Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phát triển truyện tranh Việt Nam: Cuộc rượt đuổi hình... “bắt chữ”

Thứ Hai 30/07/2018 | 10:08 GMT+7

VH- So với nhiều quốc gia trên thế giới, truyện tranh Việt Nam xuất hiện muộn hơn, bắt đầu bằng những cuốn sách dịch từ nước ngoài. Trong một vài năm trở lại đây, thị trường truyện tranh Việt dần trở nên sôi động hơn nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.

 Một bộ truyện tranh Việt Nam Ảnh: T.L

Thay đổi mạnh mẽ

25 năm trước (1992), Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt những tập đầu tiên của bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản. Sự kiện gây chấn động không chỉ hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam, mà tác động sâu sắc đến thói quen đọc sách của người Việt, trước hết là các độc giả nhỏ tuổi. Kể từ đây, trẻ em Việt Nam bắt đầu biết đến một loại hình sách kết hợp giữa chữ và hình, thường là nhiều tập, có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố nhân văn, nhân bản. Kéo theo đó là hàng loạt thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành và những mối quan tâm đặc biệt của công chúng trong việc nhìn nhận, đánh giá về truyện tranh. Cuộc “đuổi theo hình, bắt chữ” được chú trọng từ đây.

Thời kỳ đầu, trong đó có các phụ huynh, thầy cô giáo cho rằng truyện tranh chỉ để giải trí, thiếu nghiêm túc và không phù hợp với trẻ, có thể làm hỏng tư duy ngôn ngữ. Thực tế thì những hình ảnh trực quan vẫn vô cùng quan trọng và cần thiết.

Truyện tranh vẫn phát triển như một quy luật tất yếu. Theo thống kê, nếu như thời gian đầu sau Doraemon, mỗi năm ở Việt Nam trung bình xuất hiện khoảng 10 bộ truyện tranh, thì sau đó là 25 bộ, và những năm gần đây lên tới 50 - 70 bộ. Những bước phát triển đó có sự đóng góp lớn của đội ngũ tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, những người yêu thích truyện tranh, đam mê sáng tạo và khát khao xây dựng nền truyện tranh Việt. Những tác phẩm có tiếng như Long thần tướng (nhóm tác giả Thành Phong, Mỹ Anh, Khánh Dương), Vùng trời hư cấu (Phan Thành Trí), Học sinh chân kinh (HRO)… Thành công của các tác phẩm này mở ra nhiều hướng đi của truyện tranh Việt.

Nhiều ý kiến nhận định, để phát triển truyện tranh Việt đúng nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề, từ thay đổi tư duy đến việc lựa chọn, khai thác đề tài. Chưa kể, nhiều tác giả trẻ đang bị ảnh hưởng bởi phong cách truyện tranh nước ngoài, nhất là Nhật Bản. Điều này sẽ rất khó để truyện tranh Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trong lòng bạn đọc cũng như cạnh tranh được rất nhiều dòng sách dịch. Trong khi đó, việc gây quỹ sản xuất và phát hành ra thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi… Những khó khăn này khiến truyện tranh Việt Nam phát triển chậm và bỏ ngỏ nhiều tiềm năng.

Sức khuấy động cần thiết

Tại trung tâm Văn hóa Pháp L’espace, Hà Nội đang diễn ra triển lãm “Truyện tranh Pháp hiện nay” được thực hiện bởi Trung tâm quốc tế về truyện tranh và hình ảnh Angoulême. Các họa sĩ có mặt đem đến hình dung tổng quan về ngành hội họa cũng như ngành sáng tác truyện tranh của Pháp. Họ thể hiện đầy đủ trường phái, nội dung, kỹ thuật, các phong cách đa dạng trong truyện tranh Pháp cũng như trào lưu mới của truyện tranh bằng tiếng Pháp. Nhìn lại lịch sử thể loại văn học này ở Pháp ít nhiều đưa tới bài học kinh nghiệm cho sự phát triển truyện tranh Việt Nam.

Ông Thierry Groensteen, Trung tâm quốc tế về truyện tranh và hình ảnh Angoulême cho biết, cho đến cuối thế kỷ XIX, truyện tranh Pháp phát triển khá chậm, thường xuất hiện dưới hình thức sách tranh dành cho người lớn và một vài trang trên các tờ báo biếm họa. Vào năm 1969, tại Viện bảo tàng Le Louvre, Paris có một triển lãm rất lớn về truyện tranh thế giới. Triển lãm này đã thay đổi cái nhìn của người Pháp về truyện tranh. Trước đây, hầu hết mọi người nghĩ

 rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ con và một chút cho người lớn giải trí. Với triển lãm này, từ đó trở đi truyện tranh trở thành nghệ thuật đầy đủ theo đúng nghĩa của nó, và được coi là môn nghệ thuật thứ 9 tại Pháp.

Ở Pháp, manga chiếm tới 35% thị trường nhưng truyện tranh Pháp vẫn giữ được vị trí cực kỳ quan trọng. Cạnh tranh lớn bởi truyện tranh nước ngoài nhưng Pháp có 384 nhà xuất bản đang hoạt động, 400 hiệu sách chuyên ngành truyện tranh. Đây chính là nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ cho các tác giả Pháp xuất bản, phát hành truyện tranh của mình. Hằng năm Pháp xuất bản hơn 5.300 cuốn truyện tranh, đem đến doanh thu tương đương 9,1% tổng doanh số bán sách ở tất cả các thể loại.

Ông Thierry Groensteen, Trung tâm quốc tế về truyện tranh và hình ảnh Angoulême cho rằng, sự phát triển thể loại truyện tranh ở Pháp cho thấy, điều quan trọng trước tiên là phải thay đổi cách làm để thay đổi nhận thức rằng truyện tranh có thể truyền tải thông điệp, vấn đề. Ở Pháp, những tờ báo dành cho người lớn được đan xen các chuyên mục trong đó truyện tranh được lấy làm minh họa. Pháp cũng có một bảo tàng về truyện tranh… tạo “thiết chế” cần thiết cho thể loại này. “Với Việt Nam, ngoài các nhà xuất bản với tư cách là tác nhân tạo đòn bẩy để hình thành nên thị trường này, Nhà nước cũng nên hỗ trợ bằng cách tổ chức các festival, sự kiện tạo sân chơi khuyến khích họa sĩ sáng tác”, ông Thierry Groensteen nói.

 NGỌC HÀ

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top