Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Như những lớp sóng nối gối lên nhau

Thứ Sáu 26/11/2021 | 10:10 GMT+7

VHO- Đến hẹn lại lên, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức định kỳ 5 năm một lần sắp sửa diễn ra tại TP Đà Nẵng vào trung tuần tháng 12 tới. Đây là lần thứ 10 ngày hội điểm danh, vinh danh những cây bút trẻ cả nước được tiến hành (lần gần nhất là vào năm 2016 tại Hà Nội).

 Những gương mặt tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội (năm 2016)

 Nhiều người đã tỏ ra bi quan và thi thoảng lại cảm thán rằng, văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng đến văn chương! Xem ra sự bi quan này là hệ quả của thói quan liêu; nghĩa là họ không đọc, không quan sát nhưng vẫn cứ… phán như đúng rồi.

Văn trẻ mùa này lặng lẽ trổ bung

Sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ là thưa mỏng, vắng thiếu. Bằng chứng là, trước mỗi kỳ Hội nghị, BTC phải rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời. Không phải do danh sách quá thiếu so với số lượng dự trù, mà ngược lại, những gương mặt sáng giá trên mọi miền đất nước được đề cử qua nhiều kênh khác nhau là quá đông. Chẳng hạn, kỳ Hội nghị lần thứ 10 này, người trẻ (sinh năm 1986 trở đi) xứng đáng được mời thì nhiều, trong khi số lượng đại biểu trẻ chính thức đáng tiếc là chỉ giới hạn 120 người. Có nghĩa, những người trẻ hữu duyên có mặt nơi Hội nghị này chỉ là những đại biểu mang tính đại diện, chứ chưa phải là tất cả những người trẻ lặng lẽ tự nguyện dấn thân làm “phu chữ” trên cánh đồng văn chương vừa phì nhiêu màu mỡ vừa xơ vữa cỗi cằn. Họ như những lớp sóng, vừa nối vừa gối lên nhau, nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn chương nước nhà.

Không cần phải làm cuộc tổng kiểm kê 5 năm, chỉ cần một cái nhìn lướt vào những người viết trẻ có đầu sách nổi bật trình xuất trong năm nay (từ tháng 10.2020 đến thời điểm hiện tại) cũng đủ hình dung về sự hiện diện của lực lượng trẻ và bút lực của họ.

Về văn xuôi: Triệu Hoàng Giang với Nghiệp rừng; Vũ Thị Huyền Trang - Đô thị ảo, Nơi không có hoa đào, Cánh sóng mùa xuân Bố tôi; Đào Quốc Minh - Người tù không số; Trần Minh Hợp - Gương mặt bán dạo; Phùng Bạch Chúc - Chạm vào khoảng cách; Hoàng Yến - Thượng Dương; Hoàng Công Danh - Con tin Stockholm; Hà Ngọc - Dế gọi mùa yêu; Lục Hường - Nguyên khí ngàn đời; Vân Khánh - Đông ấy hoa nở lại tàn; Hà Minh Trang - Người trên mây; Nguyễn Anh Dũng - Làm chủ số phận; Huy Hải - Tìm nhau trong thành phố; Mỹ Duyên - Bức tường vỡ; Chu Thanh Hương - Phận liễu; Hoàng Thị Thu Hương - Ký ức mưa; Đinh Phương - Nắng Thổ Tang; Hà Hương Sơn - 15 năm

Về thơ: Nguyễn Thị Thúy Hạnh với Văn học vết thâm; Nam Thi - Cô độc nên thơ; Lê Tuyết Lan - Vết bầm giấc mơ; Khét - Ở đậu trong nhau; Vũ Nguyên - Thế nhân tình; Vân Phi - Ngày mắc cạn; Lữ Mai - Chư Tan Kra mây trắng; Nguyễn Hải Yến - Đôi mắt của bầu trời; Phương Đặng - Con người; Phúc Phơi Phới - Sướng ca; Hương Giang - Bài thánh ca cho Anh; Lê Đỗ Lan Anh - Ký tự trôi; Trương Công Tưởng - Đợi những vắng xa

Về nghiên cứu phê bình: Văn Thành Lê với Lần đường theo bóng; Vũ Thị Trang - Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật; Võ Quốc Việt - Hạt phù sa sông nước Cửu Long

Về văn học dịch: Nguyễn Bình với phiên bản Anh ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du; Lê Hải Đoàn với phiên bản Việt ngữ bộ truyện tranh dân gian Nga gồm 12 cuốn…

Trường sức để vượt lên chính mình

Không thể quán chiếu hết không gian văn trẻ, nhưng cái nhìn lướt trên đây cho thấy mức độ bao sân chiếm sóng của người trẻ, loại hình từ phi hư cấu đến hư cấu; thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình chân dung đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược; bút pháp từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại; đề tài từ lịch sử đến hiện thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ hiện thực đến ngoài hiện thực…

Dẫu vẫn biết trẻ là phải “sinh sự” để có được “sự sinh”, như “người chữ” Lê Đạt từng phát biểu, tuy nhiên, văn trẻ mùa này không ồn ào khuấy đảo gây hấn như những mùa trước, mà lặng lẽ bung trổ phá cách theo cách của mình. Họ ý thức, rằng cách tân trước hết phải là “cách” chính cái tôi chủ thể sáng tạo, là phải “tân” từ bên trong. Họ trình hiện mình bằng tác phẩm, chứ không bằng bất cứ một “tệp đính kèm” ngoài văn chương nào.

Trẻ là một tài sản. Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro từng nói, nếu xem xét một cách khách quan toàn bộ văn nghiệp của mỗi nhà văn, hay nhìn lướt qua một lexicon và lên một danh mục, ta sẽ thấy trong vòng 200 năm qua, đa phần những tác phẩm quan trọng nhất đều do những người rất trẻ tuổi viết ra; nếu anh muốn viết tiểu thuyết, và anh đã bước vào tuổi 30, thì đây là thời điểm đã đến lúc bắt đầu.

Suy cho cùng, chẳng ai ngẫu nhiên lựa chọn lập thân bằng văn chương. Mỗi cái viết đều là sản phẩm của một thôi thúc nội tại, khởi sinh từ một chấn thương nào đó nơi chủ thể. Hay nói cách khác, văn học tự bản chất là “văn học vết thâm”. Với người viết, đặc biệt là người trẻ, viết là xoa dịu, là cứu rỗi, là “cô độc nên thơ”. Hãy đi bên cạnh họ. Đừng sợ họ vượt mình. Cũng đừng khuyên họ vượt mình. Hãy chúc họ trường sức để có thể tự vượt lên chính họ, để sớm tìm được khuôn mặt và giọng nói của họ. Đó là cuộc tìm kiếm vĩ đại nhất trong cuộc hiện sinh này. 

 Trẻ là một tài sản. Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro từng nói, nếu xem xét một cách khách quan toàn bộ văn nghiệp của mỗi nhà văn, hay nhìn lướt qua một lexicon và lên một danh mục, ta sẽ thấy trong vòng 200 năm qua, đa phần những tác phẩm quan trọng nhất đều do những người rất trẻ tuổi viết ra; nếu anh muốn viết tiểu thuyết, và anh đã bước vào tuổi 30, thì đây là thời điểm đã đến lúc bắt đầu.

 Nhà phê bình HOÀNG ĐĂNG KHOA

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top