Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Âm sắc một vùng

Thứ Năm 15/02/2018 | 15:22 GMT+7

VH- Vào độ cuối chạp, trong làng vẫn còn yên ắng lắm, hầu như mọi người ai vẫn vào việc nấy, chưa tính gì đến Tết. Trẻ con đi học, người già tha thủi với mảnh vườn, cái bếp và người lớn thì ra đồng. Trời đã ấm lên một chút, phải tranh thủ làm đất để có thể cấy sớm.

Bởi vậy, ngoài đồng vẫn rộn rịch hơn trong làng. Cái máy cày MTZ, lắp bộ thùng phao và “bánh lồng” để làm đất ruộng trũng, xồng xộc chạy hết cánh này đến cánh khác. Đèn pha của máy sáng suốt đêm. Đầu cánh đồng, gần vệ đê khuất gió bấc một chút, có cái lều rơm để mấy anh công nhân lái máy cày làm chỗ nghỉ tạm. Mấy thùng phi dầu, cái đầy cái rỗng, xoong gang nấu cơm, mấy ông đầu rau chầu hẫu… Cái nào cũng đen nhẻm, hăng hái sẵn sàng như đang vào trận. Có mấy chú bé, tay nơm tay giỏ đang ngồi trong lều đợi máy chạy, bùn ngầu, kiếm cá ngoi lên…

Ông chủ nhiệm hợp tác xã, vai vẫn đeo xà cột vải bạt, bóng nhẫy bởi mồ hôi và nhiều thứ khác, từ làng ra rẽ vào lều làm một mồi thuốc… Sau tiếng điếu rít, ngồi lặng thinh, mắt rõi xa xa trên cánh đồng nơi cái máy đang quần thảo cho vụ mới. Tay bấm bấm như thày cúng bắt quyết, rồi lại rút sổ trong xà cột ra, tính tính toán toán. Vẫn nghe thấy tiếng ông lẩm nhẩm: “Tiến độ chậm quá, khéo đất không kịp cho “mùng ba xuống đồng”…

Rồi lại nhổm dậy, đi ngay, chân không bén đất. Phải thăm lại mấy sướng mạ xem sao. Đợt rét vừa rồi, che chắn, đốt lửa đầu bờ xua sương muối cho mạ đến khổ. May mà không thấy “anh nào” thâm rễ. Hỏng lứa mạ vừa chậm tiến độ vừa khổ vì phải chạy lên Phòng Nông nghiệp xin thêm. Được cái giống “Nông nghiệp 1” này chịu dầu dãi. Phải tang cao cây này mới chịu được đồng trũng.

Ra thế, ông đang lo cho vụ cấy của hợp tác, sẽ bắt đầu ngay từ mùng ba tháng Giêng. Tết nhất gì, “trong kia” bà con và anh em bộ đội ta còn bao gian khổ. Ai cũng nói vậy.

Nhưng làng cũng đã phải nghĩ đến Tết.

Gì thì gì, thấy anh Thông tin đã nắn nót trên cái bảng gần cửa Đình “Chúc mừng năm mới - Xuân Mậu Thân, 1968” bên cạnh dòng chữ cổ động: “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, cấy vụ Đông Xuân kịp thời!”. Rồi lại thấy nhảy lên cái xe đạp mải mốt về phòng phát thanh, nơi đang vang vang những bài hát: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người…” rồi, “Ngày đầu anh đi, đường cày đâu thẳng ngay…”. Người thương binh ấy, với chiếc chân giả, thoắt đầu làng, thoắt cuối làng. Anh là bóng đàn ông trai trẻ hiếm hoi của làng độ ấy.

Mấy cô gái vừa ở ngoài đồng về, bừa trên vai, bên con trâu được khoác cái bao tải chống rét. Họ cũng vừa đi làm đất về. Trời lạnh thế mà trong cái khăn len Nam Định, mặt các cô vẫn hồng rực. Họ hỏi nhau về giá lá dong, măng miến trên chợ huyện và cả kiểu áo chiết ly nào đó. Tiếng cười nói lanh lảnh. Có người trong đám ấy, vừa nhận được thư của người yêu đi bộ đội từ miền Nam gửi ra. Anh ấy đang ở gần Huế thì phải…

Cũng đã thấy tiếng lao xao của mấy nhà hẹn nhau “đụng lợn”. Con lợn chừng dăm chục ký, nuôi vỗ cả năm, giờ chuẩn bị thịt để ăn Tết. Chia bốn hoặc chia tám, mỗi nhà một phần bằng nhau và có mọi bộ phận của con lợn thì gọi là “đụng”. 29 tháng Chạp mới mổ để cỗ cúng giao thừa có đủ lợn, gà… Nghe đâu, Trại lợn Hợp tác xã cũng đã “cân đối” phần thịt ăn Tết cho mỗi khẩu năm nay. Chừng gần ký “móc hàm” cho một người. Gần như năm ngoái, vậy là được rồi.

Mấy cái ao lớn đang xì xùm tát cá ăn tết. Tiếng máy bơm diesel “Trần Hưng Đạo” ành ành cùng dòng nước ào ào đổ ra từ cái ống cao su lõi thép móp méo vì vận hành và vận chuyển. Nó nhẫn nại làm nước đổ ải ngoài đồng bao lâu rồi mới theo xe cải tiến về tát ao đấy. Hợp tác xã chỉ có hai cái máy bơm nhỏ quần thảo trên cánh đồng suốt hai vụ, lúc bơm vào lúc đẩy ra, tất cả chỉ xoay quanh nước và lúa. Bây giờ mới thấy tiếng máy cười cùng người bên ao cá tết.

Lá dong xanh đã thấp thoáng, dập dềnh ngâm bên các cầu ao cùng với mấy cái mo cau đen xì, vì gác bếp cả năm. Mo cau để làm vỏ cho giò hoa (giò thủ). Nó dai và bền nên chịu được ép kẹp. Đêm mùa hè nghe tiếng mo rụng báo một buồng cau viên mãn. Sáng ra bà nhặt từ vườn, lựa phần vừa vặn, cho lên gác bếp cho món giò Tết…

Và trong làng đã thoang thoảng mùi hương trám. Thứ hương màu đen, lõi bằng tre non, cỡ chừng gần bằng cái đũa. Thô tháp, mộc mạc nhưng chúng làm cốt cho thứ hương đặc biệt chỉ phổ biến ở làng quê Bắc Bộ. Hương làm bằng nhựa cây trám. Với một số người, chỉ có mùi hương trám mới thật sự là mùi của Tết. Trong mưa bụi lất phất bay, mùi hương càng quyện.

Chợ làng họp vào ngày lẻ, vào phiên thì đông hơn, nhưng ngày dưng thì vẫn có mấy cái quán bán đấy. Đã thấy những mặt hàng Tết. Tranh tết phô phang màu sắc bắt mắt. Có câu đối viết bằng chữ phổ thông, có tranh in cái “cuốn thư” hiện đại với dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!” và có cả những phiên bản cổ điển như “Lý ngư vọng nguyệt”… Tất cả đều được in tại nhà máy in Tiến bộ.

Cả pháo nữa chứ. Đã thấy từng băng dài trong túi “bóng” treo trên phản bày hàng. Pháo con bằng đầu đũa và mấy quả pháo đùng bằng ngón tay, sắc hồng ấm áp. Chúng lúc lắc trong gió bấc, như mời gọi, như chào Xuân. Lũ trẻ con chỉ ham pháo tép. Cái thứ pháo vài hào một băng, rất vừa túi tiền. Quả pháo bé tý, nổ đánh tẹt, hiền lành. Thuốc pháo được làm bằng diêm tiêu và than xoan mùi thơm thoang thoảng. Tiếng pháo của trẻ con, tiếng pháo vui vẻ, tiếng pháo hòa bình sẽ râm ran suốt gần tháng. Báo hiệu Xuân về …

Vâng, đấy là âm sắc của cái Tết quê tôi cách đây đúng nửa thế kỷ.

PGS Nguyễn An Ninh

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top