Chạy đua vào VFF: "Chờ được vạ thì má đã sưng"

VH- Tung “bom bẩn” rồi chạy đua ngầm, dùng đủ các chiêu trò giữa các ứng cử viên, khiến cho Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII dù đến tháng 4 mới diễn ra nhưng đã nóng rần rật từ trước đó.

Chạy đua vào VFF:
 

Liệu ông Trần Anh Tú có đủ bản lĩnh, có đủ tín nhiệm để ngồi lên chiếc ghế mà Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức để lại? Ảnh: Quang Thắng

Có lẽ hiếm có tổ chức xã hội nghề nghiệp nào mà vấn đề nhân sự trước thềm Đại hội lại thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và khiến báo chí tốn nhiều giấy mực đến vậy.

Lãnh đạo một câu lạc bộ lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi đau đầu vì những cuộc vận động trước thềm Đại hội. Điện thoại hết của người nọ đến người kia, “dây” nọ đến “dây” kia “réo” đến tới tấp. Bình thường, chẳng thấy làm gì chứng minh cho tình yêu đích thực với bóng đá nhưng giờ thì “nhảy” vào vận động tùm lum. Trong khi những người đang hằng ngày, hằng giờ “sống, chết” vì bóng đá thì chẳng thấy ồn ào đến vậy. Tình hình thế này thì khi ra Đại hội cũng chưa biết các lá phiếu có đủ bản lĩnh để tìm ra được những người thực sự tâm huyết với bóng đá không?”. Và không chỉ lãnh đạo CLB này mà ngay cả những người thạo tin của làng bóng, giờ chỉ cần nhìn qua là biết ông nào theo “dây” nào, vận động cho “dây” nào. Thậm chí, một số người trong giới truyền thông cũng bị cuốn vào vòng xoáy mà lẽ ra chỉ là chuyện của riêng làng bóng đá, riêng VFF.

Theo danh sách dự kiến Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ tới mà Văn Hóa có được thì trong số 43 ứng cử viên sẽ đưa ra bầu tại Đại hội, “nóng” nhất là vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông với 5 cái tên là đương kim Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ; Nguyên Phó Chủ tịch Phụ trách truyền thông Nguyễn Lân Trung; Tổng biên tập Báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú; Nguyên Tổng giám đốc PVF Cao Văn Chóng và một nhân vật đầy mới mẻ nhưng xuất thân khủng từ một đơn vị giàu tiềm lực về tài chính là ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Phụ trách truyền thông Ngân hàng HDBank. Vị trí nóng tiếp theo là Chủ tịch VFF với 4 ứng cử viên là các ông: Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII; Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu LHTTQG; Lê Quý Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic VN; Nguyễn Công Khế, CTHĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên.

Ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn là các ông Dương Vũ Lâm, Phạm Ngọc Viễn. Và vị trí vừa gây ồn ào những ngày qua là chiếc ghế dành cho Phó Chủ tịch Phụ trách tài chính và vận động tài trợ, hiện chỉ có một ứng cử viên duy nhất là ông Trần Anh Tú (hay còn gọi là Tú Futsal). Mấy ngày qua, ông Tú bỗng trở thành nhân vật cực “hot” trên mặt báo bởi “búa rìu” từ bầu Đức, đương kim Phó Chủ tịch phụ trách mảng việc này của VFF. Sau một thời gian im ắng, bầu Đức bỗng xuất hiện với hàng loạt chỉ trích nhắm vào ông Tú, từ việc ông Tú đang đảm nhiệm nhiều chức vụ đến chuyện tại sao vị trí này chỉ có một ứng cử viên là ông Tú rồi ồn ã xung quanh việc bầu Đức cũng được giới thiệu nhưng lại không có trong bản danh sách dự kiến này.

Giống như bầu Đức, ông Trần Anh Tú cũng là người đã gắn với nhiều thành công của bóng đá Việt Nam. Vốn là một doanh nhân “máu” bóng đá nên ông Tú “nhảy” vào đầu tư cho Futsal, và năm 2016 khi đội Futsal trở thành đội bóng đầu tiên của Việt Nam giành được vé dự vòng chung kết thế giới, bầu Tú được ca ngợi hết lời cũng gần như bầu Đức khi đội bóng của những Công Phượng, Xuân Trường tỏa sáng. Tình yêu và những gì mà hai vị doanh nhân này đã làm cho bóng đá Việt Nam là cái mà những người yêu bóng đá đều có thể nhìn thấy được. Thế nên ở nhiệm kỳ trước, bầu Đức mới được tín nhiệm cho vị trí quan trọng, quyết định đến “miếng cơm, manh áo” của VFF là chiếc ghế phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Nhưng khổ nỗi sau khi ngồi lên ghế nóng, bầu Đức gần như “mất dạng” ở VFF, ngoài các phát ngôn gây sốc, ông bầu cá tính này chưa cho thấy dấu ấn nào ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Cuối cùng câu chuyện kiếm tiền của VFF lại tiếp tục đổ lên vai của những người tưởng như chỉ làm công tác về chuyên môn.

Không giống hình ảnh bầu Đức ở nhiệm kỳ trước, được tiền hô, hậu ủng vào VFF, bầu Tú chưa bước vào ghế nóng VFF thì đã bị rơi vào cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”. Vì vậy, đây chính là thời điểm để bầu Tú chứng minh rằng ông có đủ bản lĩnh để bước vào ngôi nhà VFF hay không?

Vì thế, chuyện bình yên ở khóa tới của VFF phụ thuộc khá nhiều vào lá phiếu của các đại biểu, khi lựa chọn được những người có đủ khả năng, trình độ, uy tín và thực sự có tâm, có tầm, có trách nhiệm, vì tình yêu với bóng đá nước nhà. 

Vân Giang

 

Ý kiến bạn đọc