Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT: Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS đúng tiến độ, đạt hiệu quả

VHO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021 - 2025) tại các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đúng tiến độ và đạt hiệu quả, đồng thời đề nghị các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT: Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS đúng tiến độ, đạt hiệu quả - Anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu

Tiếp tục Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025 diễn ra ngày 26.6 tại Tuyên Quang cho khu vực phía Bắc, hôm nay 30.6, tại TP Nha Trang, Ủy ban Dân tộc phối hợp Hội đồng dân tộc Quốc hội và tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tổ chức Hội nghị cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh. Cùng dự còn có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 17 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hội nghị đã nghe Chánh Văn phòng Chương trình MTQG Hà Việt Quân  báo cáo tóm tắt 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2023 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, kết quả thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình đến thời điểm 31.5.2023 của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 1.397.759 triệu đồng, đạt 10.62%; gồm vốn đầu tư phát triển là 1.117.474 triệu đồng (tương đương 15.82%), vốn sự nghiệp là 280.285 triệu đồng (tương đương 4.59%). Một số tỉnh đạt tỉ lệ giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 cao so với bình quân của khu vực và bình quân của cả nước (18.28%) là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…

Mặc dù Chương trình MTQG DTTS&MN mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31.12.2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 17 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3.81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao), trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên Huế (11.04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5.37%), Đăk Nông (5%)...; tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỉ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; it lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi. Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT: Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS đúng tiến độ, đạt hiệu quả - Anh 2

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phong Nguyên

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG DTTS&MN là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả vốn tín dụng), chiếm tỉ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện 10 Dự án có tính quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh, các nội dung của Chương trình mang tính chất tổng thể, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS & MN như phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng: Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 17 tỉnh, thành phố bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 24.53% thôn ĐBKK vùng DTTS và MN của cả nước). Dân số của cả khu vực khoảng 21 triệu người, trong đó có 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 17% dân số DTTS). Phần lớn khu vực miền núi, điều kiện tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp (khoảng 1,1 triệu đồng người/tháng, chưa bằng mức ½ bình quân chung của cả nước); tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao; lĩnh vực giáo dục, y tế còn phát triển chậm, cơ sở hạn tầng còn thấp kém; tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp (23%)… trong khi đó nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay, việc triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án của Chương trình ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của Chương trình.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định tổ chức các Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình ở 3 khu vực và Hội nghị toàn quốc để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc, đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của chương trình đã được phê duyệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT: Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS đúng tiến độ, đạt hiệu quả - Anh 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thực tế triển khai thực hiện tại các địa phương trong thời gian vừa qua, các chương trình MTQG nói chung, đặc biệt là Chương trình MTQG mới như Chương trình MTQG DTTS&MN đòi hỏi phải xây dựng, ban hành một số lượng rất lớn các văn bản hướng dẫn. Ban Chỉ đạo Trung ương và Uỷ ban Dân tộc, các bộ, cơ quan trung ương đã tập trung cao độ, phối hợp với các địa phương trong công tác rà soát, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đặc biệt là hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. Với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và các bộ, cơ quan trung ương đến nay đã tham mưu ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản hướng dẫn và trả lời các câu hỏi của các địa phương theo đúng chỉ đạo tại Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021 - 2025) tại các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đúng tiến độ và đạt hiệu quả, đồng thời đề nghị các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc