Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhận diện rõ hơn về Thái Miếu qua khai quật khảo cổ

Thứ Hai 29/11/2021 | 10:02 GMT+7

VHO- Sau 2 tháng khai quật khảo cổ tại nhiều vị trí quan trọng của di tích Thái Miếu (Đại Nội Huế), cơ quan chuyên môn đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

 Công trình Thái Tổ Miếu hiện tại (ở phía trước) đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Công tác khai quật được thực hiện trên diện tích 952m2, với 11 hố ở các vị trí quan trọng của di tích Thái Miếu nhằm thu thập và xác định nhiều thông tin từ di tích này.

Kết quả khảo cổ đã đưa lại nhiều kết quả về kết cấu công trình chính Thái Miếu, như nền móng, bậc cấp, hệ thống bó vỉa, gạch lát, sân trước và đường bao quanh… Đặc biệt, có sự thay đổi dịch chuyển của hệ thống chân tảng của công trình gốc so với công trình mà hội đồng Nguyễn Phúc tộc xây dựng lại vào năm 1972. Cụ thể, từ kết quả khai quật ở hố số 1, Phòng Nghiên cứu Khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị chủ trì khai quật tại di tích Thái Tổ Miếu, căn cứ thêm các nguồn ảnh tư liệu, cho thấy sân phía trước công trình này được lát bằng gạch Bát Tràng. Đường thần đạo ở giữa sân đã mất hết đá lát bề mặt, tuy nhiên căn cứ vào một số đoạn đá bó vỉa còn lại, có thể thấy đường này lát đá ở giữa sân rộng chừng 2,14m.

Tại hố khai quật số 2, 3, 4, 5 cũng cho thấy tất cả bậc cấp ở phía trước của công trình chính Thái Tổ Miếu đã bị phá hủy và làm mới hoàn toàn, trong đó 2 bậc cấp ở hai bên phía trước nằm ở trước chái Đông và chái Tây của miếu. Nền móng tường gốc tường phía Nam của công trình dịch về phía Nam so với tường hiện tại khoảng 0,37m. Tại chái Tây của miếu, theo ghi nhận của đơn vị khai quật thì bậc cấp ở đầu phía Nam là yếu tố gốc; bậc cấp ở giữa đã được tận dụng đá của di tích để xây mới cho thuận tiện đi từ di tích Triệu Miếu, nhà Thần Trù vào công trình Thái Tổ Miếu hiện tại. Về hai bậc cấp phía Bắc công trình Thái Tổ Miếu, hiện vẫn còn nền móng của bậc cấp, đặc biệt mỗi móng bậc cấp sâu 1,35m, tương đương 4 bậc, điều này rất tương đồng với các di tích khác trong Hoàng thành Huế. Ngoài ra, ở hai bậc cấp này còn có vết tích móng trụ mái lưa như trong nguồn ảnh tư liệu, cũng như mái lưa ở vị trí này của Thế Tổ Miếu (di tích Thế Miếu đối xứng với di tích Thái Miếu qua trục Thần Đạo của Kinh thành Huế - PV).

 Hố khai quật số 3 ở sát nền móng phía Bắc (tức mặt sau của công trình Thái Tổ Miếu) phát hiện hệ thống nền móng bậc cấp và móng trụ mái lưa

TS Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin: Trên nền của Thái Tổ Miếu hiện vẫn còn hai loại gạch lát khác nhau với hai loại vữa tương ứng là gạch Bát Tràng và gạch hoa. Đây là loại gạch hoa của công ty Bảo Trác Huế, là gạch hoa đã được người Pháp du nhập vào Việt Nam vào năm 1896 và được các vua Thành Thái, Khải Định sử dụng để lát ở các di tích như: điện Thái Hòa, cung Diên Thọ… Cho nên việc lát gạch hoa ở Thái Tổ Miếu giai đoạn này cũng là bình thường.

Đợt khai quật lần này cũng xác định được vị trí và kết cấu của nền móng của công trình Thái Tổ Miếu. Trong đó, nền móng phía Nam của di tích này được xây bằng gạch vồ trát vữa vôi màu trắng dày 0,48m; ở hai chái Đông và Tây vẫn còn vết tích nền móng gốc ở các gian này. Về vị trí nền móng phía Nam của Thái Tổ Miếu, lớp nền móng hiện còn phía trên của công trình đã xây thụt lùi (so với nguyên gốc) khoảng từ 0,32m – 0,35m. Điều này có thể do từ năm 1972, khi xây dựng lại Thái Tổ Miếu, hội đồng Nguyễn Phúc tộc đã cho gỡ gạch và đá ở nền móng phía Nam để tận dụng và xây lại một nền mới dịch vào bên trong làm cho quy mô nền móng của miếu bị thu nhỏ lại. Ngoài ra, từ kết quả khai quật hố số 9 cũng có thể nhận định rằng, khi xây dựng lại Thái Tổ Miếu, người ta đã nâng cote nền công trình lên 0,5m và đào những chân táng đá ở những vị trí tương ứng để xây dựng, chính vì thế tất cả các chân táng của Thái Tổ Miếu cũ đã bị di chuyển đến vị trí mới.

“Đặc biệt, dọc theo hố khai quật số 2, chúng tôi phát hiện gần 300 mảnh gốm sứ men lam, trong đó có rất nhiều mảnh có dấu hiệu chế tác, có thể đây là những mảnh khảm vào các ô hộc phía trước của nền phía Nam công trình Thái Tổ Miếu ngày xưa”, TS Lê Thị An Hòa cho biết thêm. Trong đợt khai quật lần này, đơn vị đào hố 11 (theo hướng Đông - Tây) từ cửa Túc Tướng đến bậc cấp phía Tây của Thái Tổ Miếu. Theo tư liệu, con đường này, nguyên xưa được xây dựng bằng đá sa thạch thô rộng 2,0m; hai bên có hai đường móng bó vỉa bằng gạch vồ xây đứng nằm ngang. Hiện trong khuôn viên của di tích Thái Tổ Miếu vẫn còn rất nhiều phiến đá sa thạch thô kích thước tương đương đá lát con đường này. Theo nhận định ban đầu, có thể ngày xưa con đường này được lát hoàn toàn bằng loại đá sa thạch thô. Điều này phù hợp với những ghi chép trong sách Đại Nam thực lục, khi nhà vua đi làm lễ kỵ các chúa Nguyễn được thờ ở bốn gian bên phải (điện Mục Tư) thì đi từ cửa này vào miếu. Khi đào, con đường lát đá này đã nằm âm sâu 0,3m dưới lòng đất so với con đường hiện tại. 

 Di tích Thái Miếu nằm ở góc Đông Nam trong Hoàng thành Huế, được xây dựng từ thời Gia Long (năm 1804). Đây là nơi thờ các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Tổng thể di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc khá lớn, với hơn 10 hạng mục công trình, được bố trí đúng theo nguyên tắc chung của kiến trúc triều Nguyễn. Vào năm 1947, Thái Miếu đã bị phá hủy do sự tàn phá của chiến tranh. Năm 1972, bà Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng Thái hậu - mẹ vua Bảo Đại) cùng con cháu Nguyễn Phúc tộc đã quyên góp và xây dựng lại công trình chính Thái Tổ Miếu trên chính nền của công trình cũ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công trình này cũng hư hại và xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

 

 SƠN THÙY

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top