Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới Everest

Thứ Hai 30/05/2022 | 11:02 GMT+7

VHO- Ngày 15.5 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh Nhã đã ở điểm ngưỡng chết “death zone” (độ cao 7.906 mét), tức là nơi nguy hiểm nhất thường gây ra nhiều cái chết bất ngờ đối với các nhà thám hiểm chinh phục nóc nhà thế giới Everest. Chị chộn rộn không ngủ, xuất phát luôn trong đêm, vượt chặng đường cuối cùng để kịp tới Everest vào sáng sớm hôm sau.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã tại đỉnh Everest

 Giây phút hồi hộp

Là một luật sư (Đoàn Luật sư TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Nhã cười và nói giọng vô tư, “thôi, đừng hỏi tuổi em làm gì, mà cũng đừng viết là em đi đây đi đó khắp thế gian”.

Lần đầu phỏng vấn Nhã, tôi phải hỏi điều này, vì trên trang cá nhân mang tên Céline Thanh Nhã, chị viết dòng bình luận về những chuyến đi của tới những điểm thám hiểm khắc nghiệt nhất: Đỉnh Lênin Peak, độ cao trên 7.000 mét. Đỉnh núi này nằm trên biên giới của Tajikestan và Kyrgyzstan.

Ngoài ra, chị còn đi qua các đỉnh Aconcagua, nằm trong dãy Andes, cao 6.959 mét, nằm ở khu vực Tây Nam bán cầu, thuộc địa phận Argentina, là đỉnh núi cao nhất châu Mỹ. Gần đây nhất, chị lên đỉnh Vinson, cao 4.892 mét, là đỉnh cao nhất Nam Cực. Đỉnh núi này được đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Carl Vinson. Các đỉnh Elbrus (5.642 mét) trong dãy Kavkaz cao nhất châu Âu cũng là nơi mà chị đã chinh phục. Còn tháng 5 này là đỉnh Everest, nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ.

Nhật ký chinh phục đỉnh Everest được chị tóm lược: Ngày 12.5, lúc 1 giờ sáng leo từ Basecamp, vượt thác băng Khumbu đến Camp 1. Leo khuya để băng còn cứng. Thác băng này rất nguy hiểm, nếu leo trưa nắng nguy cơ băng mềm và đổ xuống đầu rất cao. Ngày 13-5, leo từ Camp 1 lên Camp 2; ngày 14.5 leo từ Camp 2 lên Camp 3 nằm giữa lưng chừng ở Lhotse Face; ngày 15.5 leo từ camp 3 lên camp 4. Dừng lại ở Camp 4 vài giờ đồng hồ, sắp xếp đồ đạc nghỉ ngơi và tiếp tục đi thẳng lên đỉnh.

Hình ảnh mà chị Nhã chia sẻ khá thú vị, đó là giữa những dãy núi băng trắng toát bỗng vang lên tiếng máy bay trực thăng. Mọi người đứng bên vách núi Lhotse Face và Nuptse, trông chờ để đội cứu hộ đưa một nhà thám hiểm đi cấp cứu từ Camp 2. Từ khu vực này tới Camp 3 không xa, nhưng liên tục có âm thanh của núi tuyết sập xuống. Những người từng chinh phục Everest đi qua cung đường này mô tả, bề ngang của con đường chỉ lọt đôi giày và nếu sơ xảy là ngã xuống những khe nứt của băng không nhìn thấy đáy.

 Chị Nhã từng chinh phục nhiều đỉnh cao trên thế giới. Trong ảnh là chinh phục đỉnh núi Lênin nằm giữa biên giới Tajikestan và Kyrgyzstan. Ảnh nhân vật cung cấp

Khe băng tử thần

Từ năm 2019 đến nay, tình hình nóng lên toàn cầu được thấy rõ nhất từ dãy Himalaya hùng vĩ. Nhiều khu vực băng tan chảy nên để lộ ra hàng trăm tử thi của các nhà leo núi đã nằm lại. Sự linh thiêng của dãy Himalaya hùng vĩ, cùng biết bao nhiêu câu chuyện kỳ lạ, mang màu sắc huyền bí, nên trước khi đoàn thám hiểm vượt sông băng Khumbu khét tiếng, các vị Lạt Ma đã làm lễ Puja trong suốt 2 giờ đồng hồ để cầu chúc may mắn cho mọi người. Chị Nhã được Lạt Ma phát cho chiếc khăn màu trắng rất dài đã được ban phép màu.

Trên đường lên Everest luôn râm ran nhiều câu chuyện huyền bí. Pemba Dorje, nhà leo núi người Nepal từng lập kỷ lục chinh phục Everest nhanh nhất thế giới vào năm 2004 đã kể lại với báo chí: “Khi tôi quay trở xuống tới đèo South Col thì gặp một nhóm các nhà leo núi và tất cả đều đã qua đời, nằm vùi dưới băng tuyết lạnh. Khi dừng lại ở một đống đá, tôi thấy một vài bóng đen đang tiến tới, vươn tay và cầu xin thứ gì đó để ăn. Tôi nghĩ đó là linh hồn của những người leo núi đã chết trong và sau khi lên đỉnh Everest”.

Trước tình hình ấm lên toàn cầu, băng tuyết trên đỉnh Himalaya bắt đầu rùng rùng tan chảy. Có rất nhiều hố băng sâu thẳm như địa ngục hiện ra trên đường đi. Thanh Nhã và các nhà thám hiểm phải liên tục sử dụng thang nhôm nối với nhau để gác qua hai bên mép nứt. Hình ảnh cô đi đôi giày đinh như gai mắt mèo, bước từng bước một trên thang nhôm phát ra âm thanh lách…cách nghe rất đáng sợ. Vậy nhưng cuối cùng Thanh Nhã vẫn bị rơi lộn xuống một vết nứt. Giây phút hãi hùng đó được cô thuật lại là đã hét to tới mức cả trại gần đó đều nghe thấy. Nhờ có dây bảo hiểm nên cô treo lơ lửng, nếu không đã biến mất dưới khe băng không nhìn thấy đáy.

Còn rất nhiều thử thách khác mà người chưa từng leo núi không tưởng tượng ra nổi, đó là “tắc đường”. Từ Camp 3 lên trạm nối tiếp ở độ cao 7.950 mét, thỉnh thoảng bị tắc đường bởi dòng người nối nhau. Nguy hiểm hơn nữa là từ Camp 4 lên tới Everest thì tình hình tắc đường nhiều khi còn tệ hơn nữa, trong khi đây là điểm chết và con người không thể lưu lại quá lâu vì sẽ bị phù não, đổ ập xuống và nằm lại trên đỉnh núi.

 Đoàn nhà thám hiểm chinh phục Everest Ảnh tư liệu

Trước mắt là một cái xác…

Từ tối ngày 15.5, Thanh Nhã đã khởi hành thật sớm để tránh bị “kẹt xe” đỉnh núi. Trước khi chinh phục Everest, ai cũng đọc qua dòng thông tin về cái chết do dòng người nối dài trên nhiều đoạn sống núi, trong đó có địa danh là phiến đá Hillary Step để tiến tới đỉnh Everest. Vào ngày 22.5.2019, hơn 100 người nối với nhau bằng sợi dây an toàn và nhích từng bước chân trên sống núi, tiến những bước cuối cùng tới đỉnh Everest. Dưới nhiệt độ âm 30 độ C, nên cơ thể nhanh chóng sử dụng hết bình oxy dự phòng, 11 người đổ gục và nằm lại giữa băng giá.

Đi suốt đêm ròng rã, bước sang ngày 16.5, chị đến gần chạm đích. Lượt trích những đoạn chị viết trên trang cá nhân để thấy được sự khắc nghiệt và cái chết luôn chực chờ sát bên cạnh nhà thám hiểm: “Mình sợ sẽ kiệt sức ở khúc này, không đu dây được và… ngủm. Đang háo hức và cẩn thận băng qua vách vực, gần như không gì có thể cản nổi summit nữa, tim mình bỗng tụt luôn nhịp, tay chân cóng đơ. Trước mắt là một cái xác nằm gần như ngay chắn bên đường đi. Muốn vượt qua thì phải bám vào tảng đá cách đầu ông ấy chừng một bàn chân. Mình ngần ngừ… tảng đá này to và rất trơn, rất khó giữ thăng bằng. Kiểm tra kỹ lại clip vào rope, mình hít một hơi thật sâu và rón rén bước gần qua xác ông ấy. Miệng Nam mô a di đà Phật liên hồi (tại mình theo đạo Phật)”.

Khi vừa vượt qua cái xác thứ nhất thì cái xác thứ 2 lại đập vào mắt và chị miêu tả là chưa kịp hoàn hồn trở lại thì lại tiếp tục “trụy tim” vì sợ. Khi những bước chân cuối cùng chạm đỉnh Everest được chị viết một cách trân trọng: “Hít thêm vài phát oxy cho bớt sợ, lấy thêm dũng khí, mình bước từng bước một, tiến dần lên đỉnh thật chậm, thật từ từ và cảm nhận dư vị ngọt ngào của việc đứng trên điểm cao nhất của hành tinh này”.

Chị Nguyễn Thanh Nhã thuộc thế hệ 8X, tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành Luật ở Trường Đại học Sorbonne và Đại học Panthenon Assas (Pháp), là người sáng lập Công ty luật Celigal, hiện làm việc cho Openasia group.

 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top