Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Bước vượt khó “ngoạn mục” từ chuyển đổi số

Thứ Tư 24/03/2021 | 11:36 GMT+7

VHO- Có thể thấy, việc chuyển đổi số lúc này là lời giải cho những chuyển động hiệu quả của ngành xuất bản trong bối cảnh dịch bệnh. Nó trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển của văn hóa đọc.

 Ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực hoạt động của thư viện (Nguồn: ITN)

Hiện nay nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tập trung thực hiện ở thời điểm này, vì họ cho rằng chuyển đổi số là con đường giúp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tận dụng thời cơ chuyển đổi số để thúc đẩy văn hóa đọc

Theo báo cáo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành xuất bản nói chung đã có những nỗ lực vượt khó “ngoạn mục” với doanh thu xấp xỉ năm 2019. Trong năm 2020, toàn ngành đã xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Hội Sách trực tuyến Quốc gia được thực hiện trên sàn book365.vn đạt được kết quả bước đầu khả quan...

Kết quả của Hội sách cho thấy đây không chỉ là bước thích nghi với tình hình phức tạp của dịch bệnh, mà còn tạo dấu ấn khi sử dụng kênh giới thiệu, bán sách trực tuyến có công nghệ hiện đại, đưa sách với giá ưu đãi tới bạn đọc, nhất là bạn đọc vùng sâu, vùng xa. Đối với các nhà xuất bản và đơn vị phát hành, book365.vn đã tạo dấu ấn khi lần đầu tiên trở thành kênh giới thiệu sách trực tuyến, chính thống, sử dụng công nghệ hiện đại để giúp các đơn vị cung cấp sách trực tiếp với giá ưu đãi đến tay bạn đọc trong cả nước; góp phần lan tỏa ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam.

Một mô hình khác trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động và phục vụ khách hàng phải kể đến mô hình nhà sách thông minh của Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM - Fahasa. Mô hình này đã được công ty triển khai tại một số nhà sách lớn trong năm 2020. Nhà sách thông minh nghĩa là thông minh trong tra cứu thông tin, tìm kiếm hàng hóa; thông minh trong thanh toán; thông minh trong tiếp nhận ý kiến khách hàng. Toàn bộ hàng hóa tại nhà sách được định vị theo khu vực, có mã số từng kệ hàng. Sử dụng “App định vị hàng hóa” do Fahasa thiết kế tại quầy tra cứu thông tin, thao tác đơn giản trên thiết bị, bất cứ hàng hóa nào cũng được chỉ dẫn rõ ràng về thông tin cũng như hướng đi dẫn đến vị trí trưng bày trong nhà sách bằng một tờ bản đồ nhỏ có thể được in ra một cách dễ dàng. Tiếp đó cũng phải kể đến một loạt nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, nhà sách, như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Văn học, Thái Hà Books... cũng hoàn thiện dịch vụ bán sách trực tuyến trên website.

Một “mệnh lệnh” kịp thời

Có thể nói, việc sử dụng công nghệ đang là một hướng đi hiệu quả nhằm phát triển văn hóa đọc. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Hiện Bộ VHTTDL đã và đang triển khai kể hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh, Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, một số nội dung và nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 sẽ gồm: Lập Dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam; khảo sát địa phương về nguồn lực chuẩn bị cho chuyển đổi số; Lập Dự án số hóa tài liệu quốc gia; Lập Dự án mục lục liên hợp quốc gia; Xây dựng thuyết minh Tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chí, tiêu chuẩn chuyển đổi số và cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu số, liên thông trong thư viện; Xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, chương trình đào tạo nâng cao trình độ nguồn lực thư viện… Song song với các nhiệm vụ trên, Vụ Thư viện và các đơn vị có liên quan sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số ngành thư viện; vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa phục vụ chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin số.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8.2021. Trong đó, Ngày Sách sẽ được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động kết hợp cả hình thức tổ chức tập trung và trực tuyến. Ngoài ra, về mục tiêu chuyển đổi số, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác định, đến năm 2025 đưa tỉ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 15% số tựa sách được xuất bản hằng năm; doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành; tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử; từng bước hình thành chuỗi kết nối giá trị, đưa xuất bản phẩm đến bạn đọc bằng hình thức trực tuyến.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trên cần hoàn thiện thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản trên môi trường số phát triển, thu hút các đơn vị công nghệ tham gia hoạt động xuất bản. Cùng với đó, Cục sẽ triển khai giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản theo 3 hướng: Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa xuất bản phẩm; xây dựng nhà xuất bản trọng điểm xuất bản điện tử; hỗ trợ nâng cấp trang web thành sàn thương mại điện tử; Nghiên cứu ứng dụng về mã QR phục vụ công tác quản lý sản phẩm in và phòng, chống in lậu.

Cũng để việc chuyển đổi số được đồng bộ, hiệu quả, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cho rằng, các đơn vị xuất bản, phát hành cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường xử lý hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường số; quảng bá, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức số tới bạn đọc… 

 MINH HÀ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top