Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Độc đáo thú chơi salon thùng cổ

Thứ Sáu 03/04/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Hiện nay, rất nhiều người có thú chơi “hoài cổ” đó là sưu tầm những món đồ gỗ nội thất cũ và “độc”. Ở Tây Nguyên, một trong những sở thích ấy là trào lưu săn lùng salon thùng cũ có tuổi đời vài chục năm, với chất liệu gỗ quí như cẩm lai, cà te, hương...

 Những bộ bàn ghế salon thùng cổ còn “nguyên đai nguyên kiện” luôn được nhiều khách tìm mua

Để có bộ salon thùng cổ, độc và sang trọng như ý, nhiều người phải đi tìm rất lâu mới chọn được theo đúng yêu cầu: Mặt gỗ phải lớn, nguyên tấm và không bị chắp nối trong lúc chế tác.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Long, một người chơi đồ cổ ở phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột cho hay: “Mình thích salon thùng bởi loại này ngày xưa thợ mộc đóng toàn bằng gỗ quý như cẩm lai, cà te, hương... Hình thức tuy gọn nhẹ, mộc mạc, giản dị nhưng lại toát lên vẻ duyên ngầm rất quý phái”. Cũng theo anh Long, đồ cổ bao giờ cũng hiếm và loại bàn ghế salon thùng đang được người chơi xếp vào hạng vừa quý vừa hiếm, bởi nó không bị xuống cấp theo thời gian, càng sử dụng càng bóng đẹp.

Là một trong những người có thú chơi độc đáo này, anh Công Tiến ở đường Đặng Thái Thân, TP Buôn Ma Thuột chia sẻ thêm: “Nếu bạn thuộc đời đầu 9x về trước chắc đã từng thấy những bộ salon thùng này hiện hữu trong mỗi gia đình người Việt. Trước đây, nhà nào sở hữu bộ bàn ghế này ắt hẳn cũng thuộc tầng lớp khá giả ở đất thị thành. Người ta yêu thích nó bởi sự đơn giản nhưng không đơn điệu và không hề lỗi mốt về thiết kế kiểu dáng”.

Ông Bùi Văn Thành, một thợ mộc lâu năm ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk cho biết: “Salon thùng được sản xuất từ những năm 1970 và thường được chế tác từ những loại gỗ quý chắc, nặng, không mối mọt, ít bị ảnh hưởng của thời tiết. Tính “lì” của gỗ rất cao, hầu hết sử dụng trên 50 năm mà vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là vân gỗ cực đỉnh”. Ông Thành chia sẻ thêm: “Hiện nay salon thùng thường được khách tìm mua để bài trí trong nhà thờ, nhà cổ. Đặc biệt, giới trẻ còn dùng để trang trí ở quán cà phê, nhà hàng, rất tinh tế pha chút cổ điển khiến cho không gian trở nên ấm cúng, đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng lâu dài”.

Theo giới chơi đồ cổ thì những bộ bàn ghế salon thùng có giá từ 15 đến 30 triệu đồng, tùy theo chất liệu từng loại gỗ và độ “lành lặn” của nó. Là người chuyên làm nghề mua bán bàn ghế salon thùng, anh Trí ở đường Quang Trung, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Loại này ngày càng trở nên hiếm hơn, bởi hầu hết những gia đình sở hữu nó đều không muốn bán. Chúng tôi phải săn tìm từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, sau khi mua về, chúng tôi cho nó “đi spa” lại cho chắc chắn và bóng đẹp rồi mới bán, khách mang về chỉ việc dùng”.

Cũng theo anh Trí, việc lựa chọn bộ salon này còn phần nào nói lên tính cách của gia chủ, những người sở hữu loại này thường là những người có tính cầu toàn, thích sự đơn giản, tinh tế. Đây là phong cách nội thất thịnh hành hiện nay, mộc mạc nhưng lại sang chảnh, đem đến một không gian vừa quý phái vừa gần gũi, nhẹ nhàng và ấm cúng.

Những người sành chơi cho rằng sưu tầm salon thùng cổ vừa là một thú vui tao nhã, vừa là món tài sản tích lũy gia tăng giá trị theo thời gian. Hiện có nhiều cơ sở mộc đang phục dựng lại hoặc đóng mới theo trào lưu. Tuy nhiên, với các tay chơi sành sỏi thì những bộ cũ còn “nguyên đai nguyên kiện” mới thực sự có giá trị cao và được nhiều người săn lùng. 

 BÁ THĂNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top