Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Kêu gọi đầu tư “đánh thức” tiềm năng du lịch Kon Tum

Thứ Tư 02/03/2022 | 16:49 GMT+7

VHO- Diễn đàn du lịch Kon Tum với chủ đề “Tiềm năng và triển vọng” do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức, dự kiến diễn ra trong hai ngày 23 và 24.4 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Sở VHTTDL Kon Tum về việc tổ chức Diễn đàn du lịch Kon Tum

Tổng cục Du lịch vừa làm việc với đoàn công tác Sở VHTTDL Kon Tum về Kế hoạch tổ chức Diễn đàn du lịch Kon Tum. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chủ trì buổi làm việc với sự tham gia của các Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phạm Văn Thủy; Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan, lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Diễn đàn du lịch Kon Tum với chủ đề “Tiềm năng và triển vọng” do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức, dự kiến diễn ra trong hai ngày 23 và 24.4 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Dự kiến, Diễn đàn sẽ có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Sở ban ngành Kon Tum; lãnh đạo các Sở quản lý du lịch Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên; các nhà khoa học về kinh tế, du lịch; các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn về du lịch, các hãng hàng không…

Đây là sự kiện du lịch quan trọng của tỉnh Kon Tum trong năm 2022 nhằm giới thiệu những tiềm năng, điểm đến, chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch Kon Tum. Đồng thời xác định những khó khăn, vướng mắc, cơ hội, thách thức; tìm ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Từ đó đề ra những giải pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển du lịch Kon Tum trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ có nhiều sự kiện như: chương trình khảo sát dành cho các doanh nghiệp lữ hành và báo chí; tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch; gặp gỡ giao lưu tìm kiếm cơ hội hợp tác…

Măng Đen là điểm du lịch hấp dẫn ở Kon Tum đang thu hút ngày càng đông du khách

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cơ bản thống nhất về thời gian, địa điểm, nội dung của Diễn đàn, trong đó nhấn mạnh đến chương trình famtrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí để khảo sát, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm dịch vụ của Kon Tum và chương trình ký kết hợp tác liên kết giữa ngành Du lịch Kon Tum và các doanh nghiệp du lịch.

Đánh giá cao những cố gắng, quyết tâm của tỉnh Kon Tum trong việc tổ chức Diễn đàn, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, sự kiện sẽ góp phần chung tay phục hồi ngành Du lịch Việt Nam, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022 và phù hợp trong bối cảnh mở cửa du lịch sắp tới.

Tổng cục trưởng cho rằng sự kiện được tổ chức thành công sẽ góp phần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Kon Tum, tăng cường liên kết vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất các nội dung của diễn đàn và hoạt động bên lề. Tổng cục trưởng giao các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL Kon Tum và các đơn vị liên quan để hoàn thiện Kế hoạch tổ chức Diễn đàn, đồng thời khẳng định Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng Kon Tum trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch.

Măng Đen được ví như Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và các Hướng dẫn của Bộ VHTTDL, ngành Du lịch tỉnh Kon Tum đang đón khách du lịch nội địa (đáp ứng các tiêu chí an toàn theo quy định) từ các địa phương trong cả nước, phù hợp với tình hình mới.

Các khu, điểm du lịch tham quan trên địa bàn tỉnh với các đơn vị cung ứng dịch vụ điểm cuối đăng ký đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã mở cửa phục vụ khách.

Để việc mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, Kon Tum đã tăng cường công tác quản lý nhà nước; đảm bảo an toàn tại điểm đến và cho khách du lịch, ưu tiên thúc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống Covid-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch: ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn www.safe.tourism.com.vn, hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin www.travelpass.tourism.vn để phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Tổ chức, kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch, công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch, kiểm soát chứng nhận tiêm chủng, quản lý khách du lịch nhập, xuất cảnh…

Lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ lữ hành, vận chuyển, lưu trú,… uy tín tham gia đón khách du lịch theo các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và chất lượng dịch vụ cung ứng.

Đường thông thơ mộng ở Măng Đen

Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư, phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch có tính bền vững, gắn với tự nhiên để phù hợp với nhu cầu của du khách, đảm bảo an toàn và tạo được sức bật cho du lịch Kon Tum để thu hút thị trường nội địa trong thời gian ngắn nhất. Ví dụ như sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên có: Khu du lịch sinh thái Măng Đen - Huyện Kon Plông; Điểm du lịch Epic Spa - Huyện Kon Rẫy; Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Huyện Sa Thầy; Điểm du lịch sinh thái Làng chài - Huyện Ia H’Drai.

Đối với sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (huyện Kon Plông); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Lor, Điểm du lịch A Biu (Thành phố Kon Tum); Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà).

Đối với sản phẩm Du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn: Điểm du lịch Ê Ban Farm (Huyện Kon Plông); Điểm du lịch Thiện Mỹ Farm (huyện Kon Plông).

Các điểm tham quan kết hợp trong hành trình đảm bảo các điều kiện khép kín: Bảo tàng tỉnh, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử Chư Tan Kra, Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei...

Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch ban đêm theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cơ sở lưu trú; tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; nâng cao tính chuyên nghiệp phục vụ du khách, tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch.

Xác định chuyển đổi số là quá trình tất yếu trong phát triển du lịch, ngành Du lịch Kon Tum sẽ tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến).

Nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Vẻ đẹp huyền ảo của hồ Đăk Ke ở Măng Đen

Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch”; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hình ảnh “Kon Tum - An toàn, thân thiện, mến khách”; tổ chức và tham gia các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch, quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch Kon Tum; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum và tham gia một số sự kiện quảng bá du lịch lớn của các tỉnh, thành phố.

Giải pháp đầu tư dài hạn được tỉnh xác định là đầu tư phát triển một cách bền vững ngành Du lịch thông qua nghiên cứu hệ thống hóa chuỗi cung ứng và xây dựng mô hình quản lý phát triển ngành; dự báo các rủi ro và thiết kế các kịch bản ứng phó để giảm tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với chuỗi cung ứng.

Đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chân dung các khách hàng mục tiêu để kịp thời nắm bắt các thay đổi của xu hướng thị trường cũng như phác họa được các đặc tính hành vi của du khách mục tiêu; qua đó phục vụ hiệu quả hơn cho việc đa dạng hóa thị trường, công tác truyền thông và phát triển sản phẩm du lịch.

Tập trung đầu tư số hóa công tác truyền thông và xúc tiến du lịch dần dần hướng đến thay thế cho các kênh truyền thông cũ như roadshow, hội chợ, cẩm nang du lịch...

Ưu tiên cho các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo nhằm tối ưu hóa nguồn tài nguyên của tỉnh.

HỒNG HÀ- THỦY TRÚC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top