Xung quanh việc quấy rối, xâm hại tình dục: Để lại những​ hậu quả rất đau lòng

VH- Trong những năm gần đây số vụ xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em đang có chiều hướng gia tăng và đang trở thành vấn nạn. Thế nhưng, theo LS Tô Việt Yên, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyên Việt Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) hiện nay ở nước ta chưa có một văn bản pháp lý nào đưa ra khái niệm hay định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục.

Xung quanh việc quấy rối, xâm hại tình dục: Để lại những​ hậu quả rất đau lòng - Anh 1

 Các em gái là nạn nhân của sự xâm hại đang học nghề tại Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ Q.7, TP.HCM

 Tuy nhiên cách hiểu phổ biến nhất hiện nay là áp dụng định nghĩa về quấy rối tình dục do Bộ LĐ,TB&XH hướng dẫn trong Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, “quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới, nam giới. Đây là hành vi không được chấp thuận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo môi trường bất ổn, đáng sợ và thù địch”. Việc quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hôn... cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm; hoặc quấy rối tình dục bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đúng đắn có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục; hoặc quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm...

Cũng theo LS Yên, đối với xâm hại tình dục trẻ em thì đó là việc đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Số vụ xâm hại, quấy rối có chiều hướng gia tăng

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cả nước ghi nhận có 805 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xác định có 881 đối tượng là thủ phạm. Những địa phương ghi nhận nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhất là Hà Nội 32 vụ, Tây Ninh 31 vụ, Kiên Giang 30 vụ và TP.HCM là 28 vụ.

Còn theo số liệu từ Bộ LĐ,TB&XH, từ năm 2011 đến 2015, cả nước ghi nhận có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại. Mặc dù vậy theo nhiều chuyên gia, con số này chỉ mới phản ánh một phần nào qua báo cáo, còn lại rất nhiều vụ vì một lý do nào đó nên đã không được thống kê.

Từ những số liệu trên cho thấy mức độ, tính nghiêm trọng của việc quấy rối, xâm hại tình dục ngày càng gia tăng đang trở thành vấn nạn đe dọa nghiêm trọng đến phụ nữ và trẻ em. Song điều đáng lo ngại hiện nay mà theo LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đó là rất nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ em khi bị quấy rối, xâm hại tình dục thường có phản ứng không rõ ràng, yếu ớt hoặc bị đe dọa dẫn đến im lặng. Điều này khiến cho đối tượng tấn công tình dục lầm tưởng nạn nhân đồng tình, nên dẫn đến mức độ xâm hại, quấy rối tình dục trở nên cao hơn như tấn công tình dục, hiếp dâm hoặc cưỡng dâm, thậm chí việc xâm hại kéo dài trong một thời gian dài, diễn ra nhiều lần để lại hậu quả nặng nề, nhất là đối với trẻ em.

Xung quanh việc quấy rối, xâm hại tình dục: Để lại những​ hậu quả rất đau lòng - Anh 2

Một em gái là nạn nhân của sự xâm hại tình dục đang được học nghề làm thiệp thủ công tại Mái ấm Hoa hồng Nhỏ

Các dấu hiệu lâm sàng của xâm hại tình dục

Ở nhiều bệnh viện nhi và những trung tâm hoặc phòng khám tâm lý hằng năm vẫn tiếp nhận nhiều trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục với tâm trạng bất ổn, hoảng loạn, hoặc những rối loạn về ăn uống, giấc ngủ, hành vi. Đặc biệt, trong số đó không chỉ có các em gái, mà các em trai cũng là đối tượng lạm dụng đồng giới. Phần lớn rất lâu sau khi trẻ bị xâm hại tình dục, các bậc phụ huynh mới nhận biết về sự việc này nếu không có dấu hiệu khác thường nào về cơ thể.

Chia sẻ về điều này, ThS tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý (Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho biết, khi bị xâm hại tình dục trẻ thường có các dấu hiệu lâm sàng như rối loạn giấc ngủ, thường gặp ác mộng, chủ yếu là giấc mơ dữ như rơi vào khoảng không, bị thức giấc nửa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét… Ngoài ra còn có các biểu hiện của sự thoái lùi như rối loạn cơ vòng dẫn đến tiểu đêm, tè dầm trong quần… Hoặc chứng lo âu như sợ phòng có nước, không chịu đi vệ sinh ở trường, có xu hướng làm sạch thái quá trong lau chùi, sợ đàn ông, có khuynh hướng nhốt mình vào phòng, sợ bị đụng chạm và người hay tỏ ra hoài nghi với người khác. Đặc biệt là trầm cảm được biểu hiện bằng các triệu chứng buồn bã, thiếu tự tin, thu mình, đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc tự hủy hoại bản thân như tự làm đau mình bằng cắt tay chân mà không có ý định tự tử.

Ngoài ra, sau khi bị xâm hại, những nạn nhân trẻ tuổi thường bị rối loạn các hành vi tổng quát đơn cử như tranh cãi với người lớn, tranh chấp với bạn bè, có hành vi tăng động bất thường, hành vi trưởng thành giả tạo cũng được coi là dấu hiệu đặc biệt của việc bị lạm dụng tình dục đôi lúc, trẻ biểu hiện hành vi dao động giữa trẻ con, chưa trưởng thành hoặc thoái lùi và tính cách trưởng thành quá mức của người lớn.

Một điều đáng chú ý nữa mà theo ThS tâm lý Diệu Anh, đó chính là các biểu lộ về tình dục: Trẻ thường quan tâm quá mức tới những gì liên quan tới tình dục, có trò chơi tình dục được mô phỏng qua búp bê, bạn cùng lớp; chứng phô bày cơ thể, nhất là phô bày cơ quan sinh dục; hình vẽ bất thường; thái độ quyến rũ của trẻ đối với người lớn, tò mò tình dục một cách trầm trọng, thích vuốt ve thái quá vài vùng của cơ thể hoặc ngược lại là tránh né sự vuốt ve của những người lớn quen biết.

Xung quanh việc quấy rối, xâm hại tình dục: Để lại những​ hậu quả rất đau lòng - Anh 3

 Một em gái đang vẽ tranh em là nạn nhân bị chính người thân xâm hại

Hậu quả lâu dài của việc bị xâm hại tình dục

Những hậu quả lâu dài biểu hiện từ nhẹ đến những rối loạn rất nặng. Những rối loạn này không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, làm việc, khả năng hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm thần, nhất là với nạn nhân nhỏ tuổi.

Đề cập vấn đề này, ThS Diệu Anh cho rằng, rất nhiều trẻ lúc nhỏ bị lạm dụng, xâm hại tình dục khi lớn lên thường bị rối loạn chức năng xã hội. Thực tế nhiều trường hợp nạn nhân của lạm dụng tình dục lúc nhỏ khi lớn lên hành nghề mại dâm, tội phạm, trốn nhà, lạm dụng các chất gây nghiện. Sự kéo dài của các triệu chứng lo âu, mất ngủ, ác mộng, rối loạn trí nhớ, sống không thực tế, quá nhạy cảm, rối loạn ăn uống. Chịu đựng sự làm nhục, trầm cảm, buồn, giận dữ, thiếu tự tin, hoài nghi… Bên cạnh đó việc rối loạn mối quan hệ với người khác như: hay thu mình và ngờ vực khiến cho việc thiết lập và giữ được mối quan hệ là một điều khó khăn với nạn nhân bị lạm dụng, nhất là với giới phái tương đương hoặc với giới phái của người đã lạm dụng mình. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc học tập như có kết quả học giảm, mất tập trung chú ý, mất động cơ học tập, không có sự sáng tạo, đặc biệt là có thái độ chống đối thầy cô, sự tự cô lập trong lớp…

“Do đó khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại quấy rối tình dục, phụ huynh cần lưu ý, trước tiên phải chăm sóc y tế về các triệu chứng trên cơ thể nếu có. Đồng thời phải được điều trị về mặt tâm lý, xã hội bằng cách cho các em biết đây chỉ là một tai nạn và các em là người gặp tai nạn. Điều này có thể tránh cho các em có mặc cảm tội lỗi hoặc ác cảm với vấn đề tình dục. Các em cần sự nâng đỡ, lắng nghe, chia sẻ và một môi trường sống an toàn”, ThS tâm lý Diệu Anh tư vấn.

Riêng đối với quấy rối tình dục ở người trưởng thành, LS Trần Thị Ngọc Nữ có lời khuyên: Khi bị xâm hại, quấy rối, hãy ghi lại ngày và các chú thích ngắn những gì xảy ra, lưu những hình ảnh, tin nhắn điện thoại hoặc tin nhắn online nếu có để làm bằng chứng. Tuy nhiên việc lưu giữ các bằng chứng này ở những nơi không hay nhìn thấy nhằm để tránh trải qua cảm giác khó chịu, tổn thương khi nhớ lại. (Còn nữa)

 NGUYỄN HIẾU

 

Ý kiến bạn đọc