Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La

VHO - Nằm ven bên bờ sông La thơ mộng, ngôi làng Bến Hến, thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã gắn liền với nghề “đãi hến” trong hơn 300 năm qua. Vào những ngày hè nắng nóng của miền Trung là thời gian “đỉnh điểm” của mùa hến. Nhờ nghề làm hến, cuộc sống của nhiều người dân nơi đây đã vươn lên khá giả.

Khi đến thôn Bến Hến vào dịp đầu tháng 7, một khúc sông La chìm trong một màn sương mờ do khói bốc lên từ những căn bếp đỏ rực lửa của các hộ dân chế biến hến ngay trên bờ sông. Vừa tới đầu làng, mùi hến ngọt bùi đã vờn quanh, lan tỏa khắp làng quê. Trên bến sông, những người làm hến giúp nhau chuyển hến lên bờ với những đôi tay thoăn thoắt, để kịp giao hến cho khách mặc dù đã sau một ngày ngâm mình dưới nước cào hến vất vả.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 1

Người dân làng giúp nhau chuyển hến lên bờ sau một ngày ngâm mình dưới nước cào hến vất vả

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 2

Nhờ lộc biển mà từ xưa đến nay người dân làng hến đi mót từng con trai, con hến rau cháo mà vượt qua những năm tháng khó khăn

Trưởng làng Bến Hến ông Lê Kim Trọng nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan bãi hến, ông cho biết: Làng Hến ở xã Trường Sơn vốn có tên là Minh Châu, cái tên này chỉ dùng trong thần phả thờ thành hoàng làng, vốn là một vị tiên hiền làm nghề cào hến. Nay tại làng có ngôi đền nằm ngay bên bến sông, là chỗ thờ tự người khai sinh ra nghề cào hến sông La. Nghe ông bà kể rằng người ấy vốn là học trò bên làng khoa bảng Đông Thái, cũng đỗ đạt cao nhưng trên đường vinh quy bái tổ đi thuyền qua sông La vô ý đánh rơi mất sắc phong của triều đình. Dân ven bờ mỗi người một chiếc cào tre lao mình xuống sông tìm giúp. Sắc phong không tìm được, chỉ thấy toàn là hến. Anh học trò lỡ hẹn với công danh nhưng người làng có được cái nghề lưu truyền đến ngày hôm nay. Dân đời sau nhớ ơn nên lập đền thờ, mỗi năm hai lần làm lễ khai hạ vào ngày mùng Bảy tháng Giêng cầu mưa thuận gió hòa và ngày giỗ ông tổ nghề - ngày hai mươi tháng Ba.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 3

Ngay từ sáng sớm, bà con đã đi đến bến hến

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 4

Chở hến đi đãi tại bãi sông 

Ông Trọng nguyên là xã viên Hợp tác xã Minh Châu. Ông Trọng nói: “Nhờ lộc biển mà từ xưa đến nay người dân làng hến đi mót từng con trai, con hến rau cháo mà vượt qua những năm tháng đói khổ nuôi con, cháu trưởng thành. Nghề cào hến không giàu nhưng nó giống như thứ lộc vô tận của dòng sông nên bao nhiêu đời nay người làng vẫn sống khỏe. Người làng Hến làm nghề theo phường, thường thì hai người một thuyền, mươi mười lăm thuyền thành một đội, người đội trưởng và cũng là người già nhất gọi là ông “ghẹ”, bạn thuyền gọi là “trai”. Khởi hành cào hến từ giữa đêm nên ông “ghẹ” có trách nhiệm chỉ huy đoàn để không lạc nhau, theo cách thông thường thì dùng tiếng nói, tiếng hát và có lẽ đây cũng là nguồn gốc của nhiều câu ví giặm vùng này. Vậy nên, giữ được nghề làm hến cũng là giữ thêm được câu Ví, giặm.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 5

Làng nghề làm hến được cha ông truyền lại được gìn giữ đến ngày nay

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 6

Người dân mưu sinh cuộc sống từ lộc biển

Hến sông La có cả bốn mùa nhưng nhiều nhất là vào những tháng hè nóng nực, khi phù du từ sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố theo con nước về dạt vào bờ bãi. Nắng lên, từ trong phù du, rong rêu bãi phù sa ấu trùng hến tua tủa như hạt cà hòa vào nước sông sinh sôi. Dân gian hay gọi là mùa hến rại. Đặc biệt, đất nước có hàng nghìn dòng sông, hàng vạn bãi bờ phù sa, vậy mà chỉ có hến sông La là nổi tiếng ngon, và dù khai thác tự nhiên mấy trăm năm nhưng chưa khi nào có dấu hiệu cạn kiệt. Người dân làng cho rằng là vì sông ấy vừa có phù du của núi rừng Trường Sơn lại vừa có phù sa của miền đồng bằng Đức Thọ phú cho nên làng có món đặc sản nức tiếng. "Hến sông La có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, rất khác biệt so với các nơi khác. Từ hến, có thể làm nhiều món như canh hẹ, canh rau vặt, canh mít, xào giá đỗ… Xưa là món ăn dân dã của bà con nhưng bây giờ lại thành đặc sản, vào hẳn khách sạn, nhà hàng sang trọng", ông Trọng chia sẻ thêm. 

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 7

Sau khi luộc, hến được đưa ra đãi để tách ruột ra khỏi vỏ. Công việc này cần phải khuấy mạnh tay mới có thể tách được hết ruột hến

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 8

Làm hến tuy vất vả nhưng tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân

Khu vực chế biến hến của người dân thôn Bến Hến trải dài khoảng 400m, theo chiều dọc bên bờ sông La. Tại đây, hàng chục lán rộng từ 3 đến 5m² được tạm thời xây dựng bằng cọc gỗ, mái lợp tôn hoặc tấm bạt màu xanh đỏ. Mỗi lán được trang bị một bếp xây dựng chắc chắn, với nồi gang chuyên dụng cỡ lớn để nấu hến. Phía trên bếp, có giàn gỗ được sắp xếp để đặt củi, cũng như các công cụ như rổ, thúng, mẹt, rá tre… Các công cụ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình luộc hến, đòi hỏi kỹ thuật. Khi chuẩn bị nấu hến, người ta đặt chảo gang lên bếp sau khi đã đốt đỏ lửa. Sau đó, bỏ hai hoặc ba gáo nước máy sạch vào chảo. Rồi sau đó, rổ hến trọng lượng khoảng 10 - 15kg được đổ vào chảo. Khi nước sôi, bọt trắng bắt đầu sủi lên, thợ phải sử dụng một muỗng gỗ cỡ lớn để đảo hến đều trong chảo. Cuối cùng, hến được vớt ra bằng thúng tre và đặt bên cạnh để tiếp tục quá trình chế biến.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 9

Những căn bếp đỏ rực lửa của các hộ dân chế biến hến ngay trên bờ sông

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 10

Hến sau khi luộc được đem ra sông đãi để lấy thịt

Tại bãi hến, chị Nguyễn Thị Thủy, 47 tuổi, thôn Bến Hến đang nghỉ tay đãi hến, rót cốc nước chè xanh “om” trong ấm mang đi để uống lúc mệt, chị chia sẻ: Tôi đã có hơn 25 năm làm nghề đãi hến. Từ bao đời nay, người dân trong làng chúng tôi sinh sống bằng nghề cào hến, nấu hến đem bán. Trong làng có hàng nghìn hộ dân, hiện tại còn hơn 70 hộ gắn bó với nghề. Ngày xưa, người làm nghề bắt hến dùng dụng cụ được làm bằng tre, đan thành những chiếc gàu rồi nối vào một cái sào. Sào dài hay ngắn phụ thuộc vào độ nông sâu của lòng sông nhưng thường dài 3-5 m. Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với chiếc gàu làm bằng sắt để đi cào hến. Việc cào hến khá nặng nhọc nên dành cho đàn ông. Còn nấu hến, đãi hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ. Hến sau khi bắt về sẽ được rửa sạch, sau đó đưa vào một cái chảo lớn để luộc. Người dân luộc mỗi lần từ 20-30kg hến trong khoảng thời gian 10-15 phút. Với 10 kg hến luộc ra sẽ thu về được 1kg ruột hến. Hến được bán tại chỗ với giá 50-60 nghìn đồng/kg. Chợ Hôm, nằm tại thị trấn Đức Thọ, là nơi phần lớn hến được tiêu thụ. Mỗi ngày, hàng chục người buôn bán hến tại chợ này. "Trung bình, tôi bán được từ 20 đến 30 kg hến ruột mỗi ngày, vào những ngày tấp nập, tôi có thể bán được khoảng 50 kg. Hiếm khi có phiên chợ ế vì hến là một mặt hàng được ưa chuộng và có nhu cầu ổn định trong khu vực này. Sông không chỉ là mạch nguồn mà còn là sinh kế của người dân. Nhờ có nghề này, không chỉ chúng tôi mà người dân trong làng nuôi con cái trưởng thành, học hành thành đạt. Nhiều nhà đầu tư nghề làm hến còn có của ăn của để. Ai về Đức Thọ chưa ăn miếng hến sông La xào giá đỗ xúc với bánh tráng xem như chưa về", chị Thủy chia sẻ thêm.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 11

Những mẻ hến vừa được luộc nóng hổi bốc khói mù mịt

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 12

Hến ở làng Bến Hến có vị ngon khác biệt nổi tiếng trong và ngoài tỉnh

Nói về Bến Hến, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Thọ Mai Ngọc Hà cho biết: Với nỗ lực của Huyện ủy trong việc phát triển văn hóa, con người địa phương nhằm phát triển, xây dựng quê hương đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tốt. Ngay tại làng Hến cũng đã có mô hình kinh tế cho thuê thuyền du lịch sông La; những nghề đóng tàu, đan tre, nuôi trồng thủy sản... cũng đang được nhân rộng. Ngoài ra, bà con không chỉ bán ruột hến, ngày nay người dân còn bán vỏ hến để làm thức ăn cho chăn nuôi, làm vôi và bán cả than củi sau khi luộc hến. Việc bán những phụ phẩm này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng vỏ hến làm thức ăn chăn nuôi cũng giúp giảm thiểu lượng chất thải hữu cơ, tạo ra một phương pháp tái chế và tận dụng tài nguyên sinh học. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn nước.

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 13

Toàn cảnh làng nghề hến 

Làng nghề “đãi hến” hơn 300 tuổi, nét đẹp bên bờ sông La - ảnh 14

Một góc bãi bồi làng hến.

"Tuy nhiên, nỗi lo làng nghề truyền thống mai một không chỉ riêng của người dân làng Hến, mà thực đó chính là trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đức Thọ. Nhiều thanh niên trẻ của làng bây giờ là đi làm xa, không theo nghề cha ông. Theo tính toán của Huyện ủy Đức Thọ, nhiều xã có đến một phần ba dân số đi làm ăn xa, mà lực lượng này hầu hết rơi vào thanh niên độ tuổi dưới 35. Thêm điều đáng tiếc nữa là dù mang tiếng là "làng trăm nghề” nhưng lại chưa có sản phẩm OCOP, dù sản phẩm “lẩu hến sông La” từng giành giải cao của nhiều cuộc thi ẩm thực trong và ngoài tỉnh. Theo chúng tôi, để giữ nghề truyền thống của cha ông còn cần sự hỗ trợ thiết thực của những doanh nghiệp để đổi mới phương thức sản xuất, tiếp thị sản phẩm, nguồn đầu ra ổn định cho bà con nhằm đưa làng nghề phát triển theo hướng bền vững". Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Thọ Mai Ngọc Hà cho biết thêm. 

                                                                                                  PHẠM NGÂN - HỒ LONG                                                                                                   

Ý kiến bạn đọc