Hiểu đúng về VAR

VHO- Trong những ngày qua, bóng đá nội sôi nổi xung quanh đề tài VAR sắp sửa được áp dụng tại V-League, bắt đầu từ mùa giải 2023-2024. Vậy VAR là gì? VAR cần thiết như thế nào đối với các trận bóng đá? VAR mang lại thử thách ra sao cho các trọng tài cũng như các cơ quan quản lý bóng đá? Và giá trị lớn nhất của VAR nằm ở đâu?

Hiểu đúng về VAR - Anh 1

 VAR được hiểu là “băng ghi hình hỗ trợ trọng tài” Ảnh: VPF

VAR không phải công nghệ

VAR đã trở nên quen thuộc với giới mộ điệu túc cầu kể từ khi được áp dụng tại vòng chung kết World Cup 2018. Hiện nay, VAR phổ biến ở mọi giải bóng đá hàng đầu, chẳng hạn như Premier League, La Liga hay Champions League, Europa League, ước tính khoảng 200 giải bóng đá ở mọi cấp độ, từ đội tuyển quốc gia (ĐTQG), đến các giải vô địch quốc gia (VĐQG), cúp quốc nội, giải trẻ... áp dụng.

VAR vẫn được không ít phương tiện truyền thông gọi là “công nghệ VAR” nhưng cách gọi này chưa thật chính xác. Dịch sát nghĩa, VAR - Video Assistant Referee là “băng ghi hình hỗ trợ trọng tài”, không hề có thành tố “công nghệ” (technology). Hơn nữa, nếu gọi VAR là công nghệ tức thuần dựa trên khoa học kỹ thuật, bỏ qua yếu tố quan trọng bậc nhất là con người.

Trong các trận đấu bóng đá, goal-line chính xác là công nghệ (thường được gọi là goal-line technology hoặc Goal Decision System) vì sử dụng cảm biến để xác định trái bóng đã đi qua hết vạch vôi trở thành bàn thắng hay chưa. Goal-line không có tương đối, chỉ có tuyệt đối đúng hoặc sai và quyết định được đưa ra hoàn toàn dựa trên máy móc. VAR lại khác. Băng ghi hình các pha bóng tranh cãi (có bàn thắng hay không, có phạt đền hay không, thẻ đỏ hay không và các quyết định rút thẻ sai của trọng tài chính) được phát lại để tổ trọng tài VAR kiểm tra. Nếu xét thấy tình huống cần can thiệp, tổ VAR mới liên lạc để tư vấn cho trọng tài chính điều khiển trận đấu. Tại đa số các giải đấu, trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ông ta có thể bỏ qua tư vấn của tổ VAR hoặc cho dừng trận đấu để xem lại tình huống qua màn hình được gắn trên sân.

Vì thế những quyết định được đưa ra với sự hỗ trợ từ VAR vẫn có khả năng xảy ra sai sót, chẳng hạn như tổ VAR cung cấp không đầy đủ video để trọng tài chính quan sát hay góc máy không thật rõ ràng. Hơn nữa, quyết định cảm tính là không thể tránh khỏi trong các tình huống nhận định phạt đền hay rút thẻ. Tất nhiên nếu không có VAR, trọng tài dễ mắc sai lầm hơn, bởi các tình huống trên sân diễn ra rất nhanh, đặc biệt các tình huống bắt việt vị. Cần nói thêm, mắt người không thể nhìn một lúc vào hai điểm, điểm cầu thủ chuyền bóng và điểm cầu thủ thoát xuống nhận bóng, thế nên sự hỗ trợ từ video ở những tình huống này rất cần thiết. Chính vì vậy VAR mới ra đời và trở nên phổ biến.

Thách thức và kỳ vọng từ VAR?

VAR không hề dễ áp dụng. Đầu tiên là vấn đề chi phí. Để vận hành VAR, VPF dự kiến phải bỏ ra 3 triệu USD (tương đương 70 tỉ đồng), bao gồm 3 xe VAR, mỗi xe trị giá 10 tỷ đồng. Trong xe VAR sẽ đặt máy chủ cỡ lớn (có thêm máy chủ dự phòng), hỗ trợ xử lý 8 kênh đầu vào dành cho việc thu ghi luồng tín hiệu từ các camera trên sân vận động và camera bắt việt vị; phần mềm Xeebra để thể hiện tình huống việt vị ảo (phần mềm này phải có giấy phép từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam). Ngoài ra còn có các thiết bị hỗ trợ VAR như hệ thống liên lạc nội bộ giữa trọng tài trên sân và các trọng tài trong phòng VAR.

Tiếp đến là con người. Vừa qua, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài tham gia khóa đào tạo VAR được thực hành điều hành các “trận đấu” có áp dụng VAR với các tình huống giả định thời lượng ngắn nhằm làm quen với các quy định, giao thức cũng như sử dụng các thiết bị công nghệ để phân tích tình huống. Chỉ khi nào các trọng tài vượt qua được bài kiểm tra đến từ FIFA thì bóng đá Việt Nam mới có thể đủ điều kiện vận hành VAR. Cần nói thêm, ngay cả những giải đấu lớn, với các trọng tài hàng đầu thế giới như vòng chung kết World Cup 2018 hay World Cup 2022, VAR vẫn chịu nhiều chỉ trích vì gây mất thời gian. Dẫn chứng sát sườn hơn, đơn cử như trận đấu đội tuyển Việt Nam làm khách của Oman tại vòng loại World Cup 2022, bàn thắng của Tiến Linh tuy vẫn được công nhận nhưng cái cách trọng tài VAR “bới lông tìm vết” suốt 5 phút gây ức chế cực lớn cho các tuyển thủ và người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Tôn chỉ của VAR ngay từ ngày đầu triển khai luôn là “can thiệp nhỏ nhất, hiệu quả lớn nhất”. Tóm lại, cho dù đào tạo bài bản đến đâu, các trọng tài vẫn cần thời gian để làm quen và làm chủ được VAR. Nhưng bất luận tranh cãi như thế nào, VAR là cần thiết và là xu hướng của bóng đá. Không phải ngẫu nhiên ngày càng nhiều giải đấu áp dụng phương thức hỗ trợ trọng tài bằng video này.

Ngoài ra, sự xuất hiện của VAR tại V-League sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề cho bóng đá nội. Trước nhất là nâng cao chất lượng giải đấu. Một giải đấu có VAR vận hành luôn có tỷ lệ quyết định chính xác của trọng tài cao hơn (theo thống kê từ FIFA), đồng nghĩa đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu. Các trọng tài cũng bớt áp lực khi phải đưa ra quyết định trên sân cỏ, từ đó thoát khỏi tâm lý căng cứng. Hình ảnh giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam cũng trở nên chuyên nghiệp và hiện đại hơn trong mắt người hâm mộ lẫn bạn bè quốc tế. Và ngoài ra, sự hiện diện của VAR khiến những cầu thủ “xấu chơi”, ưa sử dụng chiêu trò, thủ đoạn để qua mắt trọng tài hay ác ý với đối phương phải “chùn chân, chùn tay”. Thay vì đá "bẩn", các cầu thủ phải tập trung rèn luyện chuyên môn hơn nếu muốn giành chiến thắng. Tóm lại, sự xuất hiện của VAR mang đến nhiều điều hứa hẹn và cho thấy nỗ lực nâng cao chất lượng V-League của các nhà quản lý. 

 NGỌC TRUNG

Ý kiến bạn đọc