Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Thể thao cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn

VHO - Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Thể dục thể thao và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị cho Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam vào chiều 7.12 tại Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị cần được tổ chức thực chất, thiết thực, hiệu quả. Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Đã đến lúc Thể thao Việt Nam cần có cách nhìn nhận mới

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Cục Thể dục thể thao trong thời gian qua. Thể thao Việt Nam đã phát triển dựa trên hai trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao nên đạt được khá nhiều kết quả. Về thành tích của thể thao thành tích cao, những kết quả đạt được tại đấu trường khu vực là đáng để ghi nhận mà gần đây nhất là kết quả dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 32.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Thể thao cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi họp

Những thành tích đó đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, thì thành tích ở nhiều môn còn chưa ổn định, lúc trồi, lúc sụt, khi ra đấu trường Asian Games và Olympic thì còn một khoảng cách và chưa thể đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ. Vì thế ngành cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn.

Trước mắt để giải quyết những vấn đề cấp bách thì Hội nghị bàn về các giải pháp sẽ giúp cho lĩnh vực thể thao có được những cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để trả lời được câu hỏi: Làm sao để cải thiện được thành tích của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Asian Games và Olympic. Từ đó thấy được giải pháp và dự đoán được thành tích trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Thể thao cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn - Anh 2

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho ý kiến tại cuộc họp

Thực tiễn qua Olympic 2020, Asian Games 2018 và 2022 cũng chỉ ra rằng đã tới lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asian Games và Olympic trong giai đoạn tới. Xuất phát từ lý do đó, Bộ VHTTDL giao Cục Thể dục thể thao xây dựng tổ chức Hội nghị bàn về những giải pháp cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp lớn đóng vai trò "kim chỉ nam" cho việc xây dựng các kế hoạch, định hướng mục tiêu, giải pháp cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới tương xứng với vị thế của Việt Nam trong thời gian tới.

Tạo được sự đồng thuận để phát triển thể thao thành tích cao

Bộ trưởng mong muốn sau Hội nghị, Thể thao Việt Nam sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội để phát triển thể thao thành tích cao; các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng sẽ là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhấn được vào trọng tâm, trọng điểm là những khó khăn, vướng mắc của Thể thao Việt Nam để từ đó cùng luận bài, tìm cách tháo gỡ.

Bộ trưởng yêu cầu ngành thể thao cần phân tích để thấy rõ được nguyên nhân của những thành công và những tồn tại, hạn chế mà qua việc tham dự các kỳ Đại hội, gần đây nhất là tại Asian Games 19, từ đó rút ra bài học cần thiết.

 "Hội nghị diễn ra là một sự kiện rất ý nghĩa, bổ ích, phù hợp và cấp thiết với tình hình thực tiễn của Thể thao Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Để hoạch định và có những hướng đi mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn về khâu tuyển chọn, đào tạo VĐV đỉnh cao phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những quốc gia mạnh trong châu lục và thế giới thì ngay từ lúc này các nhà quản lý, đội ngũ làm công tác chuyên môn, huấn luyện phải thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận, phân tích cụ thể những khó khăn, hạn chế đối với từng bộ môn thể thao thành tích cao. Do đó, Hội nghị lần này nên tổ chức theo phương thức mở, tức là như một diễn đàn, lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực, cũng như trái chiều về những mặt được và chưa được của thể thao thành tích cao Việt Nam từ các thành viên dự Hội nghị. Có như vậy, sự kiện mới mang lại hiệu quả cao, đạt được sự kỳ vọng và mong muốn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng".

(Ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam)

Thể thao Việt Nam cũng cần phải xem lại quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện đã chuẩn chưa. Chúng ta đã thực sự tìm ra đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện chưa? Về công tác này cần kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh nếu việc huấn luyện chưa thực sự hiệu quả. Cục Thể dục thể thao cũng cần nghiên cứu xem xét cần kiến nghị gì với Bộ, để Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc về chế độ, chính sách cho tập huấn, thi đấu nâng cao thành tích, nhất là việc huy động được các nguồn lực xã hội hoá để phát triển thể thao Việt Nam nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo Cục TDTT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị và báo cáo trung tâm đã đánh giá đúng thực trạng của ngành, các mục tiêu đặt ra đều sát và đúng. Về Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đó là, vấn đề quan trọng là cần phải có giải pháp chi tiết với các mục tiêu cụ thể tại các giải thể thao trong thời gian tới, trước mắt là Olympic Paris 2024.

Báo cáo về công tác chuẩn bị Hội nghị, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết, Hội nghị dự kiến tổ chức trong thời gian 1 buổi vào giữa tháng 12.2023 với sự tham dự của các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cho các Liên đoàn, Hiệp Hội, các địa phương.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Thể thao cần một chiến lược tổng thể phát triển dài hạn - Anh 3

Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam tại Asian Games và Olympic

Hội nghị gồm 4 phần chính: Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực VĐV, định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm; Tham luận của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia Thể dục thể thao; Trao đổi, tham gia ý kiến dưới góc nhìn của các Liên đoàn thể thao quốc gia, HLV, nhà quản lý, chuyên gia và các đại biểu dự Hội nghị; Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đến thời điểm này, Cục Thể dục thể thao đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị trình lãnh đạo Bộ VHTTDL cho ý kiến; Cơ bản hoàn thành Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực VĐV, định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm; Đặt hàng các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học Thể dục thể thao…

“Hội nghị  sẽ là cơ hội quý để những nhà quản lý, làm chuyên môn trong lĩnh vực Thể dục thể thao tham khảo, lắng nghe, hiến kế, ý tưởng, phương pháp phát triển mới từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực TDTT cũng như tiếng nói thực tiễn từ công tác huấn luyện, quản lý, truyền thông về thể thao. Qua đó giúp chúng ta nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh của Thể thao nước nhà nhằm sớm tìm ra những hướng đi, sự điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn”.

(Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt)

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục Thể dục thể thao tích cực chuẩn bị cho Hội nghị. Hội nghị phải được tổ chức thành công, tạo được tiếng nói chung, đồng thuận, góp phần huy động được thêm nhiều nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam nói chung và việc nâng cao thành tích nói riêng.

THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG

Ý kiến bạn đọc