Gò Loi hôm nay!

VHO - Là địa phương trung du và miền núi có bề dày văn hóa lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, sau ngày giải phóng, Gò Loi (nay Ân Tường Tây) đang vươn mình phát triển, trở thành vùng nông thôn mới nâng cao đầy sức sống cũng như hút khách từ sản xuất nông nghiệp xanh.

Để hiểu rõ chiến tích Gò Loi anh hùng năm xưa, những ngày này về Gò Loi, chúng tôi được cán bộ xã dẫn đi thăm các dấu tích lịch sử còn lại trên vùng đất này. Chạy trên thảm bê tông mới, với nhiều hoa cảnh trồng dọc hai bên đường hướng về di tích lịch sử chiến thắng Gò Loi, cán bộ xã Ân Tường Tây kể cho chúng tôi nghe chuyện oai hùng của Gò Loi xưa kia: “Hơn 50 năm về trước, Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng quân dân Hoài Ân mở trận tập kích tiêu diệt cứ điểm Gò Loi – Khu căn cứ quân trọng của địch ở Bắc Bình Định. Chiến thắng Gò Loi đã phá vỡ tuyến phòng vững chắc của địch, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân và chiến thắng Bắc Bình Định hè năm 1972”. Rồi cán bộ xã còn chỉ hướng tay vùng trè Gò Loi khoe, các anh thấy đó, giờ đây cuộc sống của bà con đã đổi thay, nhiều nhà mái ngói, nhà cao tầng xây lên và khởi sắc lên nhiều so với trước kia là nhờ vào quyết tâm xây dựng nông thôn mới của chính quyền cũng như bà con nơi đây.

Gò Loi hôm nay! - Anh 1

Gò Loi vươn mình đổi thay, phát triển đi lên

Ghé thăm vườn chè Gò Loi (còn gọi Trà Gò Loi) xanh mướt của nông hộ Nguyễn Hữu Oanh - được quý với danh hiệu trà “tiến vua”, đặc sản nổi tiếng một thời của huyện trung du và miền núi Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi được nghe câu chuyện của nông dân quyết tâm gầy lại danh hiệu chè sau một thời gian dài “vắng bóng” trên thị trường. “Năm 1979, trên vùng đất trung du và miền núi huyện Hoài Ân, nông trường chè Gò Loi được thành lập tại tôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây. Tuy nhiên, gần 10 năm phát triển, cũng như thăng trầm đến năm 1998 nông trường giải thể, phần lớn diện tích cây chè được phá để trồng các loại cây khác. Nhưng nay, với một quyết tâm, khao khát của người trồng, danh chè Gò Loi đã dần trở lại với thị trường. Mỗi năm người trồng trà Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm trà khô với giá rất cao (300-500 ngàn đồng/kg), nhưng cũng không đủ cung cấp”, ông Oanh chia sẻ.

Gò Loi hôm nay! - Anh 2

Kinh tế gia đình của bà con vùng đất Gò Loi giờ trở nên khấm khá, giàu có là nhờ cây bưởi da xanh, với tiêu chuẩn VietGap tại vùng đất Gò Loi

Tại vùng đất Gò Loi, không chỉ có chè đang mang lại thu nhập kinh tế cao cho các nông dân mà cây bưởi cũng được xem là loại cây hái ra tiền, làm đổi thay cho cuộc sống của bà con nơi đây. Để minh chứng cho điều này, cán bộ xã đã đưa chúng tôi đến thăm vườn bưởi xanh da của một hộ nông dân, với diện tích 5.000m2 đạt tiêu chuẩn VietGap đang trong độ cho trái chín thu hoạch. Chia sẻ về thành quả chín ngọt, lão nông Nguyễn Minh Sửu cắt cái bưởi cầm trên tay khoe: Cứ nghĩ, Gò Loi sẽ chẳng bao giờ trồng được cây gì hết, bởi “vết thương” của chiến tranh để lại. Tuy vậy, giờ đây Gò Loi được xem như một trong những vùng trồng bưởi lớn nhất huyện Hoài Ân cũng như tỉnh Bình Định. Chất đất cộng với áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như sự hỗ trợ của chính quyền, đã cho ra những quả bưởi da xanh ngon ngọt, mọng nước và mang hương vị khác biệt của vùng đất Gò Loi hôm nay

 Cứ điểm Gò Loi nằm trên vùng rộng lớn của 4 thôn: Tân Thạnh, Tân Thịnh, Hà Tây và Phú Khương thuộc xã Ân Tường Tây. Bom đạn của địch cày xới lên rất dữ trong mỗi tấc đất. Sau năm 1972, người dân về làng cũ, khai hoang phục vụ sản xuất và quyết tâm xây dựng làng mới, cùng với thành quả khởi sắc như hôm nay.

Nói về quá trình xây dựng nông thôn mới, mà ở đó những cây trồng góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây cho biết: Là một xã có diện tích đất nông nghiệp chiếm đa số, chính quyền đã quyết tâm thay đổi phương pháp canh tác sản xuất cho bà con, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương nhằm nâng cao giá trị và lợi ích kinh tế. Trái ngọt mà chính quyền và nhân dân Ân Tường Tây nhận được là xã đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm “Trà Gò Loi và bưởi da xanh” cùng rất nhiều sản phẩm đang tiến hành đăng ký OCOP khác.

Gò Loi hôm nay! - Anh 3

Vườn chè Gò Loi đang là điểm hút khách tham quan về một danh chè “tiến vua”

Theo bà Hà, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Ân Tường Tây là chọn thế mạnh của từng thôn, xác định nhiệm vụ cụ thể tiến hành thực hiện, rồi sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã. Ở vùng Gò Loi, đơn cử như thôn Phú Khương xây dựng các tuyến đường hoa; thôn Tân Thịnh xây dựng vườn cây ăn trái, trang trại, gia trại; thôn Hà Tây, Phú Hữu 2 xây dựng về đường giao thông nông thôn; thôn Phú Hữu 1 làm đường điện thắp sáng nông thôn. Hiện nay xã đang xây dựng 2 thôn khu dân cư kiểu mẫu là thôn Phú Khương và thôn Tân Thịnh.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, UBND huyện đều có chỉ đạo riêng theo đặc thù từng xã. Đến nay, toàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. “Riêng Ân Tường Tây gặp nhiều khó khăn trên đường về đích nông thôn mới nâng cao, tuy nhiên những thành công mà Ân Tường Tây đạt được là bài học kinh nghiệm và cũng là động lực cho huyện tiếp tục xây dựng các xã Ân Hữu, Ân Hảo Tây về đích nông thôn mới và xã Ân Thạnh về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới”, ông Phong cho biết thêm.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc