Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm

VHO - Hiện nay nhiều nhà xuất bản trên cả nước đã và đang “kêu cứu” vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, thực trạng này diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Trước tình trạng này, sáng 28.6, tại Hà Nội, Cục Xuất bản In và Phát hành (Bộ TT&TT) phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống” để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm - Anh 1

 Hội nghị “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống”

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng, Cục Xuất Bản In và Phát hành cho biết, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng…. tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm. Năm 2021, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở TT&TT địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và ban hành 32 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 782.000.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm.

Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Thành phố Hà Nội tiến hành 105 cuộc, xử phạt 420.000.000 đồng, tịch thu 140.405 xuất bản phẩm; TP.HCM tiến hành 5 cuộc, xử phạt 155.000.000 đồng; Hòa Bình tiến hành 53 cuộc, Ninh Bình tiến hành 51 cuộc, Vĩnh Long tiến hành 31 cuộc; Năm 2022, toàn Ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng, hiện nay các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm được thực hiện trực tiếp tại các điểm phát hành; phát hành trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử; sử dụng các mạng xã hội để quảng cáo bán sách. Tinh vi hơn nữa là đã có sự mở rộng về địa bàn vi phạm, địa bàn tiêu thụ, đối tượng, quy mô vi phạm. “Hiện nay, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, vì vậy địa bàn vi phạm ngày một mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Địa bàn sản xuất không chỉ diễn ra trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đối tượng vi phạm từ cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài…, từ những đối tượng không hiểu biết về pháp luật đến những đối tượng am hiểu chuyên môn, pháp luật; quy mô vi phạm ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, một vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm và nhiều đối tượng tham gia”, ông Bảo nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các ý kiến cũng làm rõ và bổ sung thêm các nhận dạng đối với các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản để hình thành cơ sở dữ liệu cho công tác đấu tranh, phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản. Theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, những khó khăn, vướng mắc  thực tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát cơ sở in, phát hành, đó là: Một số nội dung trong văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tế phát triển của hoạt động in và phát hành, còn thiếu, chưa rõ ràng cụ thể. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản 2012, không có quy định cụ thể về việc xác định thế nào được coi là xuất bản phẩm, vì vậy, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình nhận diện và xử lý vi phạm; theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Xuất bản 2012, văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản và có giá trị đến hết ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng ký. Vì thời gian, hiệu lực của quyết định xuất bản quá dài nên việc quản lý, giám sát cơ sở in đúng số lượng là rất khó, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc in lậu, in nối bản nên rất khó nhận diện việc có in lậu hay không; việc dán tem chống giả xuất bản phẩm, mỗi nhà xuất bản một mẫu tem riêng hoặc ký hiệu, nhãn hiệu khác nhau nên cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng nhận diện sách giả, sách thật...

TS. Hoàng Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu", nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép. Thực tế, với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện nay, có cuốn sách bán chạy vừa ra mắt buổi sáng, thì đến chiều sách giả đã được rao bán tràn lan trên thị trường. Giai đoạn dịch bệnh covid-19 hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội càng có cơ hội phát triển. Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sách giả, sách lậu cũng như gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

“Trước đây, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu” thì nay nhiều cá nhân tự ý sao chép và lưu hành e-book. Công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành e-book thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu. Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép”, TS. Hoàng Mạnh Thắng nói.

Trước những khó khăn, vướng mắc thực tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát cơ sở in, phát hành in lậu, làm giả xuất vản phẩm, đại diện Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT xem xét, bổ sung quy định về việc dán tem chống giả đối với xuất bản phẩm để phòng, chống in lậu, in giả; nghiên cứu, triển khai phương án sử dụng chung một mẫu tem chống giả để dễ nhận diện sách thật, sách giả (tương tự việc sử dụng tem chống giả cho lịch Bloc). Đồng thời cung cấp danh sách xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành trên website để Đội liên ngành phòng, chống in lậu các tỉnh, thành phố theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi in nối bản, in quá số lượng.

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc