Xét xử vụ án chạy thận: Sẽ kiến nghị khởi tố vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức

VH- Chiều 16.5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án làm chết 8 người trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bắt đầu nóng lên khi bác sĩ Hoàng Công Lương xin giữ quyền im lặng trước những câu hỏi của vị đại diện Viện Kiểm sát.

Xét xử vụ án chạy thận: Sẽ kiến nghị khởi tố vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức - Anh 1

Bác sĩ Hoàng Công Lương xin giữ quyền im lặng tại phiên tòa

Khi được đại diện Viện Kiểm sát mời lên bục trả lời câu hỏi, bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, từ giai đoạn điều tra đến nay, Viện Kiểm sát luôn quy chụp, buộc tội cho mình nên bị cáo xin được giữ quyền im lặng. Bác sĩ Hoàng Công Lương trình bày: “Trước khi phiên xử bắt đầu, thông qua báo chí, bị cáo đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện Kiểm sát quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi Viện Kiểm sát hỏi hai bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện Kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội". Bác sĩ Lương cũng khẳng định không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội và xin được nhường quyền này cho luật sư.

Trước đề nghị của bác sĩ Lương, chủ tọa phiên tòa đã giải thích việc giữ im lặng là quyền của bị cáo. Và vì bị cáo giữ quyền im lặng nên đại diện Viện Kiểm sát đã công bố một số lời khai của bác sĩ Lương trong các bút lục được lưu tại hồ sơ.

Tuy vậy, khi đại diện Viện Kiểm sát công bố lời khai về việc được ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình kiêm Trưởng khoa hồi sức tích cực  giao cho phụ trách nguyên đơn thận nhân tạo tại các buổi giao ban, họp khoa; có trách nhiệm thăm khám, ra y lệnh cuối cùng với bệnh nhân, kiểm tra, giám sát việc ra y lệnh của các bác sỹ khác... thì bác sĩ Lương đã xin được trình bày. Theo bác sĩ Lương thì “lúc đó do cơ quan điều tra đưa cho bị cáo bản khai của bác sĩ Hoàng Đình Khiếu nên bị cáo cũng khai theo như vậy”.

Sẽ kiến nghị khởi tố vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Trước tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai báo, sở dĩ bị cáo đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình để sửa máy là do được anh Tuấn,  Công ty Thiên Sơn báo đến sửa với tư cách nhân viên Công ty Thiên Sơn. Khi bị cáo Quốc đến sửa thì không có hợp đồng mà chỉ căn cứ  trên báo giá Công ty Trâm Anh gửi Công ty Thiên Sơn.

Sau khi nhận nhiệm vụ từ Giám đốc Công ty Thiên Sơn, bị cáo Quốc đã xách 20 lít javen và một số lít axit flohyđric và axit clohyđric đến bệnh viện để thực hiện việc vệ sinh màng lọc. Đây là những hóa chất dùng cho tẩy rửa công nghiệp, không có trong danh mục các chất được phép dùng trong y tế. Bị cáo Quốc cho biết không hề biết hóa chất này không được phép sử dụng vì bản thân không được đào tạo về sửa chữa thiết bị y tế mà chỉ làm theo kinh nghiệm. Bị cáo cũng cho biết đã làm cho nhiều bệnh viện trên cả nước “mà chưa xẩy ra sự cố nào”.

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử về biên bản bàn giao thiết bị đã sửa chữa được ký ngày 28.5.2017, bị cáo Quốc cho biết biên bản này được ký vào chiều 29.5.2017, sau khi sự cố đã xảy ra.

Về vấn đề biên bản được làm sau khi sự cố xảy ra, Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết: “Nếu đúng như thế, chúng tôi sẽ kiến nghị phải khởi tố vụ án về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”.

Hoàng Hương

 

Ý kiến bạn đọc