Iraq tiếp nhận hàng trăm cổ vật thất lạc trong chiến tranh

VHO- Trong số các hiện vật được thu hồi có 331 phiến đất sét khắc chữ hình nêm (một trong những hệ thống chữ viết sớm nhất trong lịch sử nhân loại, xuất hiện từ khoảng năm 3200 trước Công nguyên).

Iraq tiep nhan hang tram co vat that lac trong chien tranh hinh anh 1

Các cổ vật mà Liban bàn giao cho Iraq. (Nguồn: EPA)

Ngày 7.2, Bộ Văn hóa Liban đã bàn giao cho Iraq 337 cổ vật, vốn là những hiện vật đã bị đưa ra khỏi quốc gia Trung Đông này kể từ khi Mỹ triển khai quân đội tại Iraq vào năm 2003.

Số hiện vật này từng được trưng bày tại một bảo tàng ở Liban trong nhiều năm cho tới khi nhà chức trách Liban xác nhận những cổ vật này thuộc về Iraq.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Laith Hussein - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về cổ vật và di sản của Iraq - cho biết trong số các hiện vật được thu hồi có 331 phiến đất sét khắc chữ hình nêm (một trong những hệ thống chữ viết sớm nhất trong lịch sử nhân loại, xuất hiện từ khoảng năm 3200 trước Công nguyên) có niên đại từ Đế chế Akkadia và các triều đại sơ khai khác cách đây hơn 4.000 năm, trong khi 6 hiện vật còn lại thuộc Đế chế Babylon cổ đại cách đây hơn 3.000 năm.

Cuối năm 2021, Iraq thông báo thu hồi 17.916 cổ vật đã bị cướp bóc và buôn lậu khỏi nước này, trong đó có nhiều phiến đất sét có niên đại cách đây 4.500 năm, khắc chữ hình nêm ghi lại nội dung các cuộc trao đổi thương mại trong nền văn minh Sumer.

Ông Hussein nêu rõ Iraq sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm thu hồi cổ vật, đồng thời cho biết nước này chuẩn bị tiếp nhận thêm nhiều cổ vật từ các nước châu Âu.

Theo số liệu thống kê chính thức, đã có khoảng 15.000 hiện vật có giá trị từ thời kỳ đồ đá, thời kỳ Babylon, Assyria và Hồi giáo đã bị phá hủy hoặc mang ra khỏi Iraq sau cuộc chiến tranh mà Mỹ và các đồng minh phát động năm 2003.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phá hủy Bảo tàng Mosul cùng hai thành phố cổ Hatra và Nimrud, đồng thời cướp bóc và buôn lậu một lượng lớn cổ vật của Iraq.

IS từng kiểm soát 30% lãnh thổ Iraq từ năm 2014 tới 2017 trước khi bị các lực lượng của Iraq và quốc tế đánh bại.

Hiện hơn 10.000 địa điểm ở Iraq được chính thức công nhận là di chỉ khảo cổ nhưng hầu hết những địa điểm này không được bảo vệ an toàn và nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng cướp phá.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc