Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

VHO- UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030.

Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn - Anh 1

Một trường mầm non ở vùng miền núi Quảng Nam 

Các mục tiêu cụ thể đặt ra: Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Hằng năm, có 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.
Đến năm 2025 bồi dưỡng 60% giáo viên; đến năm 2030 bồi dưỡng 80% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ,  phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.
Đến năm 2025, xóa bỏ 100% phòng học tạm và phòng học nhờ; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời cho các điểm trường, bộ đồ chơi trong lớp cho các nhóm lớp.

Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn - Anh 2

Kế hoạch đặt ra mục tiêu hằng năm có 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được giáo dục theo chương trình phù hợp

Các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai theo kế hoạch như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với GDMN;  Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển GDMN vùng khó khăn. 
Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDMN vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; Triển khai chương trình GDMN phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em; Huy động các nguồn lực xã hội và cộng đồng phát triển GDMN vùng khó khăn; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình. 

Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn - Anh 3

Một điểm trường học ghép ở vùng miền núi Quảng Nam 

Mạng lưới trường mầm non vùng khó khăn trên địa bàn Quảng Nam hiện nay còn phân tán, nhiều điểm trường có diện tích hẹp, phòng học chưa đảm bảo đúng quy cách và diện tích cho trẻ sử dụng, nhiều điểm lẻ, nhiều lớp ghép. Trong những năm qua, phòng học tạm, nhờ tuy có giảm nhưng vẫn còn tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…
Hiện chỉ có 13 trường mầm non với 11 nhóm trẻ tại các địa phương vùng khó khăn. Công tác xã hội hóa phát triển mạng lưới trường lớp ngoài công lập phát triển chậm, chưa có chế độ chính sách riêng hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ vùng khó khăn đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường tại vùng khó khăn thấp, chỉ đạt 5,6%.
Tổng số GVMN hiện nay 950 người, tỷ lệ định biên giáo viên/nhớm, lớp chưa đạt theo quy định, hiện nay chỉ đạt 1,6 giáo viên/lớp. 
Số GVMN dạy nhóm lớp có trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số 818 người; trong đó số GVMN biết tiếng mẹ đẻ của trẻ 425/818 người, tỷ lệ 51,9%.
Về cơ sở vật chất, tổng số điểm trường (bao gồm điểm chính và điểm lẻ) 284 điểm. Trong đó 258 điểm trường có sân chơi ngoài trời; 236/258 điểm trường có đồ chơi ngoài trời. 
Tổng số phòng học 584 phòng /571 nhóm, đảm bảo tỷ lệ 01 phòng học/ 1 nhóm lớp, trong đó 139 phòng học kiên cố, còn 16 phòng học tạm (được làm bằng gỗ, lợp tôn tập trung chủ yếu ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Nam Trà My),…

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc