Xã hội hóa y tế: Tách bạch công - tư, tránh trục lợi

VH- Tháng 5.2018, TAND thành phố Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mặc dù vụ án đã được trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng trước khi tòa nghị án, bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên phòng Trang thiết bị y tế của Bệnh viện đã khiến những người tham dự phiên tòa ngạc nhiên...

Xã hội hóa y tế: Tách bạch công - tư, tránh trục lợi - Anh 1

 Nếu muốn nhanh, phải dùng dịch vụ theo yêu cầu, dù đã có BHYT

 Bởi những lời cảnh báo về chất lượng các trang thiết bị y tế cũng như việc kiểm tra, giám sát các trang thiết bị này tại các bệnh viện đang bị buông lỏng.

Từ lời cảnh báo này, chúng tôi đã mở một cuộc điều tra “bỏ túi” quanh một số bệnh viện, để tìm hiểu về lỗ hổng trong tự chủ tài chính của các bệnh viện công và việc vận dụng chính sách xã hội hóa y tế.

Một bệnh viện, hai chế độ

Khảo sát một số bệnh viện tại Hà Nội, chúng tôi thấy hầu hết các bệnh viện đều áp dụng hai chế độ khám chữa bệnh: khám theo yêu cầu và khám theo bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bất cập ở đây là dù tách ra hai chế độ, nhưng cả bệnh nhân khám theo yêu cầu và bệnh nhân khám bảo hiểm y tế đều làm các xét nghiệm và chiếu chụp cùng một phòng, chứ không tách riêng ra.

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) vào một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi thấy bên khu khám dịch vụ có khá đông bệnh nhân. Bà Trần Thị Thanh, ở phố Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Mặc dù có thẻ bảo hiểm y tế và có giấy chuyển viện đúng tuyến, nhưng hằng tháng đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bà phải chuyển sang khám dịch vụ. Bởi lẽ chờ khám bảo hiểm y tế rất lâu, nếu nhịn ăn đến gần trưa mới được lấy máu xét nghiệm thì sẽ hạ đường huyết, có thể ngất xỉu. Bà Thanh cho biết, chuyển sang khám dịch vụ phải nộp thêm hơn 100.000 đồng. Mức giá này cũng biến động liên tục, ban đầu là 20.000 đồng, sau đó tăng lên 30.000 đồng, 50.000 đồng, có thời điểm tăng lên 130.000 đồng, thậm chí là 200.000 đồng. Cũng vì khám theo yêu cầu nên mỗi tháng bà phải chi thêm khoảng 400.000 – 500.000 đồng so với khám hoàn toàn bằng bảo hiểm y tế.

Cũng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân khám dịch vụ đều khám chung một phòng khám, xét nghiệm, chiếu chụp cùng một nơi nên dẫn đến ùn tắc và bệnh nhân bảo hiểm y tế phải chờ đợi lâu. Anh Nguyễn Việt Hùng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có bố đang điều trị tại đây cho biết: “Bố tôi bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm, tháng nào cũng vào Bệnh viện Thanh Nhàn để khám BHYT. Lần này phải điều trị nội trú, bác sĩ chỉ định xét nghiệm, nhưng bệnh nhân BHYT và dịch vụ theo yêu cầu đều chiếu chụp cùng một phòng nên gây ra quá tải, nên tôi đã đăng ký làm dịch vụ cho bố”.

Không chỉ phân biệt trong việc khám nhanh, khám chậm, mà hai chế độ khám chữa bệnh này còn được phân biệt rất rõ qua mức phí dịch vụ. Mặc dù chủ trương xã hội hóa đã được triển khai nhiều năm, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định về mức trần các dịch vụ theo yêu cầu, nên mỗi bệnh viện công thực hiện theo một kiểu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mỗi ca chạy thận nhân tạo có mức giá là 7,7 đô la Mỹ, trong khi mức giá cho dịch vụ này tại các bệnh viện khác thấp hơn rất nhiều, ví như ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ bằng một nửa. Hay khớp gối nhân tạo, bệnh viện ở Phú Thọ tính 58 triệu đồng nhưng cũng loại này, bệnh viện ở Thanh Hóa tính 38 triệu đồng.

Đối với dịch vụ khám bệnh, có nơi để được giáo sư khám một lần phải trả khoảng 500.000 đồng trở lên; để được tiến sĩ khám phải chi 300.000 đồng; khám bác sĩ phải trả khoảng 200.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức trần (không quá 300.000 đồng tại thành phố lớn) mà Bộ Y tế đang dự kiến. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu còn có 2 mức trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính, có dịch vụ chênh lệch nhau hàng triệu đồng…

Có hay không sự trục lợi từ xã hội hóa y tế ?

Chủ trương xã hội hóa y tế đã giúp giải bài toán tình huống cho ngành y tế, khi ngân sách nhà nước chưa đủ sức đầu tư cho các bệnh viện. Xã hội hóa y tế đã giúp các bệnh viện có các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, người bệnh được sử dụng các thiết bị y tế hiện đại, công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công với các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài đã khiến công – tư lẫn lộn, và nảy sinh những vấn đề tiêu cực, tạo ra những bất công và sự phân biệt đối xử ngay trong chính hệ thống cơ sở y tế.

Theo cách phân tuyến hiện nay, các bệnh viện tuyến dưới không được phép làm nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các bệnh viện tuyến trên, tạo ra sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tuyến trên và tuyến dưới, làm cho người bệnh đổ dồn lên các tuyến trên, gây ra sự quá tải. Sự quá tải “có lợi” cho nhà đầu tư, như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến quyết tâm giảm tải của các bệnh viện.

Các nhà đầu tư khi liên kết với các bệnh viện, chủ yếu đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ cao với mức giá đầu tư lớn, nên yêu cầu thu hồi vốn cũng được đặt ra “ráo riết”. Cũng do yêu cầu “thu hồi vốn” nên đã gây ra tiêu cực ở các bệnh viện công, như sự lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị, cũng như dẫn đến những “chiêu thức” bất minh của một số lãnh đạo cơ sở y tế, cấu kết với nhà đầu tư tư nhân để thu lợi bất chính, làm cho người bệnh phải chi trả nhiều hơn giá trị thực tế. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, để nhận được các trang thiết bị chạy thận cho nguyên đơn thận nhân tạo, Bệnh viện đã phải ký hợp đồng liên kết với Công ty Thiên Sơn theo tỷ lệ ăn chia: Công ty Thiên Sơn đầu tư toàn bộ máy móc, hưởng 90%, Bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế, hưởng 10%. Một tỷ lệ ăn chia quá chênh lệch!

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Sơn, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần tập trung nguồn lực cho y tế dự phòng và cho người nghèo. Chỉ nên giữ lại một số bệnh viện công cho người nghèo và Nhà nước tập trung đầu tư cho những bệnh viện đó. Còn lại, cần tư nhân hóa hệ thống khám chữa bệnh. Như vậy, suất đầu tư cho người nghèo sẽ tăng lên, giúp họ được hưởng những thành quả khoa học tiên tiến. Trong khi đó, tư nhân sẽ đầu tư và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho những người có khả năng chi trả thông qua hệ thống y tế tư nhân, tách biệt với hệ thống y tế công.

Bảo hiểm y tế (BHYT) công cần phải thay đổi cách chi trả, đó là chi trả theo chuẩn. Đối với từng loại bệnh, từng phương pháp điều trị thì BHYT phải bảo đảm chi trả theo một mức chuẩn nào đó. Việc chi trả BHYT không phân biệt đối với cơ sở y tế công hay tư. Phần phụ trội sẽ do Nhà nước chi trả cho bệnh nhân nghèo trong hệ thống bệnh viện công, do người bệnh, hoặc các loại BHYT tư nhân chi trả trong hệ thống y tế ngoài công lập.

Và đặc biệt, những lỗ hổng này được khai thác, xuất phát từ chỗ công - tư lẫn lộn. Các bệnh viện công được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, nhưng khi tư nhân góp vốn bằng trang thiết bị và công nghệ thì tỷ lệ ăn chia lại vô cùng chênh lệch, khiến nhiều người nghi ngờ bệnh viện đã câu kết với tư nhân để trục lợi. Chính vì vậy, phải tách bạch công - tư một cách rõ ràng để mọi nguồn lực đầu tư cho y tế đều đúng mục tiêu và được sử dụng đúng mục đích. 

 NGUYỄN HOÀNG

 

Ý kiến bạn đọc