Messi và Ronaldo: Siêu anh hùng của thời đại truyền hình

VHO- Nửa năm sau khi Cristiano Ronaldo chia tay Man United sang Saudi Arabia chơi bóng, giữa tuần qua, Lionel Messi thông báo sang Mỹ đầu quân cho Inter Miami. Cuộc ganh đua cá nhân vĩ đại nhất lịch sử túc cầu xem như khép lại.

Messi và Ronaldo: Siêu anh hùng của thời đại truyền hình - Anh 1

Tính cả chiều dài sự nghiệp, không ai sở hữu thành tích đồ sộ như Messi và Ronaldo. Cuộc ganh đua ác liệt suốt hơn một thập niên biến cả hai trở thành những phiên bản xuất sắc hơn so với chính mình nếu không có sự thúc đẩy lẫn nhau. Đó là điều khiến cho Messi và Ronaldo khác biệt với mọi huyền thoại trong quá khứ. Ngoại trừ Alfredo Di Stefano, thủ lĩnh của Real Madrid thập niên 1950 và 1960, bộ đôi này duy trì đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại trong suốt hơn một thập niên. 

Ngoài sự thúc đẩy lẫn nhau, hiện tượng này còn mang tính thời đại. Trong thập kỷ trước khi Messi và Ronaldo xuất hiện, bóng đá được tái thiết để trở thành kịch bản cho những siêu anh hùngsân cỏ. Bên cạnh sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền hình xuất hiện ở khắp mọi nhà, đồng nghĩa tạo ra nguồn doanh thu dịch vụ khổng lồ. Trước thập niên 1990, rất ít trận đấu được phát trực tiếp qua ti vi. Lương bổng của các cầu thủ bóng đá khá khiêm tốn và những ngôi sao kể cả hàng đầu thế giới chỉ sống cho hôm nay chứ chẳng biết đến ngày mai. George Best nghiện rượu, Johan Cruyff nghiện thuốc lá, Diego Maradona thậm chí nghiện ma túy v.v.

Tất nhiên, khi bóng đá bị công nghiệp hóa, cảm xúc cũng phần nào bị bào mòn. Sức cuốn hút kỳ lạ của Maradona không chỉ đến từ tài năng trác tuyệt trên sân cỏ. Maradona được tôn sùng bởi bản tính ngang tàng, sự ngổ ngáo thậm chí xấc xược hay cả cái cách huyền thoại này đấu tranh với bản ngã trong cơn nghiện. Messi và Ronaldo lại khác. Cả hai sinh hoạt chuẩn mực và bền bỉ như những cỗ máy, khiến cho điều duy nhất thiếu ở hai siêu sao này là cá tính thú vị. Có lẽ không thể hình thành nhân cách độc đáo nếu dành trọn thanh xuân cho sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Đó là định mệnh của thời đại.

Thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, các tỷ phú như Rupert Murdoch hay Silvio Berlusconi, người vừa qua đời cách đây ít hôm, phát triển các kênh truyền hình trả phí về bóng đá và thu về lợi nhuận khổng lồ. Bỗng nhiên, các CLB trở thành nguồn cung cấp nội dung và ngôi sao bóng đá là “nhà sáng tạo nội dung cao cấp”. Các CLB đưa ra thỏa thuận mới cho những trụ cột để đảm bảo sự ổn định cho việc cung cấp “nội dung”. Đó là khoản thù lao khổng lồ kèm điều kiện sinh hoạt và tập luyện chuyên nghiệp nhất có thể. Messi lẫn Ronaldo đều chấp nhận thỏa thuận này.

Được truyền hình thúc đẩy, bóng đá cũng thay đổi luật chơi để bảo vệ an toàn cho ngôi sao sân cỏ. Trọng tài xử lý nghiêm khắc hơn các tình huống phạm lỗi ác ý, đặc biệt hành động tắc bóng từ phía sau bị cấm tiệt. Ngay cả khi trọng tài bỏ sót pha phạm lỗivẫn còn camera đặt khắp sân làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ. Chính Messi khi còn là tài năng trẻ từng nói: “Bóng đá chuyên nghiệp chẳng có pha bóng nào gọi là nghiêm trọng vì có trọng tài. Trên sân phủi, đáng sợ nhất là cú đạp ác ý của đối phương”. Và kể từ khi siêu sao người Argentina cũng như Ronaldo được ngầm thừa nhận như bảo vật túc cầu, vào khoảng năm 2008, bộ đôi này càng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn.

Trong khi đó, dinh dưỡng và tập luyện cũng được cải thiện nhờ sự phát triển của khoa học. Dù vẫn được ví là tài năng thiên bẩm, nhưng Messi cũng trở nên kỷ luật hơn với bản thân khi cơ thể bắt đầu lão hóa. Năm 30 tuổi, Messi chia sẻ: “Trong nhiều năm, tôi ăn uống vô tội vạ - chocolate, nước ngọt, mọi thứ đều nạp vào người. Đó là nguyên nhân khiến tôi bị nôn mửa trong các trận đấu quá sức. Bây giờ tôi chăm sóc bản thân cẩn thận hơn với cá, thịt và salad”. Ronaldo từ đầu sự nghiệp đã dành hàng giờ tập luyện tại nhà. Năm 2016, CR7 còn tiếp tục thắt chặt chế độ ăn kiêng vốn đã khắc nghiệt của bản thân để giảm từ 82kg xuống 79kg nhằm lấy lại tốc độ.

Messi và Ronaldo đi cùng nhau được chặng đường dài như vậy phần lớn nhờ cả hai thúc đẩy lẫn nhau cạnh tranh vị trí số một thế giới. Kylian Mbappe, ngôi sao sáng nhất của bóng đá Pháp, người được kỳ vọng kế vị Messi và Ronaldo lý giải rằng những cầu thủ xuất sắc nhất luôn theo dõi lẫn nhau. “Bạn luôn so sánh bản thân với những người giỏi nhất trong môn thể thao của mình, giống như người làm bánh so sánh với những người làm bánh giỏi nhất chung quanh. Ai làm bánh sừng bò ngon nhất? Ai làm bánh chocolate ngon nhất?”, anh nói. “Tôi nghĩ Messi đã thúc đẩy Ronaldo và Ronaldo thúc đẩy Messi. Đối với tôi, họ là hai cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không có nhau, họ không thể giữ vững ngôi vị số một và bỏ xa phần còn lại suốt 15 năm như thế. Có thể họ lơ là vào một thời điểm nào đó, nhưng họ nhanh chóng tập trung trở lại vì động lực liên tục được tạo ra bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay cùng giải đấu”.

Bản thân Mbappe khi đua tranh danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu cũng nhận ra liên tục bị Messi vượt qua. “Nếu tôi lập cú đúp, anh ấy lập hat-trick. Nếu tôi ghi 3 bàn, anh ấy tạo poker (ghi 4 bàn trong 1 trận). Thật điên rồ, tới mức tôi phải nói với Ousmane Dembele, đồng đội của Messi ở Barca: “Không thể tin nổi! Anh ấy có cố ý làm như vậy không? Anh ấy có theo dõi xem tớ ghi được bao nhiêu bàn không?”. Và Dembele trả lời: “Tất nhiên, anh ấy đang theo dõi cậu”. Messi kết thúc mùa giải với danh hiệu Chiếc giày vàng, anh ghi 36 bàn, nhiều hơn 3 bàn so với Mbappe.

Cuộc ganh đua giữa Messi và Ronaldo có nhiều nét tương đồng với sự cạnh tranh gần như trong cùng khoảng thời gian và gay gắt không kém trong môn quần vợt, giữa Roger Federer và Rafael Nadal. Federer cần thời gian để thích nghi với những đối thủ ngang sức ngang tài như Nadal, Novak Djokovic và đôi khi là Andy Murray, nhưng như tay vợt huyền thoại người Thụy Sĩ nói: “Có lúc bạn phản ngả mũ nể phục mà nói: “Cậu thật xuất sắc”. Tôi hạnh phúc khi nhận ra tôi không đơn độc trên đỉnh cao. Bạn luôn cần đối thủ. Tôi biết ơn những chàng trai này, vì họ đã thúc đẩy để tôi trở thành tay vợt xuất sắc hơn”.

Ngược lại, tay vợt John McEnroe cảm thấy mất mát thật lớn vì kỳ phùng địch thủ Bjorn Borg bất ngờ giải nghệ vào năm 1983, khi mới 26 tuổi. McEnroe sau này chia sẻ suy ngẫm: “Tôi luôn ước ao chúng tôi có thể đấu với nhau nhiều hơn. Tôi biết anh ấy giúp tôi trở thành tay vợt xuất sắc hơn và tôi hy vọng tôi cũng tạo ra động lực như vậy cho anh ấy trong giai đoạn nào đó của sự nghiệp. Tôi đã cố thuyết phục anh ấy đừng giải nghệ từ rất lâu. Ngay cả khi mất vị trí số một, tôi vẫn muốn anh ấy tiếp tục thi đấu”. 

Trong khi đó, Messi và Ronaldo, cả hai thúc đẩy nhau vĩ đại hàng tuần qua ti-vi trong suốt 15 năm.

 NGỌC TRUNG

Ý kiến bạn đọc