Chao ôi, mới nghĩ thế thôi mà lòng đã ấm áp

VH- Tết đến ai ai cũng mong muốn về với gia đình, về với người thân để sum họp, để thăm hỏi chia sẻ tình thương mến ruột thịt cùng nhau. Bao đời nay đó là nét đẹp cổ truyền được gìn giữ. Những đứa con đi làm ăn xa lắc tận đẩu tận đâu cũng đều mong mỏi mấy ngày Tết được trở về quê nhà.

Chao ôi, mới nghĩ thế thôi mà lòng đã ấm áp - Anh 1

Chả ai quên được gốc rễ, cội nguồn, tổ tiên. Cho dù mỗi lần về thắp được một nén hương lên ban thờ, chắp hai tay thì thầm khấn vái tổ tiên thiêng liêng phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ, may mắn, làm ăn tấn tới thế là mừng, là quý rồi. Làm được vậy, dù chỉ vài điều nho nhỏ thế thôi cũng cảm thấy lòng thanh thản.

Nghĩ cũng lạ. Kiếm được một đồng mưu sinh thật vất vả, đầy mồ hôi nước mắt. Ki cóp cả năm để Tết đến xuân về có đồng ra đồng vào dành mua quà cáp cho người thân, chen lấn mua vé tàu vé xe... chồng dắt vợ, con dắt cha, chị bế em tấp nập đổ về mọi miền quê yêu dấu, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người để ăn Tết sum họp. Thật thiêng liêng vô kể.

Người ở nhà cả năm làm lụng, giáp Tết nắc nỏm ngóng chờ con cháu về chơi. Nuôi đàn gà ăn ngô ăn thóc béo nẫn ra, thịt chắc nình nịch cũng chọn con ngon nhất dành chờ con cháu về mới mổ để đãi đằng. Nuôi con lợn béo cũng chỉ để dành đến Tết gói giò, gói bánh cho ngon. Miếng ngon nào cũng dành để đến Tết. Tất nhiên bữa ăn hằng ngày bây giờ cũng không đến nỗi nào rồi, thịt cá, gà qué ê hề trên các sạp chợ quê. Dưng mà Tết, quan trọng ở đây là Tết. Năm chỉ có một lần, vì thế món ngon vật lạ Tết mới đem ra “xử”! Trong những món ngon thì món ngon nhất bao giờ cũng dành để đợi người thân về . Ðó là nét đẹp của người Việt. Chao ôi, chỉ mới nghĩ thế thôi mà lòng đã thấy ấm áp rồi. Cho dù khi về đến nhà, thì cái việc ăn ấy thường là “khách một chủ hai” hay là “ông thày ăn một bà cốt ăn hai”! Nhưng được lời như thế cũng là như cởi tấm lòng rồi. Con người ta trọng câu nói, trọng sự tử tế chân thành có ý muốn đối đãi là chính, chứ thực ăn thì có là gì đâu. Nói thế thôi chứ được ăn ngon ai chả thích, lại thêm được thương yêu chăm sóc nữa thì là nhất rồi. Bõ công chen lấn tàu xe, bõ công tích cóp mua sắm và mong ngóng Tết để được về quê mẹ.

Chao ôi, mới nghĩ thế thôi mà lòng đã ấm áp - Anh 2

Tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn xưa chắc khó quên được những thao thức trong đêm giáp Tết. Thao thức để chờ đến gần sáng, khi nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc là bổ dậy, ba chân bốn cẳng ra sân xem mấy người đàn ông lực lưỡng giữ bốn cẳng chân con lợn và lăm lăm con dao nhọn nhằm hoá kiếp cho nó. Ðám trẻ gái nhát gan, thấy vậy chạy rú vào nhà không dám xem, đám trẻ trai gan hơn, ngồi chầu rìa xem từ đầu đến cuối, cố công chờ nồi nước luộc lòng sôi ùng ục, may ra đến sáng thì được cái khấu đuôi vì đã có công thức cùng người lớn.

Ðêm đêm trong dịp Tết, đám trẻ không mấy khi ngủ, thường thao thức hít hà mùi hương hoa thơm ngát trên ban thờ toả ra từ lọ hoa huệ trắng muốt, lọ hoa hồng đỏ thắm xen lẫn hoa lay ơn màu hồng và hoa cúc màu vàng. Ôi thơm thật là thơm. Cảm giác như trong làn khói hương ngan ngát kia thấp thoáng bóng các cụ cố, các cụ ông bà nội ngoại đã cùng nhau về tề tựu đông đủ xum họp vui Tết cùng con cháu. Hình như các cụ mỉm cười hài lòng vì lũ trẻ con cháu chắt mình thật hiếu thảo, chúng không bao giờ quên tổ tiên. Nhà nào dù giàu dù nghèo gì thì cũng có ban thờ ngay ngắn đặt trang nghiêm ở gian giữa. Trước Tết, các cụ ông đã bao sái đồ thờ cúng sạch sẽ, sáng choang. Thường là mỗi tối chí ít cũng thắp một nén nhang, trước là tưởng nhớ những người thân đã khuất, sau cho thơm và ấm nhà. Ðám trẻ ngày ấy đêm đêm hay được nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả ngoài vườn..., ao chuôm ngày ấy còn nhiều chẫu chuộc thi nhau “hát karaoke” inh ỏi cả xóm. Chao ôi... những không khí ấy, những âm thanh xôn xao ấy đám trẻ hôm nay còn được thấy không ? Ðồ rằng không. Vì hôm nay làng quê đã khác. Ðã được bê tông hoá các ngôi nhà mái lá gồi xưa. Ao chuôm đã được lấp hết đi để chia cho con cháu xây nhà hoặc bán cho người ở thành phố về mua. Bây giờ ít gia đình nông thôn còn sống kiểu tứ đại đồng đường nữa. Con cái lấy vợ lấy chồng là thích ra ở riêng. Bố mẹ dù còn sống, còn khoẻ thì vẫn cứ phải chia hồi môn, chia thừa kế sớm cho con cháu nó có cái mà tự chủ. Cho chúng nó yên tâm và cũng cho xong việc kẻo lúc nằm xuống con cái lại mất đoàn kết thì khổ.

Những âm thanh của sự nhộn nhịp, vui vẻ, xốn xang mỗi độ Tết đến xuân về dù ở tuổi nào cũng làm người ta nao lòng. Thấy yêu cuộc sống hơn lên dù họ biết còn nhiều bộn bề ngổn ngang phía trước.

Cuộc sống nó vốn là như thế. Như thiên nhiên bao giờ cũng có bốn mùa thay đổi. Và mỗi một năm lao động miệt mài lại có một cái Tết như là một món quà thưởng để cho mọi người được vui hưởng sự nghỉ ngơi, vui hưởng sự gắn bó yêu thương trong một gia đình lớn.

Dù sang trọng hay nghèo khó thì tình cảm của con người ai cũng giống ai. Ai cũng mong mỏi sự yêu thương và đoàn tụ.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

Ý kiến bạn đọc