Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc gần 300 bộ phim bị hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam: Cục Điện ảnh nói gì?

Thứ Bảy 01/04/2023 | 22:03 GMT+7

VHO- Xung quanh nội dung đơn kiến nghị gửi Bộ VHTTDL của nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam về đánh giá mức độ thiệt hại của gần 300 bộ phim nhựa bị hỏng, đồng thời có phương án để Vivaso in bù lại số phim, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã trao đổi với Văn Hoá về nội dung này.

Nhân viên Kho phim của Viện Phim Việt Nam giới thiệu bản gốc phim Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam đang được bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại Viện Phim 

. PV: Nghệ sĩ, cán bộ của Hãng phim truyện Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL về gần 300 bộ phim nhựa đã hỏng, mốc tại kho phim của hãng. Các nghệ sĩ cho rằng cần giải quyết, khắc phục thiệt hại này? Ông có ý kiến gì?

Cục trưởng Vi Kiến Thành: Nhằm đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét. Thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này theo tôi đã diễn ra vài năm nay rồi, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn.

Bản gốc phim Chung một dòng sông được bảo quản tại Viện Phim Việt Nam 

Sau cổ phần hoá, trách nhiệm quản lý, bảo quản và đầu tư cơ sở vật chất tại Hãng phim, trong đó có kho phim thuộc về Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần. Các nghệ sĩ của Hãng phim hầu như không có ai được vào kho phim để nắm bắt thực trạng những bộ phim được bảo quản như thế nào.

Bản gốc phim Con chim vành khuyên và Vợ chồng A Phủ được bảo quản, bọc màng phức hợp, hút chân không tại kho phim của Viện Phim Việt Nam

291 bộ phim này gồm có 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ. 13 phim còn lại do Hãng phim truyện Việt Nam tự khai thác, hợp tác sản xuất. Trước đây, trong thời kỳ điện ảnh sản xuất phim nhựa, mỗi phim trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim. Hiện nay các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị.

. Ông có ý kiến gì trước thông tin cho rằng các bản phim ở Hãng phim là bản hoàn chỉnh nhất về định sáng, chỉnh màu?

Phim positive là phim đã được định sáng, chỉnh màu, đồng bộ tiếng... và sẵn sàng để chiếu, trong khi đó bản gốc - negative (âm bản) là phim chưa hoàn thiện qua các công đoạn trên.

Bản gốc phim Em bé Hà Nội

Bên cạnh đó, cần phải nói rõ rằng, từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam luôn được quy định là đơn vị sản xuất phim, không phải là cơ sở lưu trữ. Luật Điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hoá chỉ duy nhất có Viện phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện phim. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh cách mạng khi tạm lưu ở Hãng phim là những bản để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim. Với đặc thù phim nhựa, khi sản xuất phim xong, bản Positive hoàn chỉnh được gửi một bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, một bản lưu trữ tại Viện phim. Sau thời hạn lưu chiểu, bản phim tại Cục Điện ảnh được đưa về lưu tại Viện phim.

Bản gốc phim Sao tháng Tám được bảo quản tại Viện phim Việt Nam

Như vậy, Viện phim có hai bản gốc. Bản gửi tại Cục Điện ảnh để lưu chiểu là bản Positive hoàn chỉnh. Viện Phim VN lưu trữ, bảo quản cả bản gốc là Negative Son+ Negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản Positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình. Nguyên tắc là vậy, tuy nhiên các Hãng phim, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam vẫn lưu thêm một bản nữa và để phục vụ công việc họ chuyển từ bản negative (âm bản) sang bản positive (dương bản) là bản hoàn thiện của một bộ phim. Vì thế, không thể cho rằng các bản phim ở Hãng mới là bản hoàn chỉnh nhất về định sáng, chỉnh màu…

. Ý kiến rằng 300 phim ở Hãng "chỉ là bản sao” được các nghệ sĩ cho là không chính xác, gây hiểu lầm. Quan điểm của ông như thế nào?

Như tôi đã nói, nguyên tắc là bản gốc của các bộ phim Nhà nước đặt hàng đương nhiên phải nộp về Viện phim Việt Nam. Những bản phim gốc theo pháp lý quy định này trong nhiều thập kỷ qua vẫn luôn được bảo quản đúng tiêu chuẩn, an toàn tại Viện phim; với điều kiện kho, nhiệt độ đạt chuẩn, các thiết bị về phòng cháy chữa cháy… Cùng với bản phim gốc, hồ sơ lưu tại Viện phim Việt Nam còn bao gồm đầy đủ kịch bản, poster quảng cáo, bản phim duyệt, bản phim chính. Nghĩa là toàn bộ các thành phần tạo nên từng bộ phim đều được lưu tại Viện phim.

Bản gốc phim Đêm hội Long Trì tại kho phim Viện phim Việt Nam

Trong khi đó, các bản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam sau một thời gian không được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn nên chất lượng của phim bị hỏng hóc. Tuy nhiên, trước thực trạng của 278  bản phim tại Hãng phim như hiện nay, để xác định rõ mức độ thực tế cũng cần có ý kiến, phân tích của các chuyên gia có chuyên môn sâu về kỹ thuật điện ảnh nói chung, kỹ thuật in tráng phim nhựa, kỹ thuật chỉnh tiếng, chỉnh màu nói riêng.

Bản gốc phim Bến không chồng tại kho phim Viện phim Việt Nam

 . Các nghệ sĩ còn đưa ra kiến nghị Vivaso in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế? Ông có suy nghĩ gì?

 Đây là vấn đề chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay cũng như không phù hợp theo quy định của Luật Điện ảnh. Tôi hiểu rằng các nghệ sĩ rất bức xúc trước thực trạng nói chung của Hãng phim cũng như tình cảnh của kho phim hiện giờ. Việc không chú trọng bảo quản tạo nên hỏng hóc nặng nề như thế này chắc chắn tạo nên thiệt hại không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần.

  . Ông có ý kiến thế nào trước phát ngôn rằng phía nhà đầu tư chiến lược không được giao nhiệm vụ và cũng không đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật để lưu trữ các cuộn phim nhựa lâu dài?

Bản gốc phim Mùi cỏ cháy

 Vivaso mua lại 65% cổ phần của Hãng phim, trở thành nhà đầu tư chiến lược và quyết định toàn bộ việc vận hành của hãng. Vì vậy họ phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ kho phim với hàng trăm cuốn phim nhựa giá trị. Đặc thù của những cuốn phim này đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, phải có các chuyên gia kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ chứ không thể bỏ bẵng đi trong suốt một thời gian như thế. Nếu Hãng phim coi những bản phim này là tài sản thì nhất thiết phải có kế hoạch và phương án bảo quản. Những cuốn phim nhựa lâu năm nhưng tồn tại trong bối cảnh không có điều hoà chạy, không được hút ẩm thường xuyên thì hỏng hóc là điều chắc chắn.

          . Xin cảm ơn ông!

HÀ PHƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top