Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi

VHO- Thời đại mạng internet và công nghệ số phát triển thần kỳ đã làm chuyển biến sâu sắc mọi mặt đời sống, trong đó có báo chí. Bên cạnh mặt tích cực có mặt tiêu cực. Nổi lên trên báo chí thời gian qua là vấn đề tin giả tin thật. Tin giả tin thật lại có liên quan đến đồ giả đồ thật trong đời sống.

 Kênh truyền hình France 24 Pháp trong sự quảng bá cho mình thường xuyên nêu tiêu ngữ Fake news Fact news, tức tin giả và tin thật, để chứng tỏ độ tin cậy, uy tín mình. Báo chí hay truyền thông nói chung chưa nói đến hay dở mà trước tiên có nhiệm vụ đưa tin đúng với sự thật đã diễn ra, đó cũng là nhu cầu của người tiếp nhận tin. Khổ nỗi trong thời đại số, người ta dễ dàng cắt ghép các ảnh với những thứ không hề có trong thực tế nhưng lại giống y như thật rồi phát tán trên mạng. Thiên hạ xem, tưởng thật, bèn luận bàn, chia sẻ, thoáng chốc cả địa đều biết, hoặc ca ngợi phẫn nộ. Từ chuyện đại sự quốc gia đến đời riêng của từng nhân vật quan trọng hay người bình thường đều có thể bị xuyên tạc, gây cho cá nhân và tổ chức nhiều tổn hại.

Fake News nói theo cách bình dân là nói láo hay nói dối. Người ta khi đã nói láo hay nói dối ắt phải có mưu đồ ám muội. Từ sự nói láo hay nói dối, thông tin sai với sự thật đã dẫn đến biết bao sự ngang trái trên đời xưa nay. Cho nên trách nhiệm và lương tâm của người làm báo, cũng như toàn thể cộng đồng khi tham gia mạng xã hội chính là đưa tin đúng sự thật. Tin phản ánh sự thật thì từ đó mới có thể có dư luận tốt, cùng giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài thơ vịnh Ông tiến sĩ giấy rất hay. Tục vào tháng Tám âm lịch, người ta hay dùng giấy cắt dán hình ông Nghè hay tiến sĩ cho trẻ con làm đồ chơi, cũng có mục đích giáo dục trẻ con cố chí học hành. Toàn bài thơ nói về ông tiến sĩ “hình nộm” ấy, nhưng cái tài của nhà thơ chính là làm cho người đọc luôn liên tưởng đến ông tiến sĩ thật, thật mà giả, là vì mang danh như thế nhưng tài năng đức độ không được như thế: Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi! Đồ chơi trong trường hợp này cũng là thứ đồ giả. Tất nhiên nói về đối tượng này nhưng lại khiến người ta liên tưởng đến đối tượng khác chính là điểm khác biệt của ngôn ngữ nghệ thuật so với ngôn ngữ báo chí.

Nhưng sự chế giễu sâu cay Nguyễn Khuyến có liên quan gì đến tin giả tin thật? Xin thưa là có. Gần đây các cơ quan chức năng và dư luận nêu vấn đề các nghệ sĩ, hoa hậu quảng cáo trên truyền thông các loại nước hoa, các thứ làm đẹp, thực phẩm chức năng như những thần dược, với tác dụng “trên trời”. Nếu một loại sản được thổi phồng về tác dụng qua “xác tín” nghệ sĩ hay hoa hậu đối với công chúng, được truyền thông rộng rãi thì tác hại nó sẽ vô lường. Người quảng cáo sản sẽ “hút” về mình nhiều tiền trong khi xã hội lại tiền mất tật mang. Tựa như mới đây có “Tiến sĩ dạy làm giàu” đã “làm gương” hút về mình bao nhiêu tỉ đồng thiên hạ. Nghệ sĩ hay hoa hậu chắc hẳn không thể biết về chất lượng sản phẩm, trừ phi nghệ sĩ hay hoa hậu đó có học chuyên sâu. Vậy thì phải dựa vào kiểm định các cơ quan chức năng thì mới có thể quảng cáo. Còn việc cơ quan chức năng kiểm định không đúng chất lượng tự thân sản phẩm thì chính cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Cơ quan truyền thông quảng cáo sản kiểu fake news như vậy cũng có liên đới.

Nhưng vấn đề nữa đối với người làm báo cũng như cả xã hội chính là sự nhận biết bản chất sự vật. Như nhà thơ Nguyễn Khuyến uyên thâm mới phát hiện ra nhiều ông “tiến sĩ giấy” bằng xương bằng thịt trong cuộc đời, mới chế giễu họ. Người ta thường nói “một nửa sự thật chưa phải là sự thật”. Trong cuộc sống có những thứ mà hình thùchúng giống hệt nhau nên dễ bị nhầm lẫn. Bên cạnh “đồ giả” là tên gọi không khớp với thực chất, còn có loại hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái đương nhiên có chất lượng kém hơn rất nhiều hàng chính hiệu mà nó giả. Nhưng cũng có trường hợp nghịch lý lấy tiền nhiều để giả thứ rẻ hơn nó: như người ta đúc bê-tông giả gỗ, lấy lá nhựa giả tranh, gọi là “phục dựng” một ngôi nhà cổ truyền của dân tộc! 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc