưa đạt được dấu hiệu chuyển biến tích cực như mong muốn?”, Phó Vụ trưởng Phan Linh Chi nói.

Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung báo cáo một số nội dung trọng tâm trong công tác VHTTDL quý I năm 2023

Theo Vụ Kế hoạch Tài chính, đến nay, Tổng Công ty vận tải thuỷ là nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí và đề xuất số tiền đã bỏ ra một cách hợp lý, hợp lệ và tiến hành các thủ tục liên quan. Mặc dù phía nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực, Bộ VHTTDL vẫn chủ động soạn thảo những văn bản, dự thảo các quyết định và lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về những kiến nghị và phương thức xử lý.

“Ngày 22.3, Bộ VHTTDL đã có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về lộ trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều đồng nhất", bà Phan Linh Chi cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi thông tin nội dung về quá trình cổ phần hoá và triển khai kết luận sau thanh tra tại Hãng phim truyện Việt Nam

Trả lời quan tâm của báo chí về việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới, theo bà Phan Linh Chi, việc này không phải bây giờ mới được đặt ra. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và tại thời điểm năm 2018-2019, Đài Tiếng nói Việt Nam có đề xuất về việc sẽ là nhà đầu tư chiến lược, mua lại cổ phần của Công ty Vận tải thuỷ. Nhưng sau đó 7 tháng, Đài có văn bản cho biết không đủ nguồn lực tài chính. Hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn nghiên cứu, đề xuất tìm nhà đầu tư chiến lược mới.  “Điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, lại vừa gặp nhiều khó khăn khi trải qua đại dịch,  vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Hãng phim chưa có dấu hiệu tích cực…”, bà Phan Linh Chi thông tin.

278 bản phim gốc Nhà nước đặt hàng đang được lưu trữ tại Viện Phim

Một vấn đề nóng được báo chí quan tâm tại họp báo là vấn đề bản quyền cũng như tình trạng của những bản phim, phương tiện quay phim gắn liền với lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam. Trước đó, dư luận báo chí và một số nghệ sĩ phản ánh thông tin những bản phim này hiện đang bị hư nỏng nặng, không có khả năng phục hồi. Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết, những bản phim hiện được lưu trữ tại hãng phim là phiên bản, còn bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung phát biểu tại họp báo

Về vấn đề bản quyền những bộ phim Nhà nước đặt hàng tại Hãng phim hiện nay thuộc về ai? Theo bà Phan Linh Chi, bản quyền cũng như việc khai thác các phim tại Hãng phim truyện Việt Nam là những bộ phim Nhà nước đặt hàng, theo quy định thuộc về Bộ VHTTDL. Đại diện Bộ VHTTDL thẳng thắn, nhiều câu hỏi nêu liệu có vấn đề lãng phí những bộ phim do Nhà nước đầu tư hay không? “Bộ VHTTDL đã có văn bản về vấn đề này và các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng đã kiểm tra trực tiếp tình trạng kho. Trong 291 phim đang lưu tại Hãng, có 278 phim đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam theo chức năng lưu trữ quy định. 13 phim còn lại không lưu bởi là phim của Hãng làm theo đặt hàng của các Ban, Bộ, ngành và phim sản xuất hợp tác khác, không thuộc chức năng lưu trữ của Viện phim. Vì thế, chúng ta có thể yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát", bà Phan Linh Chi cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt thông tin về kế hoạch tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Về đời sống cũng như những tâm tư, lo lắng của các nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hoá, bà Phan Linh Chi cho biết, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ và nắm vị trí lãnh đạo cao nhất tại Công ty Cổ phần Hãng phim. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc giữa Ban lãnh đạo và người lao động nên 5 năm qua  Công ty không triển khai hoạt động gì. Trước những vấn đề này, Bộ VHTTDL đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại Công ty, sớm ổn định tình hình tại Công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Nhìn thẳng để tháo gỡ bất cập

Liên quan đến việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập tại Hãng phim, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ, quan điểm và định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhìn thẳng những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ từng bước. “Đây không chỉ là những vấn đề trước mắt mà đã tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua. Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kết luận sau thanh tra cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc cổ phần hoá ở Hãng phim”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam thông tin về nội dung phát huy giá trị Đề cương về Văn hoá Việt Nam trong thời gian tới

“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, dứt điểm những khó khăn vướng mắc tại Hãng phim truyện. Mong rằng trong quá trình triển khai thực hiện tới đây sẽ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Về phía Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng ổn định và có định hướng phát triển Hãng phim theo đúng quy định pháp luật…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ khẳng định.

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Tại họp báo, thông tin tóm tắt công tác VHTTDL quý I năm 2023, Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung cho biết, trong quý I, Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành. Những tháng đầu năm, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã được triển khai tổ chức sôi động trên cả nước; các hoạt động lễ hội, văn hóa cổ truyền dân tộc được tổ chức lại sau 2 năm đại dịch Covid-19, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh trao đổi nội dung về bản quyền phim, bản quyền các cuộc thi hoa hậu

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 -2023) do Bộ VHTTDL tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao; được các ngành, địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ, tích cực.

Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung cũng nhấn mạnh kết quả hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào TDĐKXDĐSVH; xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quản lý nhà nước về gia đình; giao lưu, hợp tác quốc tế; lĩnh vực thể thao, du lịch; các lĩnh vực thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ quyền tác giả,...

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Trần Đình Thành trao đổi thông tin về hồi hương ấn vàng "Hoàng đế Chi Bảo"

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023, ông Lê Đức Trung cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. 2023.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thuý Nga trao đổi về vấn đề bảo quản, phát huy giá trị sách cổ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tại buổi họp báo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm như vấn đề visa du lịch; cơ sở vật chất thể thao của Bộ, đặc biệt là Sân vận động Mỹ Đình; phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT; bản quyền thi hoa hậu, phối hợp quản lý Web drama...

Đại diện các cơ quan báo chí bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành trong thời gian qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các nhà báo, phóng viên tiếp tục đồng hành cùng Bộ trong công tác tuyên truyền, triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ngoài nội dung truyền thông liên quan đến nhiệm vụ, vấn đề nổi bật của ngành, Thứ trưởng đề nghị báo chí quan tâm cùng Bộ về vấn đề truyền thông chính sách. Năm 2023, Bộ sẽ sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như trình hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hoá; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo...

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top