Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Liên quan đến vụ trao nhầm trẻ sơ sinh tại Ba Vì ( Hà Nội): Tạm gác lại “đúng, sai” để đảm bảo lợi ích cho trẻ

Thứ Hai 16/07/2018 | 10:10 GMT+7

VH-  Chắc chắn không lâu nữa, hai đứa trẻ 6 tuổi sẽ được “trả lại tên cho em” và trở về với gia đình của mình. Nhưng ý kiến cho rằng, để tránh sốc tâm lý cho các em thì cần thời gian, còn về mặt thủ tục pháp lý thì cần làm ngay vì sắp đến thời điểm các cháu bước vào lớp 1.

 Hiện hai cháu Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. vẫn đang sống với "bố mẹ nuôi"

Trước sự việc hai cháu bé Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. bị trao nhầm khi mới sinh đến nay vẫn chưa có cách giải quyết chính thức bởi một vướng mắc giữa các bên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ, TB&XH) cho rằng, nguyên tắc đầu tiên phải là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, làm sao để trẻ không bị sốc về mặt tâm lý, để trẻ phải làm quen dần dần.

Mong các bên tiến hành hòa giải

Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý để xác nhận cha mẹ cho con. Đã có nhiều trường hợp tượng tự xảy ra thì giải pháp là dành cho các em hai gia đình, một bên là cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.

“Nếu một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc chậm trễ trao trả là do mức đền bù của bệnh viện chưa thoả đáng thì hai gia đình cần nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho trẻ, không nên nghĩ đến chuyện vì mức đền bù mà quên đi lợi ích của trẻ. Các cháu đã 6 tuổi, chỉ còn vài tháng nữa là đến năm học mới, cần phải nhanh chóng để làm các thủ tục để các cháu nhập trường đúng tên tuổi, gia đình mình. Đừng vì chuyện tráo đổi, đền bù… mà ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em cho hay.

Ngay sau khi Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội giải quyết dứt điểm, xử lý những sai phạm, ngày 13.7 lãnh đạo Sở đã có buổi làm việc với lãnh đạo BV đa khoa huyện Ba Vì và các bên. Kết luận cuộc họp đối với gia đình hai bên, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị Bệnh viện phối hợp để thống nhất phương án giải quyết với mục tiêu đưa các cháu đoàn tụ với bố mẹ; chấp nhận thoả thuận bồi thường tổn thất tinh thần cho hai gia đình trên cơ sở pháp luật.

Cũng theo bà Hà, một trong những nguyên nhân mà đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết là trong quá trình hoà giải, có nhiều điểm chưa thống nhất, bao gồm việc đề nghị mức bồi thường quá cao, vượt quá khả năng của BV nên BV đã có công văn gửi Toà án Nhân dân huyện Ba Vì xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước đó, một số ý kiến cho rằng, một trong hai gia đình đã đề nghị khoản bồi thường lên đến vài trăm triệu đồng, và né tránh việc trao trả con. Liên quan đến mặt pháp lý, ông Nguyễn Đức Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì cho biết, trong vụ việc này Tòa vẫn chưa thể xử lý vì còn một số vấn đề vướng mắc. Hai vợ chồng chị Vũ Thị Hương (nuôi con đẻ của anh Phùng Giang Sơn) đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị Hương. Bởi vậy, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, chúng tôi phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu. “Chúng tôi vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định pháp luật”, ông Thưởng nói.

 Quy trình “đánh dấu” mẹ và con ngay sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội

Còn luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc đòi BV bồi thường sẽ tương đối khó khăn vì bản chất của việc trao nhầm con là “lỗi vô ý” mà nhân viên nào làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành của pháp luật. “Những thiệt hại do việc trao nhầm con gây ra với chị Vũ Thị Hương có thể bao gồm cả chuyện gia đình tan vỡ, tuy nhiên để chứng minh làm căn cứ yêu cầu BV bồi thường là rất khó vì đó có thể là hậu quả phát sinh về sau, do tình cảm vợ chồng chứ không đơn thuần do con sinh ra không giống bố”, luật sư Hà chia sẻ.

Để không còn sự việc trao nhầm con

Trước sự việc trao nhầm con ở Ba Vì, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý, vượt khỏi quan niệm đúng sai. Do đó cần phải giải quyết theo hướng nhân văn chứ không chỉ là chuyện xử lý pháp luật, tiền bạc hay đúng sai.

Theo ông Quang, việc xảy ra nhầm lẫn là hy hữu, không may xảy ra vì ê kíp đã thực hiện không đúng quy trình hoặc làm ẩu nên đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Do đó, để không còn những chuyện đau lòng xảy ra thì ngành y tế cần thắt chặt quy trình và nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt, nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm. “Một sự sai lầm đôi khi không chỉ lấy đi sức khoẻ, tính mạng người bệnh mà gây hệ luỵ rất nhiều, nhất là tinh thần. Điều đó vô cùng khó xử lý, giải quyết thoả đáng”, ông Quang nói.

Sau buổi làm việc với BV đa khoa Ba Vì, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh trong các cơ sở y tế. Đồng thời, giao cho đầu ngành Sản phụ khoa – BV Phụ sản Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thực hiện quy trình kỹ thuật sản qua, tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh.

Liên quan đến quy trình trao nhận con ở BV Phụ sản Hà Nội, ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV cho biết, dù mỗi năm có 35.000 - 40.000 sản phụ “mẹ tròn con vuông” tại BV nhưng suốt 20 năm qua chưa từng có sự việc nhầm lẫn nào. Theo Ths.Bs chuyên khoa 2 Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa đẻ A2, BV Phụ sản Trung ương cho hay, việc trao nhận con ở BV được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ. Sau khi bà mẹ sinh con, con sẽ được đặt ngay trên người mẹ thực hiện phương pháp “da kề da”, trong lúc này, nhân viên y tế sẽ tiến hành việc “đánh dấu” bằng hai chiếc vòng có ghi số seri của BV, gồm tên, năm sinh và mã số bệnh nhân khớp với giữa mẹ và con, đồng thời đọc cho bệnh nhân biết. Chiếc vòng này sau khi đeo vào tay mẹ và chân con sẽ được gắn chặt, không thể tuột ra được, chỉ bằng kéo cắt mới có thể tháo ra được. “Nếu vì một lý do gì đó mà chiếc vòng bị rách, nhân viên y tế sẽ phải lập biên bản để thay một chiếc vòng khác”, Trưởng khoa đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ.

 Giải quyết dứt điểm vụ nhầm con trước ngày 20.7

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm. Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 20.7

QUỲNH HOA

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top