Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sợ rằng khán giả thích “mang rạp về nhà”

Thứ Sáu 11/06/2021 | 13:58 GMT+7

VHO- Covid-19 xuất hiện đã tác động và làm thay đổi xu hướng phát triển của điện ảnh. Những làn sóng liên tiếp của đại dịch buộc các nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh phải chấp nhận thực tế là khán giả giờ đây thích “mang phim về nhà” để thưởng thức. Đây là một thách thức và cũng là nỗi lo canh cánh về sức hút trở lại của các rạp chiếu khi mà dịch bệnh qua đi…

 Công chúng luôn sẵn sàng đến rạp để ủng hộ những bộ phim Việt chất lượng cao (trong ảnh: Khán giả xếp hàng mua vé xem phim “Bố già”, tháng 3.2021)

 Theo khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường, tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến tăng mạnh trong thời gian qua do mọi người giảm thiểu việc ra ngoài vui chơi, giải trí. Nhiều gia đình thích thú với lựa chọn tiện lợi và an toàn này. Họ có thể ở nhà mà vẫn được xem phim thỏa thích, tiết kiệm tiền vé vào rạp.

Thay đổi để thích ứng là tất yếu

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, nếu trước đây việc phát hành ngoài rạp luôn là ưu tiên số 1 và đem lại nguồn thu chính thì nay, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn, làm thay đổi cả thói quen xem phim của khán giả và phương thức phát hành truyền thống. Thực tế này đã được ngành điện ảnh nhận thấy rõ từ những đợt sóng Covid-19 trước, và ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Phát hành phim theo phương thức truyền thống, tức là công chiếu tại các rạp lâu nay luôn được nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng. Thời điểm ra mắt là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của phim chiếu rạp. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến mọi trật tự cũ bị đảo lộn, nhiều nhà sản xuất phải hoãn, lùi kế hoạch ra rạp hoặc lựa chọn những hình thức linh hoạt hơn, như trình chiếu tại những thị trường an toàn, nơi các rạp chiếu bóng được phép hoạt động. Xáo trộn này cũng được nhận thấy khá rõ trong việc liên tục điều chỉnh, dời lịch chiếu của nhiều tác phẩm hứa hẹn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 còn làm thay đổi hành vi, thói quen của khán giả khi đến rạp. Việc phải thực hiện các quy định về giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn… khiến khán giả ngần ngại phải đến những nơi đông người. Nhiều người đã bỏ thói quen đi xem rạp.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, thời điểm đắt khách trong năm của phim rạp là dịp hè và mùa phim Tết. Nhưng vì đại dịch mà các “vụ mùa” này trong gần 2 năm qua không thể mang lại nhiều doanh thu như kỳ vọng cho điện ảnh. “Phim hay không thiếu, nhưng kể cả các rạp có được mở cửa trở lại và chiếu phim vào thời điểm này thì chắc chắn lượng khách tới rạp sẽ không đông, thu không đủ bù chi…”, ông Dương nói và thừa nhận, Covid-19 đã khiến người xem đột ngột thay đổi xu hướng hưởng thụ điện ảnh. Đây cũng là một thách thức đối với điện ảnh sau khi bão tố Covid-19 qua đi.

Phát hành phim online cũng đã được nhiều nhà sản xuất chuyển hướng như một hình thức đem tới độ phủ sóng rộng hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách và cũng thích ứng với các quy định về giãn cách xã hội. Xu hướng này nhanh chóng được các nhà sản xuất tại Việt Nam kịp thời nắm bắt và tham gia. Nhiều phim Việt của các đơn vị sản xuất phim tư nhân được phát hành trên nền tảng Netflix như Em chưa 18, Hạnh phúc của mẹ, Hậu duệ mặt trời, Lửa Phật, Ngôi nhà bươm bướm, Siêu sao siêu ngố, Trời sáng rồi ta ngủ thôi, Hương ga, Mẹ chồng, Về quê ăn tết…

Liệu khán giả có quên… rạp chiếu?

Tại Việt Nam, các ứng dụng xem phim online nổi bật phải kể đến Galaxy Play, FPT Play, Netflix, Apple TV đang ngày một lớn mạnh và có lượng khán giả truy cập cao. Đỗ Phương Linh, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi có phim mới em thường cùng bạn bè tới rạp xem. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, gia đình em đã thay đổi thói quen và thấy rằng không cần ra ngoài cũng vẫn theo dõi được các bộ phim điện ảnh mới nhất”. Dù không có được những ưu điểm như cảm giác xem phim tại rạp, nhưng các ứng dụng xem phim trực tuyến cũng có lợi thế riêng, đặc biệt là rất an toàn và không lo phải thực hiện 5K. Tuy nhiên, xu hướng mới này cũng kéo theo một số vấn đề về bản quyền, kiểm soát việc đưa phim lên các nền tảng trực tuyến. Nhiều nhà sản xuất trong nước kỳ vọng trong Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua trong thời gian tới sẽ có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, dịch bệnh khiến chúng ta chứng kiến sự thay đổi thói quen từ cả nhà sản xuất và công chúng. “Đó là điều tất yếu, tuy nhiên không thể không lo lắng khi ngày càng đông khán giả hài lòng với lựa chọn xem phim ở nhà. Với chi phí không cao, thao tác đơn giản, những “rạp chiếu” tại gia thời dịch bệnh có thể bị xem là nguy cơ đối với phim chiếu rạp”, ông Vi Kiến Thành nói và nhấn mạnh, ngay trong thời điểm này, các nhà làm phim phải tính toán đến những giải pháp căn cơ để kéo khán giả quay trở lại rạp khi hết dịch bệnh bằng những bộ phim hay, những “bom tấn” điện ảnh mới.

Nhìn lại màn ảnh rộng của năm 2020, điện ảnh Việt mất hẳn mùa phim lễ 30.4 và 1.5, sau đó bắt đầu trở nên tươi sáng hơn nhờ thành công của Ròm - bộ phim tiên phong ra rạp thời hậu dịch bệnh. Sau Ròm, phim Việt tự tin ra rạp nhiều hơn và cú nổ phòng vé mang tên Tiệc trăng máu (175 tỉ đồng) càng khiến khán giả hào hứng. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, điện ảnh Việt tiếp tục ra mắt Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử gặt hái không ít thành công với doanh thu hơn 80 tỉ đồng. Bùng nổ hệ thống rạp với Bố già, doanh thu trong nước 420 tỉ đồng… là minh chứng sống động cho thấy khán giả luôn sẵn sàng đến rạp để ủng hộ những bộ phim chất lượng cao.

Tính toán các giải pháp để tăng tốc độ phục hồi của điện ảnh Việt sau mỗi làn sóng đại dịch luôn khiến các nhà điện ảnh đau đầu. Theo ông Vi Kiến Thành, trong bối ảnh hiện nay, có nhiều giải pháp đã được tính đến. Trong đó, việc nhập phim để phát hành cần chọn lọc kỹ lưỡng về chất lượng, chú trọng phim hay. Cùng với đó, các nhà làm phim trong nước cần nỗ lực hết sức để có được những tác phẩm điện ảnh đủ sức kéo người xem quay lại với thói quen xem phim truyền thống. “Những Tiệc trăng máu, Bố già… cho thấy các rạp chiếu luôn có ưu thế và đủ sức hút đông đảo người xem, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong điện ảnh”, theo Cục trưởng Vi Kiến Thành.

Về bình ổn hoạt động rạp chiếu phim khi dịch qua đi, ông Vi Kiến Thành cho biết, Cục sẽ thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại bằng các biện pháp phối hợp tuyên truyền kích cầu, tạo điều kiện thẩm định và phân loại phim nhanh hơn để sớm đưa phim ra công chiếu. Cục có thể làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động điện ảnh tại các rạp, tổ chức và phối hợp tham gia các sự kiện điện ảnh nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả. Cũng theo Cục trưởng, việc tập trung tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII tại Huế vào tháng 9.2021 một cách thiết thực, hấp dẫn cũng là một giải pháp kích cầu điện ảnh hiệu quả. 

BẢO ANH

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top